Họ Sùng hiếu học trên bản Phiêng Pi

GD&TĐ - Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, con cháu dòng họ Sùng, ở bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung không ngừng phấn đấu trong học tập và lao động.

Buổi sinh hoạt định kỳ của dòng họ Sùng.
Buổi sinh hoạt định kỳ của dòng họ Sùng.

Từ chỗ số người đi học chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, giờ đây, lớp lớp con em của dòng họ hăng hái thi đua học tập, lao động và công tác...

Đừng như “Tù chí”

Dòng họ Sùng tại xã Pú Nhung hiện có hơn 140 hộ với khoảng 700 nhân khẩu. Noi gương người Anh hùng Sùng Phái Sinh, con cháu dòng họ Sùng trên quê hương cách mạng Pú Nhung không ngừng học tập, đổi mới, phấn đấu trở thành người có ích xây dựng quê hương đất nước. Họ đã và đang cùng nhau xây dựng, vun đắp nên dòng họ hiếu học trên mảnh đất anh hùng này.

Trong chuyến công tác gần đây, chúng tôi có dịp đến bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Nơi đây từng có đồn Trung Dình - đám lính Tây khét tiếng khủng bố dân lành, tra tấn cán bộ, du kích cách mạng những năm 1948 – 1952. Ở Phiêng Pi chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, cùng với cộng đồng người Mông ở đây, họ Sùng luôn là một trong số những dòng họ tiêu biểu tại địa phương này. Con cháu người Mông ở đây vẫn luôn nhìn vào tấm gương chiến đấu, hi sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Sùng Phái Sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Câu chuyện của ông Sùng A Chứ (sinh năm 1961) là một điển hình. Ông Chứ từng là Trung tá Công an. Năm 2016, sau khi nghỉ hưu, ông trở về với bà con dân bản, về với Phiêng Pi để tiếp tục sinh sống, cống hiến cho mảnh đất nơi mình đã sinh ra. Ông được bà con dòng họ Sùng tín nhiệm bầu giữ “chức” Phó trưởng dòng họ.

Nghe ông Chứ chia sẻ về việc học của mình, của dòng họ mình khiến chúng tôi hiểu vì sao lại có dòng họ Sùng hiếu học trên vùng cao Pú Nhung này.

“Ngày xưa, dân bản chưa có phong trào đi học. Lúc ấy, tôi phải đi bộ xuống tận trường thanh niên ở thị trấn Tuần Giáo, cách nhà hàng chục cây số. Những ngày ấy, ai cũng phải đi bộ, lội rừng, lội suối, vác gạo đến lớp. Vì thế mà nhiều người trong bản lười đi học”, ông Chứ nói.

Trải qua giai đoạn khó khăn ấy, ông Chứ may mắn là người thứ 6 trong dòng họ được theo học chuyên nghiệp. Năm 1979, ông về Trường Văn hóa Công an tại Thái Nguyên. Trước ông, con cháu dòng họ Sùng đã có 4 người khác theo học ở ngôi trường này.

“Tôi là người thứ 6 của dòng họ theo học chuyên nghiệp. Khi ấy, tôi cùng mọi người được xe Công an tỉnh đưa đi. Khi về, phải về Hà Nội đón xe từ bến Kim Mã lên. Mất 1 ngày, đêm ngồi đợi mới mua được vé để về. Đi lại khó khăn nhưng mình vẫn nghĩ bụng: Mất công theo học rồi thì dù có vất vả cũng phải theo”, ông Chứ kể.

“Lúc ấy, tôi chỉ có bằng trung cấp, cơ quan tạo điều kiện cho đi học đại học nhưng không đi. Về sau, tổ chức muốn bố trí mình vào vị trí lãnh đạo, song cũng khó vì không có bằng đại học. Rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi luôn bảo con cháu trong dòng họ rằng: “Chúng mày đừng như Tù chí (Tus txir – nghĩa là Bố), đã học thì phải cố gắng lấy được bằng đại học”, ông Chứ cười và nói.

Khắc ghi lời dạy của bố, 3 trong số 4 người con của ông Chứ đã nỗ lực hết mình để có bằng đại học. Người còn lại cũng kiếm tấm bằng trung cấp trong tay. Từ tấm gương của ông Chứ, con, cháu trong dòng họ cũng cứ thế đua nhau rèn chữ, luyện tài. Hơn 20 người con của dòng họ Sùng đã tham gia học hành, đỗ đạc và về công tác tại cơ quan, đơn vị các cấp.

Những học sinh dòng họ Sùng tại Trường THCS Vừ A Dính nỗ lực học tập.
Những học sinh dòng họ Sùng tại Trường THCS Vừ A Dính nỗ lực học tập.

Tiếp nối truyền thống ông cha

Anh hùng Sùng Phái Sinh sinh năm 1915 tại vùng đất Pú Nhung - một trong những cái nôi cách mạng của tỉnh Lai Châu. Từ năm 1949 - 1954, Sùng Phái Sinh luôn đi đầu trong các phong trào giết giặc lập công, là một trong những chiến sĩ đầu tiên, đội trưởng của đội du kích xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Sùng Phái Sinh đã làm tốt công tác xây dựng cơ sở kháng chiến trên quê hương mình. Ông là người con ưu tú của mảnh đất Pú Nhung, tấm gương điển hình về lòng yêu nước. Ngày 7/5/1956, Sùng Phái Sinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Khi đó, Sùng Phái Sinh đang là Xã đội trưởng xã Pú Nhung. Ông là anh hùng thời chống Pháp duy nhất của tỉnh Lai Châu. 

