Vì được thành lập tại Đồi Cọ, nên những người trong ngành Điện ảnh Việt Nam thường gọi với tên thân thiết “Điện ảnh Đồi Cọ”. Nhắc đến nền “Điện ảnh Đồi Cọ” phảinhắc tên “thế hệ vàng” của nền điện ảnh Việt Nam.
Thế hệ Vàng của Điện Ảnh Việt Nam – Mốc son chói lọi
Thời kỳ xây dựng và phát triển từ ngày ra đời tại chiến khu, những văn nghệ sĩ cũng lên đường để ghi lại những tư liệu quý và hiếm để phán ánh thực tế hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta. Trong khói lửa đạn bom, các nghệ sĩ vẫn sản xuất được nhiều bộ phim “ghi bằng máu”, tuy còn “sạn” nhưng đó là “tài sản vàng” để lại cho các thế hệ làm phim nói riêng và thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.
Các thế hệ nghệ sỹ gặp mặt kỷ niệm 65 năm nền điện ảnh Việt Nam |
Sau 65 năm có thể khẳng định: Thế hệ văn nghệ sĩ đóng góp nhiều thành tựu sáng tạo trong các thập niên 1960, 1970 và đầu thập niên 1980 với những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh nước nhà là thế hệ vàng của Điện ảnh Việt Nam. Trong số đó có thể kể đến:
Về đạo diễn phim truyện: Đạo diễn Phạm Văn Khoa, Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam, Nông Ích Đạt, Hồng Sến, Đặng Nhật Minh, Bạch Diệp, Hải Ninh, Huy Thành, Khắc Lợi...
Về biên kịch xin nhắc đến tên như: Hoàng Tích Chỉ, Bành Bảo, Bành Châu, Vũ Lê Mai, Văn Linh, Cầm Kỷ, Phù Thăng, Hứa Văn Định, Trần Kim Thành, Văn Thảo Nguyên, Lê Phương, Vương Đan Hoàn...
Và những diễn viên được nhiều thế hệ biết đến như Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Trịnh Thịnh, Huy Công, Thụy Vân, Lịch Du, Đoàn Dũng, Mạnh Linh, Lâm Tới, Trần Phương, Đức Hoàn, Ngọc Lan, Thanh Thủy, Anh Thái, Lân Bích, Minh Đức, Kim Chi...
Bên cạnh đó, bộ phim thành công với hình ảnh chân thật, đẹp và mang đầy ngôn ngữ điện ảnh phải kể đến công của những quay phim như Nguyễn Đăng Bảy, Khánh Dư, Xuân Chân, Trần Thế Dân, Nguyễn Mạnh Lân, Phạm Ngọc Lan...
Đồng thời bộ phim có thành phần quan trọng khác như hoạ sĩ Đào Đức; âm nhạc Vũ Lương và các nhà lý luận phê bình luôn đánh giá “sắc sảo” các bộ phim như nhà lý luận Nguyên Hồ, Trịnh Mai Diêm, Hoàng Thanh, Phạm Ngọc Trươn…
Nói về điện ảnh tài liệu – khoa học phải kể đến những đạo diễn: Bùi Đình Hạc, Ngọc Quỳnh, Phạm Khắc, Lý Thái Bảo, Dương Minh Đẩu, Lê Thi, Lương Đức, Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh...
Điện ảnh hoạt hình không thể không nhắc đến đạo diễn Ngô Mạnh Lân, Trương Qua, Hồ Quảng…
Và Trường Sân khấu &Điện ảnh Hà Nội – cái nôi đào tạo ra những nghệ sĩ thành danh, xin được nhắc đến thầy Phạm Văn Khoa, Nguyễn Ngọc Trung, Lê Đăng Thực...
Những bộ phim kinh điển - Mốc Son: Tác phẩm Vàng
Trong suốt 65 năm, có những bộ phim vượt thời gian và sống mãi trong lòng khán giả cho đến ngày hôm nay. Những bộ phim ấy còn đoạt nhiều giải quốc tế. Mỗi một bộ phim thành công là công sức của tất cả các bộ phận trong đoàn phim cùng cống hiến, sáng tạo để hình tượng nhân vật mỗi khi xuất hiện là để lại ấn tượng cho khán giả.
