Ngôi làng… 'cứng cựa' nhất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vevčani tọa lạc gần biên giới giữa Bắc Macedonia và Albania, có phía Tây giáp Albania và các phía còn lại giáp đô thị Struga (Bắc Macedonia).

Làng Vevčani tựa lưng vào dãy núi Jablanica. Ảnh: Richard Collett, Bbc.com
Làng Vevčani tựa lưng vào dãy núi Jablanica. Ảnh: Richard Collett, Bbc.com

Mặc dù chỉ có dân số khoảng 2.400 người, làng Vevčani nằm dưới chân dãy núi Jablanica, Bắc Macedonia (quốc gia vùng Balkan, châu Âu) tuyên bố “đất nước độc lập”. Họ không chỉ có cờ riêng, mà còn có cả hộ chiếu, tiền tệ...

Quốc gia… tự phong

Vevčani tọa lạc gần biên giới giữa Bắc Macedonia và Albania, có phía Tây giáp Albania và các phía còn lại giáp đô thị Struga (Bắc Macedonia). Bắt đầu từ năm 1991, làng này tuyên bố độc lập, lấy tên là Cộng hòa Vevčani.

Cộng hòa Vevčani chỉ có diện tích 22,8 km2. Năm 2002, “chính phủ” ra mắt “quốc kỳ”, phát hành hộ chiếu và cho in tiền tệ riêng.

Cờ Vevčani màu đỏ, giữa in hình đĩa vàng, trên đĩa có một bông hoa. Hộ chiếu Vevčani cũng màu đỏ, tiền tệ ličnik với 8 mệnh giá là 1, 2, 5, 10, 50, 100, 500 và 1.000. Du khách muốn thăm Vevčani phải có hộ chiếu Vevčani, thông qua kiểm tra và đóng dấu của “bàn hải quan”.

“Chúng tôi là vi quốc độc lập, có thể chế chính trị đàng hoàng”, cảnh sát Vevčani đã nghỉ hưu và chủ nhà hàng Kutmicevica - Nasto Bogoeski tự hào nói.

Lịch sử thú vị

Hoạt động văn hóa tiêu biểu nhất của Vevčani là lễ hội hóa trang, rất thu hút du khách. Ảnh: Laverdad.es

Hoạt động văn hóa tiêu biểu nhất của Vevčani là lễ hội hóa trang, rất thu hút du khách. Ảnh: Laverdad.es

Người Vevčani tin rằng, làng của họ được thành lập vào khoảng cuối thế kỷ VI. Nghiên cứu khảo cổ mới nhất chỉ ra, Vevčani có thể được xây dựng sớm hơn, từ thế kỷ II trước Công nguyên.

Từ thế kỷ XIV, Vevčani dưới quyền cai trị của Đế chế Ottoman (thế kỷ XIV – đầu XX). Sau chiến tranh Balkan (1912 – 1913), nó bị sáp nhập vào Vương quốc Serbia. Đến thời Vương quốc Nam Tư (1918 – 1941), nó là một phần của tỉnh Vardar Banovina.

Năm 1945, Cộng hòa Nhân dân Macedonia được thành lập và Vevčani chính thức trở thành một phần của Macedonia. Tuy nhiên, với các cư dân ở đây, “chúng tôi chưa bao giờ thuộc về đất nước nào hết”, cựu hướng dẫn viên du lịch - Aleksandra Velkoska khẳng định.

“Ngay cả trong Thời kỳ Ottoman, chúng tôi vẫn giữ làng sắc văn hóa và tôn giáo riêng, cụ thể là dòng Chính thống, dù tất cả các ngôi làng xung quanh đều theo đạo Hồi”, bà Velkoska nói thêm.

Kết quả điều tra tín ngưỡng ở Bắc Macedonia chỉ ra, 33% dân số theo đạo Hồi và phần lớn tín đồ Hồi giáo tập trung ở khu vực Tây Bắc, nơi giáp với 2 quốc gia thịnh Hồi giáo, Albania và Kosovo. Quả thật, làng Vevčani đã sống giữa thế giới Hồi giáo nhưng vẫn giữ nguyên tín ngưỡng Cơ đốc giáo.

