Từ yêu thương sẽ nhận được thương yêu
Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội là một dự án của tổ chức Làng trẻ em SOS Quốc tế Nhìn ngôi trường khang trang và sạch đẹp, thầy hiệu trưởng Đỗ Văn Toán như hiểu được niềm vui của những người khách mới đến, thầy chỉ cười nói:
"Trường chúng tôi còn nhiều khó khăn lắm, thế nhưng trên tất cả, tình cảm chúng tôi đều dành cho học trò, tận tâm với từng công việc kể cả ngoài trách nhiệm giáo dục văn hóa. Nhiều thầy cô còn làm thêm các ngày thứ bảy, chủ nhật, những công việc không tên và cũng không có lương, chỉ để mong các em có được khu vui chơi sạch sẽ, có được vườn cây mát dịu mỗi khi hè về,…"
Nói đến những khó khăn của nhà trường, thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Toán như trăn trở mỗi ngày, bởi cơ sở vật chất được xây dựng đã 23 năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp; nguồn kinh phí của trường hạn hẹp do nhà trường tự thu tự chi không đủ để sửa chữa các hạng mục lớn.
Thầy Toán cho biết văn phòng phối hợp SOS Việt Nam cũng rất quan tâm cho Làng trẻ em cũng như nhà trường nhưng không có nguồn kinh phí do Làng trẻ em SOS quốc tế hiện nay cũng rất khó khăn.
Đặc biệt, trẻ em học trong trường đa số là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là số học sinh tại Làng trẻ em SOS chiếm 1/5 số học sinh của nhà trường. Bản thân các em là những mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa nên thầy cô chính là cha mẹ, bạn bè là anh em thân thích cùng bảo ban nhau tiến bộ.
Nói đến đồng lương giáo viên, thầy hiệu trưởng thở dài: chúng tôi rất thông cảm khi nhiều giáo viên công tác tại trường cũng phải chuyển đi nơi khác, hay những giáo viên trẻ mới vào nghề cũng khó chấp nhận được bởi họ không đảm bảo đủ cuộc sống của mình. Đây là ngôi trường từ thiện, làm việc bằng tấm lòng, nhưng nhà trường lại tự chủ tài chính, tự thu chi và mức học phí cho các em là rất thấp nên chúng tôi khó có thể trả lương cao cho giáo viên.
Chồng chất những lo toan và những băn khoăn mỗi ngày nhưng những người làm công tác trồng người ở đây vẫn hết mình lo cho các trò từ bữa ăn, giấc ngủ và quan trọng nhất là định hướng cho các em lối sống lành mạnh, lạc quan hơn.
Trăn trở có nhà bán trú cho trò
Đọng lại và sâu lắng nhất có lẽ là mỗi câu chuyện của từng học sinh nghèo vươn lên. Biết bao học sinh ngày mới vào Làng trẻ em còn bé xíu, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn vì không có tình cảm của cha mẹ, không được quan tâm chăm sóc. Nhiều em còn tỏ ra bất mãn, ngang bướng bởi đã chứng kiến những chia ly của cha mẹ, tâm lý các em đã phần nào tổn thương khó bù đắp.
Ấy vậy mà, dù các em đang đến tuổi ẩm ương có vùng vằng cãi lại các mẹ ở Làng, hay thậm chí có em còn không kiềm chế được cảm xúc, cảm thấy mình bất hạnh mất mát nên đánh lại cả những người đang thay cha mẹ chăm sóc mình. Nhưng, chưa một lần các mẹ, các thầy cô nơi đây trừng phạt hay trách mắng các em. Họ cho rằng, với các em, chỉ cần tình yêu thương sẽ cảm hóa được tất cả.
Trái ngọt mỗi ngày một đơm bông, kể về những học sinh đã thành đạt, có lẽ mỗi em là một kỉ niệm với nhà trường, nhiều em đã lập gia đình riêng và vẫn đến giúp đỡ trường khi có thể.
Có những em nhỏ lần đầu vào lớp 1. Mẹ trở đến trước cổng để đó và đi làm luôn, bé đứng khóc không chịu vào lớp cho dù thầy cô hết lời khuyên bảo, hỏi bé nguyên nhân bé nói : Con sợ đi học vì ngày nào mẹ cũng đón con quá muộn (Khoảng 6h30 - 7h tối) , bố bảo không nuôi được con, chỉ có ông bà ngoại nuôi.
Xúc động và thương các em như chính đứa con của mình, các cô lại vỗ về và quan tâm các em gấp bội phần.
Có trường hợp buổi chiều đang ngồi học thì ngất xỉu , hỏi ra mới biết buổi trưa con chưa ăn gì vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, những trường hợp như vậy nhà trường cấp học bổng , vận động các nguồn để cấp cho em xe đạp đi học , ăn trưa tại trường .
Hàng năm trường cấp gần 100 suất học bổng cho học sinh giỏi , học sinh thuộc hộ nghèo , học sinh thuộc hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên trong học tập .
Vượt qua những trở ngại đó, các em đã vươn lên trở thành học sinh giỏi, thành đạt và có ích cho xã hội.
Các thầy cô còn nhớ mãi em Xuân Thị Chung một học sinh với vóc người mảnh khảnh chỉ thấp bé bằng học sinh THCS. Những năm học THPT buổi sáng đi học buổi trưa đi rửa bát thuê hoặc phụ mẹ bán rau, suốt 3 năm em đều được nhận học bổng Hermann Gmeiner. Nay em đã tốt nghiệp đại học với thành tích suất sắc và thời gian học ĐH chỉ 3 năm . Nhiều học sinh của trường nay đã là tiến sĩ , là giảng viên đại học .
Em Nguyễn Mai Liên học sinh trong làng SOS nhiều năm đạt HSG cụm Cầu Giấy nay đã là sinh viên đại học ; Em Vũ Hương Lan một học sinh đã từng đạt giải nhất nữ sinh tương lai , là sinh viên tiêu biểu toàn quốc nay đã là cán bộ của thành đoàn Hà nội. …Biết bao tấm gương về nghị lực vươn lên vượt khó ấy, sẽ là động lực để các khóa học sau có niềm tin bước tiếp.
Chuẩn bị cho ngày khai trường, tập thể thầy và trò Làng trẻ em SOS, Trường THPT Hermanm Gmeiner đã sẵn sàng đón chào năm học mới với những niềm mong chờ, hứa hẹn thành công.
Nói về mong muốn trong năm học này, thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Toán chỉ ao ước: Tôi vẫn lo mãi về nơi ngủ trưa của các em mà kinh phí của nhà trường không đủ để thực hiện được. Mong sao năm học này, trường có nguồn kinh phí hay tài trợ để xây nhà bán trú cho học trò để các em yên tâm mỗi ngày đến trường.