“Ngôi nhà điện ảnh” số 4 Thụy Khuê: Ngóng chờ... xót xa

GD&TĐ - 60 năm tề tựu là để gặp gỡ, hân hoan kể những niềm vui, thành tựu của một chặng đường phát triển. Thế nhưng, những nghệ sĩ đã trưởng thành, cống hiến cho nền điện ảnh cách mạng đã phải tiếp tục ngóng chờ... xót xa khi trở về mừng kỷ niệm 60 năm Hãng phim truyện Việt Nam ở “ngôi nhà điện ảnh” số 4 Thụy Khuê...  

Các nghệ sĩ trở về “ngôi nhà điện ảnh” số 4 Thụy Khuê trong nỗi buồn khi chưa biết ngày mai Hãng phim truyện Việt Nam sẽ về đâu?
Các nghệ sĩ trở về “ngôi nhà điện ảnh” số 4 Thụy Khuê trong nỗi buồn khi chưa biết ngày mai Hãng phim truyện Việt Nam sẽ về đâu?

Lấp lánh vàng son...

Lấy dấu mốc bộ phim điện ảnh “Chung một dòng sông” (kịch bản: Cao Đình Báu, Hoàng Xuân Tùng; đạo diễn: Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam) được Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1959 - đông đảo nghệ sĩ đã cùng tề tựu tại “ngôi nhà điện ảnh” số 4 Thụy Khuê mừng sinh nhật tuổi 60 của hãng.

Các nghệ sĩ phần đông đều ở tuổi xưa nay hiếm. Chân chậm, tay run nhưng ký ức về thời vàng son năm xưa vẫn luôn lấp lánh...

Đấy là ký ức về địa chỉ số 4 Thụy Khuê - nơi khởi đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn lấp lánh với hàng loạt những bộ phim nổi tiếng.

Tất cả đều được làm bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao thế hệ nghệ sĩ. Nào là: “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”, “Em bé Hà Nội”, “Con chim vành khuyên” “Mối tình đầu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ngày lễ thánh”, “Tiền tuyến gọi”... Nào là: “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Đừng đốt”, “Mùi cỏ cháy”, “Mùi ổi”, “Truyện cổ tích cho tuổi 17”, “Sống trong sợ hãi”...

Đấy là ký ức về số 4 Thụy Khuê với biết bao tên tuổi lấp lánh của điện ảnh nước nhà như: Đạo diễn - NSND Hải Ninh, đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn – NSƯT Xuân Sơn, đạo diễn – NSND Thanh Vân, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Minh Châu, NSND Hoàng Cúc, NSƯT Quốc Tuấn...

Từ ký ức, năm 1977 được cùng với lớp khóa 2 trở về số 4 Thụy Khuê, đạo diễn – NSND Hữu Mười bảo rằng, số 4 Thụy Khuê là thánh đường điện ảnh của Việt Nam lúc đó. Nơi sản xuất các tác phẩm điện ảnh cuốn hút lòng người và đã xây dựng nên một nền điện ảnh Việt Nam chính là từ số 4 Thụy Khuê.

Nhà văn Chu Lai từng nhấn mạnh: “Số 4 Thụy Khuê là hồn vía của một nền văn hóa. Là giá trị tinh thần của sức mạnh dân tộc trong những lúc nước sôi lửa bỏng. Những bộ phim ra đi từ số 4 Thụy Khuê đã theo những bước đường hành quân vượt Trường Sơn vào trận, đi vào trận đánh...”.

Còn với những nghệ sĩ đã từng làm việc, gắn bó nơi đây thì luôn nhớ về địa chỉ số 4 Thụy Khuê như ngôi nhà thứ hai, như trường học nghề đầu tiên của mình. NSND Hoàng Cúc chia sẻ: “Địa chỉ số 4 Thụy Khuê là một gia đình của chúng tôi. Chúng tôi được lớn lên, học tập và trưởng thành từ nơi đây”.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thì kể rằng ông “gia nhập” “ngôi nhà điện ảnh” số 4 Thụy Khuê lúc 31 tuổi với hai bàn tay trắng cùng vốn kiến thức điện ảnh chưa có gì.

