Từ "mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào" nhưng được tổ chức giáo dục theo tinh thần tự chủ, dân chủ, nhân văn nên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã có thể sánh vai với các mô hình giáo dục, những trường học đang đào tạo công dân "đẳng cấp thế giới". Những người có đủ năng lực, phẩm chất.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Tiến sĩ Odette Lescarret (Pháp) nhận xét: Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi đã thực nghiệm một nền giáo dục toàn diện, kết hợp dạy chữ với dạy người. Mô hình này được Bộ Ngoại giao Pháp và Châu Âu ghi nhận.
Tại ngôi trường này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm đã xây dựng tốt một đội các nhà tư vấn hoạt động hỗ trợ học sinh; cho phép các em có điều kiện để phát triển tài năng, học tập một cách sáng tạo.
Điểm đặc biệt của Trường Đinh Tiên Hoàng là sự xuất hiện rất sớm của Văn phòng Tư vấn Học đường. Đây là mô hình giáo dục đặc sắc, học tập theo kinh nghiệm giáo dục của các nước tiên tiến; thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lí học
Văn phòng hoạt động hiệu quả, trợ giúp các em HS có khó khăn về tâm lý học đường, đồng thời giúp đỡ cha mẹ học sinh trong quá trình "Dạy con nên người".
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm cho biết: Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò Nhà trường đã từng bước khẳng định chất lượng hàng đầu và tinh thần đổi mới tiên phong, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục của Thủ đô.
Các thế hệ giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng. |
Hơn 10.000 HS Trường Đinh Tiên Hoàng đã tốt nghiệp THPT, trong đó rất nhiều HS thi đỗ vào đại học, trường cao đẳng nghề ra đời trở thành nguồn lao động hữu ích cho nền kinh tế; Xuất sắc có một bộ phận HS là những doanh nhân thành đạt, trí thức ưu tú, nghệ sĩ thành danh.
Cao hơn thế, Đinh Tiên Hoàng còn là mô hình giáo dục đảm bảo công bằng trong giáo dục cho những học sinh gặp khó khăn; không buông tay, không bỏ rơi một học sinh nào.
Công thức phát triển nhân cách của thầy, trò Đinh Tiên Hoàng là: ft = đ.t.h - x2, tức là Trường Đinh Tiên Hoàng muốn phát triển, thầy cô muốn hoàn thành sứ mệnh làm thầy là giúp trò "nên người", cùng phụ huynh "dạy con nên người".
Như vậy thầy phải luôn đổi mới cách dạy, trò đổi mới cách học. Thầy trò phải luôn tận tâm, tận hiến hết sức mình cho lẽ sống cao đẹp của mỗi người và trong quá trình phát triển đó phải luôn luôn học hỏi, hợp tác để cùng phát triển.
Với công thức tạo ra văn hóa phát triển này, Nhà trường tập trung vun đắp để mỗi trò "nên người" thành người "tử tế" bằng phong cách "5 tự": Học sinh biết tự học sáng tạo, biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng và biết tự chịu trách nhiệm trước mỗi việc mình làm.