Mối lương duyên
Tôi đến với nghề Sư phạm như một mối lương duyên. Lúc đầu, khi học cấp 3, tôi không hề có ý định thi vào trường sư phạm. Năm lớp 12, trước khi làm hồ sơ thi đại học, tôi vẫn có ý định thi vào nghề báo chí. Nhưng năm đó có một lớp giáo sinh thực tập về trường làng, mấy anh chị ở nhờ nhà tôi, qua lời tỉ tê thế nào mà tôi lại làm hồ sơ vào nghề Sư phạm. Mặc dù trúng tuyển vào Sư phạm Văn, nhưng khi nhà trường có lớp Sư phạm Âm nhạc, tôi liền thi năng khiếu và … đỗ.
Ngày ra trường nhận công tác tôi mới có 21 tuổi, đó là năm 1987 của thời bao cấp khó khăn. Đầu tiên, tôi được phân công về một ngôi trường xứ Đoài mang tên một loài cây rất đẹp: Trường Dương Liễu - một ngôi trường của huyện Hoài Đức. Đó là một vùng quê ven sông Đáy, chuyên làm nghề chế biến nông sản. Tôi là giáo viên nhạc đầu tiên của huyện Hoài Đức, suốt ngày có thể ôm đàn ca hát, lại chưa có gia đình, vừa ra trường nên còn “vô tư” lắm, vì thế được thầy hiệu trưởng giao cho làm TPT Đội. Nhiều niềm vui mà cũng lắm nỗi buồn. Vui nhất là được phát huy chuyên môn nhạc của mình. Tôi kể chuyện, dạy hát cho các em, đứa nào cũng thích nên ngày nào cũng ra thăm cô.
Nhưng vẫn có chút thoáng buồn khi phụ huynh vẫn còn chưa hiểu vai trò của môn âm nhạc trong trường phổ thông. Một lần tôi đi chợ, có vài bà cắp thúng đi mua rau, chừng như không biết tôi là giáo viên (vì còn rất mới), họ bảo: con họ dặn mẹ đi chợ mua cho quyển chép nhạc mà chẳng biết mua ở đâu. Họ nói: học văn hóa chẳng học, lại bày trò vẽ chuyện ra học nhạc… nghe mà chua xót tủi thân. Tôi quyết tâm làm bằng được một việc gì đó cho họ hiểu. Thế là tôi lên kế hoạch trình ban giám hiệu và thiết kế dàn dựng một chương trình văn nghệ dự định sẽ biểu diễn đêm Trung thu. Diễn viên là học trò của tôi. Khó khăn lại đến: từ xưa đến nay các em chỉ biết hạt lúa củ khoai, có bao giờ được lên sân khấu? Rồi kinh phí đâu mà tổ chức, trang phục lên sân khấu thế nào? “Cái khó ló cái khôn”...
Ngày đó các bà các chị hay có những tấm khăn vuông hoa bằng vải lụa, vải xoa, vinilon… trên có in hoa văn rất đẹp, lại đủ các màu. Tôi yêu cầu các em đi mượn những tấm khăn vuông, dùng khăn đỏ làm đai, khâu 2 cái làm một chiếc “váy”. Tôi kê ghép các tấm ghế băng lại thành một sân khấu nhỏ. Phấn trang điểm chỉ là túi phấn rôm trẻ em, vừa hợp túi tiền lại không hại da, nhạc cụ chỉ một chiếc đàn ghi ta đệm, tôi đã tổ chức một đêm diễn văn nghệ đầu tiên cho học trò thật ấn tượng. Các trò của tôi là diễn viên biểu diễn hết sức tự nhiên, bố mẹ là khán giả vỗ tay nhiệt liệt và tự hào về con mình “có những tài lẻ được phát huy”, ai cũng thấy hơn hẳn so với khi chưa có giáo viên nhạc. Và họ hiểu, yêu dần môn học mới mẻ này của con em, sẵn sàng mua sắm những loại sách vở “đặc trưng” của môn âm nhạc khi các con có nhu cầu
Làm TPT Đội được 11 năm, tôi học thêm Sư phạm Văn và “giã từ” “ngôi vị” TPT. Tôi chuyển sang môn Văn. Ngày xưa nhiều năm là học sinh giỏi Văn nên cảm thấy tiếc nếu không được đem kiến thức vốn có của mình ra truyền đạt lại cho các em.
