Nhân rộng mô hình trường học có môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện

GD&TĐ - Sau sự cố tại trường THCS Phù Ủng, vấn đề trọng tâm của ngành GD-ĐT Hưng Yên là "nhân rộng mô hình trường học có môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện để phòng chống bạo lực học đường theo hướng hiệu quả thiết thực".

Nhân rộng mô hình trường học có môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện

Tại hội nghị trực tuyến quán triệt các nội dung chỉ đạo về phòng chống bạo lực học đường được tổ chức chiều 6/4, Sở GD&ĐT Hưng Yên đã thông báo kết luận của UBND tỉnh Hưng Yên về xử lý vụ việc bạo lực học đường tại Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi) và đưa ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Sở cũng quát triệt tới tất cả các trường học, cơ sở giáo dục những nội dung cơ bản trong phòng chống bạo lực học đường. Với giáo dục mầm non, thực hiện theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, coi trọng việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục, các hoạt động vui chơi để phát triển thể chất.

Về giáo dục phổ thông, coi trọng công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, ngăn chặn kịp thời những tác động tiêu cực ngoài xã hội và việc sử dụng dịch vụ Internet, trò chơi điện tử, điện thoại di động ảnh hưởng đến học sinh.

Hội nghị Diên Hồng của ngành GD Hưng Yên nhằm phòng chống bạo lực học đươmgf
 Hội nghị Diên Hồng của ngành GD Hưng Yên nhằm phòng chống bạo lực học đươmgf

Những mô hình làm tốt công tác phòng chống bạo lực học đường

Các trường học cũng đã đưa ra một số mô hình tốt cách làm hay, chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng chống bạo lực học đường. Điển hình như: các trường THPT Triệu Quang Phục, THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ), THPT chuyên Hưng Yên, Tiểu học Tân Quang (Văn Lâm), THPT  Mỹ Hào...

Đây là các trường có nhiều kinh nghiệm không để xảy ra bạo lực học đường. Trong đó, tổ chức tốt việc dạy kỹ năng sống và các hoạt động vui chơi bổ ích lành mạnh, hoạt động ngoại khóa, văn nghệ thể thao, các buổi sinh hoạt chuyên đề.

Cô Trần Thị Yến- Hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Điểm, chia sẻ: Để phòng ngừa những hiện tượng bạo lực học đường, nhà trường đã tạo cơ sở vật chất sân chơi cho các học sinh, hình thành các câu lạc bộ trong trường; giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các trò chơi dân gian, hội trại, giao lưu, văn nghệ thể thao.

Trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có môi trường phát triển thể chất, tâm hồn, tránh xa các hoạt động xấu. Qua đó trường xây dựng đức tính tốt, ý thức tập thể, gần gũi nhằm giảm thiểu bạo lực học đường.

Cô Lê Thị Nguyệt- Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Triệu Quang Phục, cho biết: Nhà trường luôn coi trọng phương pháp nêu gương, biểu dương kịp thời những học sinh có việc làm tốt trong các hoạt động; nâng cao kỹ năng mềm dẻo trong giáo dục học sinh hư, học sinh vi phạm, không để xảy ra mâu thuẫn giữa thày và trò và giữa các học trò với nhau.

Nhà trường còn có nhật ký hoạt động, thu thập học sinh tích cực, là vệ tinh để lấy thông tin, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em học sinh.

Cô Nguyễn Hồng Thúy- Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hưng Yên phát biểu tại hội nghị
Cô Nguyễn Hồng Thúy- Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hưng Yên phát biểu tại hội nghị

Các trường học cũng đưa ra những cách làm thiết thực trong phòng chống bạo lực học đường như: sử dụng các thiết bị hỗ trợ, các thiết bị camera, kịp thời ngăn chặn và phát hiện các hiện tượng lạ. Bạo lực học đường chính là việc làm tổn hại đến tinh thần của cả các em học sinh lẫn các thầy cô giáo trong môi trường học đường.

Cụ thể, đối với học sinh chưa ngoan, hay bỏ học, không có ý thức tốt, nghiện chơi game… là biểu hiện dễ gây ra bạo lực học đường. Theo đó, các trường cần có ban chỉ đạo, tổ tâm lý, mời các chuyên gia để giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh kỹ năng mềm. Gia đình, nhà trường giáo dục phối hợp kỹ năng sống; tăng cường hòm thư góp ý, để giúp thầy cô có hướng điều chỉnh tốt.