Trong làng vẫn còn nhà thờ St Nicholas được xây dựng từ năm 1824. Ngoài vai trò cơ sở tôn giáo, nơi này còn là bằng chứng cho sự kiên cường duy trì và bảo vệ tín ngưỡng của người dân qua Thời kỳ Ottoman (thịnh Hồi giáo) dài dằng dặc.

Chưa hết, Vevčani còn có ngôn ngữ riêng là phương ngữ Slavic khác biệt với tất cả các tiếng nói khác trên thế giới. Họ cũng có lễ hội hóa trang độc đáo, được tổ chức vào tháng 1 hàng năm.

Cộng hòa Nhân dân Macedonia là một trong 6 nước cộng hòa cấu thành nên Cộng hòa Liên bang Nhân dân Nam Tư. Năm 1987, Chính phủ Nam Tư quyết định chuyển hướng dòng chảy của con suối chảy qua Vevčani để dẫn nguồn nước này tới hồ Ohrid, nơi họ có dự án xây dựng khu biệt thự.

“Với chúng tôi, con suối là tài nguyên tự nhiên, dòng chảy văn hóa và chứng tích lịch sử quan trọng nhất. Tất cả các nghi thức, nghi lễ đều được tổ chức bên bờ suối, vì thế, mọi người không thể chấp nhận quyết định kia”, bà Velkoska giải thích.

Ngay sau khi hay tin dữ, người dân Vevčani phản đối kịch liệt, dựng rào chắn và sẵn sàng “đối cứng” với cảnh sát được đưa đến giải quyết tình hình. Bất chấp sự đàn áp thẳng tay của Chính phủ Nam Tư, họ kiên cường giữ vững lập trường, thậm chí đòi ly khai, thành lập nhà nước riêng.

Cuối cùng, sau 3 tháng đàn áp bất thành, Chính phủ Nam Tư buộc phải nhượng bộ. Suốt nhiều năm kế tiếp, Vevčani liên tục đòi Nam Tư phải chịu trách nhiệm về các vụ bắt giữ và gây ra thương tích trong năm 1978.

“Chiêu bài” hút du khách

Hộ chiếu và tiền tệ Vevčani. Ảnh: Richard Collett, Bbc.com

Hộ chiếu và tiền tệ Vevčani. Ảnh: Richard Collett, Bbc.com

Năm 1991, Nam Tư tan rã. Dưới làn sóng đòi độc lập khắp liên bang, Vevčani tiến hành trưng cầu ý dân. Năm 1991, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Macedonia chào đời. Vì không muốn gia nhập quốc gia mới này, Vevčani tự phong là Cộng hòa Vevčani.

Năm 1994, Macedonia cho phép Vevčani tách khỏi đô thị Struga, thành lập làng tự trị. Thế kỷ XXI, du lịch bùng nổ. Lịch sử thú vị và tinh thần cứng cỏi của Vevčani trở thành ưu thế thu hút khách.

Nhận thức được điều này, cả Chính phủ Bắc Macedonia lẫn chính quyền địa phương Vevčani đều thấy nên “hồi sinh” Cộng hòa Vevčani. Từ cờ đến hộ chiếu, tiền tệ Vevčani đều là phương tiện lôi kéo sự hứng thú của du khách.

“Chúng tôi quá nhỏ để trở thành một quốc gia độc lập”, bà Velkoska thừa nhận. Tuy nhiên, “Cộng hòa Vevčani vẫn là một ý tưởng hay và rất vui”, bà nói thêm.

Nhờ duy trì “ý tưởng hay và rất vui” này, Vevčani đang có lượng du khách ghé thăm hàng năm còn đông hơn cả tổng dân số. Chỉ riêng vào lễ hội hóa trang, họ đã có vài ngàn người từ khắp Balkan ghé thăm.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.
Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.