Từ lâu, trên quê hương giàu truyền thống cách mạng xã Pú Nhung đã lan tỏa phong trào thi đua học tập của những “gia đình học tập” và “dòng họ học tập”.

Buổi sinh hoạt định kỳ của dòng họ Sùng về công tác khuyến học, khuyến tài có sự tham dự của các già làng cùng đông đảo con cháu trong dòng họ. Thông qua buổi nói chuyện, người lớn đánh giá ưu, khuyết điểm để cả họ thực hiện tốt hơn việc động viên con em học tập, công tác. Tất cả chỉ với mong muốn, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, xứng đáng với truyền thống hiếu học của dòng họ.

Các thế hệ con cháu của dòng họ Sùng hôm nay không ngừng tu dưỡng đạo đức, học hành chăm chỉ. Đa số các cháu đều đạt được những thành tích trong học tập, phấn đấu thi đỗ các trường đại học, cao đẳng trong nước.

Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Luyến - Hiệu trưởng Trường THCS Vừ A Dính (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo), nhiều năm trở lại đây, ngôi trường này không có học sinh nào thuộc dòng họ Sùng bỏ học giữa chừng. Các em đều tích cực học tập và rèn luyện.

“Trường hiện có 27 học sinh dòng họ Sùng theo học. Các em đều ngoan ngoãn, có ý thức học tập và thực hiện tốt nội quy của nhà trường. Học kỳ I năm nay, có 3 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi và 8 em học sinh tiên tiến”, cô Luyến cho biết.

Em Sùng A Việt, học sinh lớp 9a2, Trường THCS Vừ A Dính, chia sẻ: “Em rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, quê hương Anh hùng Vừ A Dính, Sùng Phái Sinh. Để đạt được ước mơ sau này trở thành chiến sĩ Công an, em đang quyết tâm phấn đấu học tập”.

Nhờ quyết tâm ấy, Việt nhiều năm liền đã đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ước mơ, con đường học vấn của Việt đang được nuôi dưỡng. Em Việt cũng như nhiều học sinh khác hôm nay và mai sau sẽ là những thế hệ tiếp tục “viết” tiếp những trang mới trong lịch sử truyền thống hiếu học của dòng họ Sùng trên mảnh đất Pú Nhung này.

Trên đà đổi mới....

Lớp lớp học sinh dòng họ Sùng sẵn sàng “viết” tiếp trang sách của dòng họ.
Lớp lớp học sinh dòng họ Sùng sẵn sàng “viết” tiếp trang sách của dòng họ.

Bản Phiêng Pi, xơ xác, tiêu điều ngày nào giờ đã trở thành miền quê trù phú. Kế thừa truyền thống cách mạng, với lòng khát khao đổi mới, người dân bản Phiêng Pi đã khắc phục mọi khó khăn, từng bước thực hiện tốt lời ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “… Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Nhiều năm trở lại đây, dân bản Phiêng Pi đã nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bởi thế, ở đây không ai còn thấy những cảnh sớm chiều người dân phải vất vả giã gạo bằng chày, nghiền ngô bằng cối đá.

Chăn nuôi lợn, gà giờ dễ hơn trước vì người dân đã biết sử dụng máy nông cụ băm rau, nghiền cám. Tiếng máy xát thóc từ các gia đình vang vọng khiến Phiêng Pi càng toát lên một sức sống mới.

Nhờ ra sức thi đua lao động sản xuất, chăn nuôi, làm ra nhiều của cải tích cóp cho gia đình no ấm, dân bản Phiêng Pi đã chung tay kiến thiết cho bản làng - quê hương từng bước đổi thay. Trên đường vào bản, trẻ em tung tăng cắp sách tới trường, người dân tấp nập thu hái, chăm sóc cây màu.

Đằng sau những đổi thay ở Phiêng Pi, không thể không nhắc đến những nỗ lực của dòng họ Sùng hiếu học.

“Họ Sùng ở bản Phiêng Pi có 73 hộ, chiếm trên 60% dân số của bản. Từ lâu, người họ Sùng trong xã nói chung và trong bản nói riêng luôn cố gắng học tập. Từ đó, nhiều người đỗ đạt, đóng góp cho xã hội”, ông Sùng A Chứ phấn khởi nói.

Đến thăm gia đình ông Sùng A Thu, nhiều năm được suy tôn là gia đình hiếu học ở bản Phiêng Pi, chúng tôi ấn tượng với từng dãy dài bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành trao tặng cho từng thành viên trong gia đình.

Ông Thu chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm học tập là con đường tốt nhất để thoát nghèo và thay đổi nhiều hủ tục, đặc biệt là đối với đồng bào Mông ở xã vùng cao Pú Nhung này”.

“Các buổi họp mặt gia đình và sinh hoạt định kỳ của dòng họ, những người lớn tuổi luôn nhấn mạnh: Cần bảo đảm các điều kiện học tập cho con trẻ. Dù khó khăn vất vả đến đâu cũng không được cho con em nghỉ học. Được mọi người hưởng ứng nên công tác giáo dục của dòng họ ngày càng phát triển sâu rộng”, ông Chứ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.