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã tập trung phân tích vai trò của người thầy. Nhà trường cần thực hiện tốt vai trò của thầy cô giáo đối với học sinh. Các thầy cô nên thường xuyên quan tâm đến diễn biến tâm lý, tình cảm của học sinh, thực sự trở thành điểm tựa để học sinh chia sẻ tâm tư, kịp thời tư vấn tác động và giúp học sinh khắc phục những hạn chế.

Và hơn hết phụ huynh chính là người thầy gương mẫu nhất, mỗi gia đình đều là môi trường giáo dục tốt, cần đầu tư tủ sách để rèn văn hóa đọc cho từng thành viên trong gia đình. Vì vậy cần sự  phối hợp cả ba bên: nhà trường - phụ huynh - học sinh.

TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội
TS Nguyễn Tùng Lâm-  Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm

Nhiều ý kiến của các trường cũng đánh giá cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, là người mà học sinh luôn tin tưởng, chia sẻ. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm cần tham gia các buổi hội thảo để nâng cao kỹ năng trong việc nắm bắt hoàn cảnh, gia đình, tâm sinh lý của học sinh.

Lứa tuổi học sinh có nhiều tâm lý trái chiều nên giáo viên cần làm tốt công tác tư tưởng, định hướng việc làm đúng đắn, giúp các em rèn kỹ năng, hoàn thiện bản thân. Qua đó, giáo viên chủ nhiệm góp phần quan trọng vào việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện không có bạo lực

Theo cô Lê Thị Nguyệt, chức năng của giáo viên chủ nhiệm là vô cùng quan trọng. Thầy cô chủ nhiệm cần phải lấy được sự tin tưởng, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em học sinh, chủ động tâm lý tư vấn giữa gia đình, nhà trường và giáo viên, từ đó sẽ ngăn cản được những mầm mống tiêu cực, giúp các em tránh xa bạo lực học đường.

TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho biết đang đề xuất để đưa vai trò của giáo viên chủ nhiệm vào dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi). Luật cần quy định sao cho người làm công tác chủ nhiệm cảm thấy được tôn trọng, yên tâm, vinh dự khi làm chứ không phải ai rỗi thì làm hay bắt phải làm. Giáo viên chủ nhiệm cần được hưởng chế độ lương khác, được bồi dưỡng để hiểu về tâm lý, giỏi về chuyên môn.

Cho rằng việc cãi vã, đánh nhau ở học sinh là khó tránh khỏi, nhưng thầy Lâm khẳng định vụ nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi) bị đánh hội đồng ngay tại lớp là đặc biệt nghiêm trọng. "Bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nước, quan trọng chúng ta đã ngăn chặn, xử lý như thế nào? Mục tiêu của chúng ta là giáo dục học trò chứ không phải đuổi các em, nhưng cũng phải làm sao để học trò tự chịu trách nhiệm", thầy Lâm nói.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng nhắc nhở các giáo viên phải tìm ra nhiều hoạt động, trò chơi đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ, trong đó lồng ghép giá trị sống. Qua các hoạt động, học trò yêu thương, tôn trọng và khoan dung cho nhau thì không lý gì bạo lực xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Phê- Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, nhấn mạnh: Để xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, không có bạo lực, mọi thầy cô đều phải có nếp sống gương mẫu. Học trò đến lớp để được yêu thương, biết yêu thương chứ không phải để được chiều chuộng.

Học trò cần được thổi hồn nhân cách qua từng tiết học chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Ngôi trường phải là nơi kết tinh khoa học và đạo đức. Mà đạo đức là nền tảng cốt lõi thấm sâu vào từng tiết học, nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách cho các em.

Các thầy cô cần ý thức sâu sắc về nghề giáo, rà soát lại xem mình đã mang lại gì cho học trò của mình. Theo ông, các thầy cô cần tự hỏi mình đã đóng góp gì cho việc hình thành nhân cách đạo đức, ước mơ và hoài bão của học sinh, giúp các em chuẩn bị hành trang để tự bước đi trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.