“Thế nên, tôi luôn nói rằng, tôi học đại học điện ảnh ở số 4 Thụy Khuê. Mảnh đất này đã đào tạo tôi trở thành đạo diễn và làm được một số phim. Người thầy dạy tôi ở đây là những anh chị em như: Chị phục trang, hóa trang, anh họa sĩ, kỹ sư thu thanh, anh quay phim...”, đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh bồi hồi nhớ lại.

Ngóng chờ... xót xa

Ký ức luôn lấp lánh với những dấu ấn vàng son như thế. Chuyện cổ phần hóa hãng phim cũng đã được kết luận có nhiều sai phạm từ cuối năm 2018. Vậy mà vì sao khi trở về với “ngôi nhà điện ảnh” số 4 Thụy Khuê bao nghệ sĩ vẫn rơi nước mắt xót xa?

Đạo diễn, NSƯT Xuân Sơn 0 người nổi tiếng với bộ phim truyện điện ảnh “Truyện cổ tích cho tuổi 17” đã thốt lên: “Đi dự liên hoan phim ở Vũng Tàu, tôi buồn, xót xa, cay đắng. Thật đau đớn, khi kỷ niệm 60 năm, ở các cơ quan khác mọi người được nói niềm vui còn chúng ta đi kể nỗi đau đớn, cơ cực, tàn bạo, bất công, tàn nhẫn...”.

Đấy là cái nỗi đau đớn của người nghệ sĩ đã ở tuổi 80 đã gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam từ ngày tem phiếu, cân gạo, lạng đường..., đã gửi gắm tất cả niềm đam mê khát khao được cống hiến từ những năm tháng gian lao của đất nước.

Và giữa sóng gió cổ phần mấy năm qua, dù biết chắc chắn rằng, Hãng phim sẽ vẫn tồn tại song NSƯT Xuân Sơn cũng như bao người nghệ sĩ khác luôn trăn trở vì cũng đã một năm trôi qua sau kết luận của Thanh tra Chính phủ mà tương lai của Hãng phim vẫn mờ mịt...

“Bao giờ hãng phim truyện có lương, có việc?”, đạo diễn – NSƯT Xuân Sơn đặt câu hỏi trong nước mắt.

Hay như NSND Lan Hương – người cộng tác nhiều phim với hãng và thành công nhất là vai Thủy trong bộ phim “Mùa ổi” của đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh cũng chia sẻ rằng, chị thấy buồn đau nhiều hơn là vui mừng trong ngày kỷ niệm.

Nỗi buồn ấy đến từ lần trở về với “ngôi nhà điện ảnh” số 4 Thụy Khuê - ngôi nhà nghệ thuật thứ hai của chị mà giờ đây hoang tàn, trống vắng, xập xệ giữa lòng Thủ đô. Và, chị cũng buồn thay khi chứng kiến nơi từng là niềm tự hào của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nơi đã từng rất nhộn nhịp, rất khẩn trương trong không khí làm phim mà ngày đầu cô bé Lan Hương được đặt chân tới vậy mà bây giờ ở thế kỷ 21, thời kỳ công nghệ 4.0 này lại bị mạng nhện và bụi phủ đầy.

“Và còn đau hơn nữa, khi biết rằng nhiều anh chị em, cả những người được phong tặng NSND, NSƯT đang mang danh là người của Hãng phim truyện Việt Nam mà nhiều tháng qua không có công ăn việc làm, không có lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Các anh các chị ấy có tội gì, lỗi gì?... Họ chỉ có cái tình, trái tim, những cảm xúc chân thực của mình và những kỹ năng làm điện ảnh thôi” – NSND Lan Hương xúc động bày tỏ.

“Rất hiểu những khó khăn mà các bạn đang trải qua ở số 4 Thụy Khuê này. Tôi luôn hy vọng qua những khó khăn này, chúng ta bước sang chặng đường mới. Tôi xin nhấn mạnh thêm phải có những bộ phim hay thì mới được. Rất mong cơ chế điện ảnh của chúng ta phải hết sức trân trọng những người nghệ sĩ, phải có tâm, có tầm, hết sức tránh lợi ích nhóm thì ngành điện ảnh mới tiến được. Ngày xưa Tết đến, anh Vũ Năng An – Giám đốc của hãng hay có câu đối “Khởi sắc xuân” dán trước cổng. Tôi mong “ngôi nhà điện ảnh” số 4 thụy Khuê sẽ khởi sắc xuân”. 
                                                    Đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