Học chữ thoát nghèo
R’bai là ngôi làng của người Jarai nằm bên dòng sông Ayun thơ mộng, hiền hòa. Kinh tế của bà con nơi đây dựa vào dòng sông và cây nông nghiệp. Mặc dù, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân luôn tạo điều kiện để con cái được ăn học đến nơi đến chốn.
Dưới hiên nhà, ông Ksor Moaih (67 tuổi) và bà Rô H’Nguôn (59 tuổi, trú tại làng R’bai) đang ngồi nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Ông Ksor Moaih kể: Trước kia, vợ chồng ông là giáo viên, tuy có nguồn thu nhập ổn định nhưng vẫn không đủ để trang trải cuộc sống và lo cho 5 người con đến trường. Không muốn con “mất” chữ, ngoài giờ dạy, vợ chồng ông đi làm thuê, cuốc mướn khắp nơi.
“Tuy gia đình không khá giả nhưng vợ chồng mình luôn muốn các con được đi học bằng bạn bè. Bởi mình biết phải học các con mới có cơ hội thoát nghèo, sau này không phải quần quật với nương rẫy, đồng áng.
Chính vì vậy, vợ chồng mình luôn cố gắng để cho con được đến trường. Tới nay, 4 người con của mình đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Vợ chồng mình rất vui, tự hào và hạnh phúc vì điều đó”, ông Ksor Moaih tâm sự.
Sau khi ra trường, 4 người con của ông Ksor Moaih đều có công ăn, việc làm ổn định. Người con đầu đã có bằng Tiến sĩ, đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Con thứ 2 đang làm ở UBND xã Ia Piar, 2 người con còn lại đang làm ở Công ty Dược và Công ty Cây xanh Đô thị.
Trong làng R’bai ngoài gia đình ông Ksor Moaih, còn rất nhiều gia đình ưu tiên việc học của các con. Gia đình ông Nay Trơ là một trong những gia đình hiếu học có tiếng tại địa phương. Để có tiền lo cho con cái đến lớp, vợ chồng ông cho thuê nương rẫy của gia đình rồi đi làm thuê trang trải cuộc sống.
“Người dân trước kia sống nhờ vào vài sào nương rẫy, nhưng có những nhà không đủ cái ăn. Không muốn thế hệ trẻ chịu cảnh khổ cực, quanh năm lấm lem bùn đất nên mình luôn động viên các con cố gắng học tập.
Bởi có con chữ mới hy vọng thoát khỏi đói nghèo và có công ăn việc làm ổn định để trở về phát triển quê hương. Do đó, dù khổ cực, đói nghèo đến mấy nhưng chưa một lần mình suy nghĩ sẽ để các con phải dừng học.
May mắn các con ngoan ngoãn, hiểu chuyện nên cứ đứa lớn ra trường, có công ăn việc làm lại đỡ đần bố mẹ nuôi các em. Đến nay, 8 người con của mình đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và có công ăn việc làm ổn định, như: Dược sĩ, bác sĩ, giáo viên…”, ông Nay Trơ tươi cười nói.
Làng R’bai với khoảng 100 người học đại học, cao đẳng và trung cấp. |
Trở về quê hương
Bà Nguyễn Thị Khá - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Piar - cho hay, làng R’bai nổi tiếng với truyền thống hiếu học với khoảng 100 người học đại học, cao đẳng và trung cấp. Không những vậy, học sinh đến lớp ở các trường tiểu học, THCS đều đúng độ tuổi và được phổ cập 99%.
Từ những năm 1993, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Rmah Dmeo (51 tuổi) đi làm cán bộ giao thông thủy lợi ở xã Ia Piar. Với đồng lương chỉ vỏn vẹn 30.000 đồng/tháng nhưng ông không nản lòng mà đi xin làm thêm nhiều nơi, mua đất canh tác để có tiền cho con cái ăn học.
Hiểu được khó khăn, vất vả của cha mẹ nên 3 người con của ông đều chăm chỉ học tập. Đến nay, người con gái cả của ông đã tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm, con gái thứ tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải và đang làm việc tại Đồng Nai. Riêng người con út đang là sinh viên Y khoa, Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk).
“Để có tiền lo cho chúng em đi học, cha mẹ đã phải tần tảo sớm hôm. Có món ngon hoặc những gì tốt đẹp nhất cha mẹ đều nhường cho các con. Trước kia, thương cha mẹ vất vả, mỗi lần đến kỳ đóng học phí em lại có ý định nghỉ học vì nhà quá nghèo. Nhưng khi đó, cha mẹ động viên em cố gắng học để sau này đỡ khổ.
Sau này, khi tốt nghiệp ra trường, em mong rằng sẽ được làm việc tại làng để phát triển quê hương. Đồng thời động viên, khích lệ các em nhỏ cố gắng học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Đặc biệt, em muốn ở gần để chăm sóc cho cha mẹ, người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục để em có được ngày hôm nay”, chị Rô Kim, con út ông Rmah Dmeo, tâm sự.
Nhà bà Siu H’Ngôn cũng là một trong những gia đình hiếu học của làng. Các con của bà hiện cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Gia Lai. Con gái lớn của bà là chị Siu Hương, công tác tại Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.
Con gái thứ hai là chị Siu Cúc Cu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Piar. Những người con còn lại cũng đã có công ăn việc làm ổn định như giáo viên, kế toán.
Ông Siu Thiên - Chủ tịch UBND xã Ia Piar - cho biết, làng R’bai có 437 hộ với 2.100 nhân khẩu. Trong đó 88% là người đồng bào dân tộc Jrai. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn khi thu nhập chính chủ yếu là làm ruộng, nương rẫy.
Theo ông Siu Thiên, để thoát cảnh nghèo đói, lạc hậu người dân trong làng quyết tâm chắt chiu tiền bạc lo cho con cái học chữ. Đến nay, làng R’bai có hơn 10 người đang làm việc tại UBND xã Ia Piar.
Trong đó, có nhiều người giữ các vị trí quan trọng như Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Bí thư Đảng ủy… Các cán bộ xuất thân từ làng R’bai làm việc trong UBND xã Ia Piar đều có trình độ đại học, cao đẳng nên khi có công việc được giao thì họ luôn làm tốt và hiệu quả.