Xây dựng trường học hạnh phúc: Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé

GD&TĐ - Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, khả thi, có thể dễ dàng làm ngay để xây dựng một môi trường giáo dục hạnh phúc.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Trút bỏ áp lực

Các chuyên gia chỉ ra rằng, khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học, học sinh sẽ hạnh phúc. Hiệu trưởng là người giúp giáo viên thoát khỏi những áp lực, sự quá tải trong dạy học. Nếu không giáo viên không còn sức, đâu nghĩ đến trường học hạnh phúc. Trường học với bầu không khí căng thẳng và bất an thì trường học hạnh phúc chỉ là điều viển vông.

Nhấn mạnh điều này, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc quốc gia Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) – cho rằng, để làm được những điều lớn lao, cao xa, thì ngay từ bây giờ, mỗi thầy cô, cán bộ quản lý cần học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp. 

Có Hiệu trưởng tâm sự: “Nghĩ việc gì tốt thì mình cứ làm đã, chứ để vươn tới hạnh phúc chắc còn xa lắm”. Những việc tốt mà Hiệu trưởng đã và đang thực hiện nhằm đem đến cho học sinh một môi trường thân thiện, sáng tạo, phát triển toàn diện, cũng gián tiếp truyền cảm hứng cho đội ngũ, giáo viên.

Những lời khen, ghi nhận tích cực của phụ huynh, tâm lý thoải mái, vui vẻ của thầy cô giáo, giúp vị Hiệu trưởng càng thêm hạnh phúc và hứng khởi. Yếu tố quyết định để có được một trường học hạnh phúc là phải rèn luyện để mỗi người trong trường luôn có cách nghĩ tích cực; trong đó hiệu trưởng là người khởi nguồn và dẫn dắt, từ đó lan tỏa cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.” – ông Đặng Tự Ân chia sẻ.

Hãy “Quản lý mà không quản lý”

Ông Đặng Tự Ân trong buổi giao lưu do Báo GD&TĐ tổ chức.
Ông Đặng Tự Ân trong buổi giao lưu do Báo GD&TĐ tổ chức.

Theo ông Đặng Tự Ân, Hiệu trưởng là người dẫn dắt, lan tỏa hạnh phúc trong nhà trường. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, Hiệu trưởng là người tiên phong, là linh hồn của trường. Hiệu trưởng có hạnh phúc, hạnh phúc ấy sẽ lan tỏa tới thầy cô, sẽ đem đến hạnh phúc cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhiều người trong xã hội.

Hãy “Quản lý mà không quản lý”, việc của nhà lãnh đạo nhất quán, đó là mang lại sự tự do, toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về công việc cho nhân viên với tinh thần tự giác cao. Ngược lại họ luôn được Hiệu trưởng sẵn sàng hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm và cùng với với đó là sự khích lệ và động viên.  

Ông Đặng Tự Ân cho rằng, vấn đề mấu chốt cuối cùng lại nằm ở việc: vậy Hiệu trưởng có dám tự nhìn nhận, dám bước ra khỏi “vùng an toàn” và thay đổi? Đây là trở lực vô cùng khó khăn. Nếu hình dung nhà trường là một xã hội thu nhỏ và để xã hội ấy hạnh phúc, thì Hiệu trưởng với vai trò người lãnh đạo cao nhất cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành, phải chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích, sự hài lòng của “khách hàng” lên hàng đầu. Bên cạnh “lực đẩy” về hệ điều hành, không thể thiếu “lực kéo” là hệ giá trị, tầm nhìn chiến lược, khát khao đạt đến, sẽ dẫn dắt người chèo lái con thuyền giáo dục mỗi nhà trường đi đúng hướng và cán đích.

Không khó để thấy rằng, ở các nhà trường, quyền lực cao nhất nằm trong tay Hiệu trưởng. Khi cơ chế còn nặng xin - cho, ban phát ân huệ, làm việc theo cảm tính thì hệ quả sẽ tạo ra những giáo viên câm nín, không dám có ý kiến trái chiều. Vì thế, xây dựng môi trường học đường ấm áp, thân thiện, an toàn, dân chủ, không bị “bắt nạt” không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà với cả giáo viên, nhân viên. Hiệu trưởng hãy đối thoại cởi mở dân chủ với giáo viên và học sinh. Giáo viên phải tạo cho học sinh nếp sống văn hóa dân chủ, bình đẳng trong trường học.” – ông Đặng Tự Ân làm rõ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.