Nhà biên kịch Bành Mai Phương, diễn viên Trà Giang, nhà quay phim Trần Quốc Dũng. |
Ví như khi nhắc đến bộ phim đầu tiên của nền Điện ảnh Việt Nam là “Chung một dòng sông” thì người ta nhắc đến diễn viên Phi Nga đóng vai Hoài và Mạnh Linh vai Vận. Rồi bộ phim “Chim Vành Khuyên”, khán giả vẫn nhớ khuôn mặt đẹp của bé Nga do Tố Uyên đóng. Phim “Chị Tư Hậu” do Trà Giang nhập vai xuất sắc. Trung uý Phương do Thế Anh đóng trong phim “Nổi Gió”. Phim “Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm” vai Trần Sùng (Lâm Tới). Phim “Vợ chồng A Phủ” là cặp diễn viên Đức Hoài (vai Mỵ), Trần Phương (A phủ). Rồi phim “Đến hẹn lại lên” cho Như Quỳnh vào vai Nết. Phim “Bao Giờ cho đến tháng 10” là Lê Vân vai chị Duyên.
Còn rất nhiều phim truyện nổi tiếng khác như Em bé Hà Nội, Mẹ vắng nhà, Cánh đồng Hoang…
Về những bộ phim tài liệu – khoa học nổi tiếng, xin được nhắc đến bộ phim đã cập nhật, khắc họa tinh thần quả cảm của các chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như Đường ra phía trước, Lũy thép Vĩnh Linh, Những người săn thú trên núi Đắc Sao…
Không chỉ sát cánh, đồng hành cùng các chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh bảo vệ tổ quốc, nhiều nghệ sĩ – chiến sĩ còn vượt lên phía trước để ghi lại những thước phim, hình ảnh chân thực về cuộc chiến, về sự quả cảm của dân tộc Việt Nam như những hình ảnh tại chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị, hình ảnh quân dân thủ đô quyết tâm bám trụ, tiêu diệt pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội…
Đao diễn Sỹ Chung, nhà biên kịch Thanh Tú (Hãng phim Tài liệu – Khoa học T.Ư) |
Về phim hoạt hình phải nhắc đến những bộ phim như: "Chuyện ông Gióng", "Kặm Phạ - Nàng Ngà", "Sơn Tinh - Thủy Tinh".
Để xây dựng nên một nền Điện ảnh Việt Nam có chỗ đứng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, khẳng định được vị trí trong khu vực và trên thế giới, công đóng góp trước hết thuộc về thế hệ Vàng của Điện ảnh Việt Nam và 2 thế hệ nghệ sĩ, nhà hoạt động điện ảnh.
Công lao đó đã được ghi nhận bằng hàng trăm tác phẩm điện ảnh có giá trị, đạt được những giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Công lao ấy đã được ghi nhận: 2 hãng phim và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh Hùng, nhiều tập thể và cá nhân được trao tặng Huân chương Độc lập và Huân chương lao động cao quý, 64 nghệ sỹ phong danh hiệu NSND, 245 nghệ sỹ được phong danh hiệu NSUT, 5 tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 46 tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
65 năm qua, ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam với đích đến là ngành công nghiệp văn hóa đang thu hút sự tham gia của nhiều nguồn lực kinh tế với số đầu phim tăng cao, doanh thu nhiều phim đạt mức kỷ lục. Nhiều bộ phim góp phần định hướng thẩm mỹ cho công chúng và lan tỏa, đưa văn hóa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy chung của thế giới qua đó quảng bá về đất nước, thiên nhiên, phong cảnh và con người Việt Nam.
Cục điện ảnh (Bộ VHTT&DL) vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì, ghi nhận những thành tích, cống hiến của đơn vị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền điện ảnh nước nhà .