Ăm ắp những kỷ niệm
Người mẹ thứ hai |
Phụ huynh của tôi chân chất thật thà nhưng họ suốt ngày chỉ lăn lưng ra làm, chẳng bao giờ biết đến bó hoa tặng thầy cô. Trường cách nhà tôi đến 4 cây số, tôi lại chưa mua được xe đạp, nên ở tập thể. Hàng ngày, những đứa “con” của tôi cứ ríu rít không rời, có đứa còn bế cả em ra nhà cô, lếch thếch như mèo tha chuột, mặt mũi nhọ nhem nhọ thỉu.
Đến ngày Tết, các em ngây thơ tặng tôi những bó mía trồng nơi bãi phù sa sông Đáy vàng thơm mùi mật, những trái táo vườn nhà thay cho hoa và quà. Ngày 20/11, những bông hoa mào gà, hoa gấm, hoa hồng quế và cả hoa huệ, dâm bụt ở vườn nhà các trò được bọc trong giấy báo, mang đến tặng cô. Lễ kỷ niệm 20/11 ở trường, tôi cầm giấy giới thiệu của BGH đến Vườn ươm của xã do các cụ phụ lão trông nom, xin mấy bó hoa về phục vụ buổi lễ: Cũng vẫn là hoa mào gà, hoa huệ bó xen kẽ nhau thành những bó hoa trang trí cho buổi lễ. Tuy vật chất ít nhưng tinh thần vui. Tết đến, Trại chăn nuôi của xã cho trường hẳn một con lợn. Bữa tất niên với lòng sốt tiết canh diễn ra thật vui, sau đó là chia thịt lợn và nhận túi quà Tết do công đoàn mang về từ của hàng Bách hóa theo tiêu chuẩn Tết. Có lẽ chẳng bao giờ tôi quên.
Sang thời mở cửa xóa bỏ bao cấp, đời sống của nhà giáo được nâng cao. Các thầy cô đã có thể sống được bằng chính đồng lương của mình mà không còn phải làm thêm vất vả như trước nữa. Bao năm trực tiếp đứng lớp giảng dạy, tôi được biết đến nhiều loại giáo án: giáo án viết tay của thời khó khăn, giáo án đánh máy đến giáo án điện tử, E-learning của hiện tại. Phương tiện dạy học từ phấn trắng bảng đen, tranh ảnh vẽ tay đến máy chiếu hắt và bây giờ là máy chiếu đa năng có thể đưa vào bài giảng nhiều hình ảnh minh họa hay các thí nghiệm ảo. Ngay cả những tấm bảng cũng bắt đầu là bảng gỗ, bảng giấy ép, gỗ ép đến bảng từ chống lóa có thể đính được nam châm… Mọi thứ đều hoàn thiện, hiện đại dần lên, giúp cho nhà giáo có điều kiện chuyển tải kiến thức tốt hơn.
Năm 2008, Hà Nội hợp nhất, tôi được bổ nhiệm làm hiệu phó chuyên môn. Những lúc ở lại trường đến tối mịt để xây dựng bài cho anh chị em đi thi giáo viên giỏi, những đợt thao giảng, tiếp xúc với các phương tiện dạy học hiện đại, tôi càng nhớ cái thời khó khăn vất vả khi xưa. Nghĩ ngợi thoáng qua đôi chút nhưng rồi lại bằng lòng với công việc hiện tại, lại phấn đấu, lăn lộn với nghề, bởi lòng yêu nghề đã ngấm vào máu từ lúc nào không hay.
Rồi tôi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng ở một trường khác. Chân ướt chân ráo về trường mới trên cương vị mới, tôi cũng lo. Trên cương vị là người đứng đầu của trường, có nhiều việc tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ đắc lực của cấp phó. May có cô Liên là hiệu phó đã song hành, cùng gánh vác mọi công việc, tháo gỡ những khó khăn. Sau mỗi khi chị em tôi hoàn thành một việc chung nào đó, lúc này tôi mới thấy đúng là “cấp phó, không có không xong”.
Năm nay, tôi được luân chuyển về làm Hiệu trưởng trường THCS Đức Thượng. Ngôi trường của quê hương tôi, nơi này xưa tôi đã gắn bó bao kỷ niệm. Cũng từ nơi đây, các thầy cô giáo đã dìu dắt tôi trưởng thành, bay xa, và bây giờ lại về kế tục sự nghiệp. Gần 30 năm tuổi nghề, qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nếm trải đủ vị vui buồn, sướng khổ. Đến hôm nay, có ai hỏi nếu cho chọn lại bạn có chọn nghề sư phạm nữa không? Thì tôi vẫn nói rằng: Tôi yêu nghề giáo viên.
Bình luận