Thí sinh kỳ vọng điểm cao thi tốt nghiệp THPT 2023

GD&TĐ - Đánh giá chung của thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 là đề vừa sức, nhiều em kỳ vọng giành điểm cao...

Thí sinh Hà Nội thoải mái sau bài thi cuối cùng. Ảnh: Vân Anh
Thí sinh Hà Nội thoải mái sau bài thi cuối cùng. Ảnh: Vân Anh

Ngày 29/6, thí sinh kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với bài thi môn tổ hợp và môn ngoại ngữ.

Đề thi tổ hợp vừa sức

Kết thúc bài thi tổ hợp, nhiều thí sinh đánh giá đề thi vừa sức. Tại Điểm thi Trường THPT A Bình Lục (Hà Nam), em Nguyễn Quế Anh cho rằng đề thi môn tổ hợp sát chương trình phổ thông và phân loại thí sinh. Nếu sức học xuất sắc mới đạt điểm tối đa, khá giỏi thì khoảng 8 điểm. Nhưng để đạt điểm trung bình chỉ cần có kiến thức căn bản.

Tại Điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), dự thi tổ hợp KHXH em Phạm Minh Quân thấy môn Địa lý khó, từ câu 30 trở đi có sự phân hoá cao. Tuy nhiên, đề thi nằm trong kiến thức đã học nên nếu nắm chắc kiến thức có thể làm hết. Quân dự đoán được 7 - 8 điểm trở lên.

Còn thí sinh Hoàng Đình Bảo tại Điểm thi Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) trao đổi: “Em thi bài thi tổ hợp KHTN, cả 3 môn em đều cơ bản làm được. Đề thi năm nay có sự phân loại như các năm trước. Môn Vật lý từ câu 35 có độ khó dần, môn Hóa học từ câu 37 nâng cao. Em dự đoán các môn sẽ đạt trên 8 điểm, trong đó cao nhất là môn Hóa khoảng 9 điểm”.

Nguyễn Thành Luân học sinh lớp 12 Anh1, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, TP Biên Hòa (Đồng Nai) nhận xét đề KHXH vừa sức. Môn Giáo dục công dân và Lịch sử tương đối dễ. Tuy nhiên môn Địa lý có nhiều câu khó hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nam sinh vẫn tự tin đạt 9 điểm các môn.

Nhận xét về bài thi tổ hợp, cô Trần Thị Kim Anh, Trường THPT Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang) cho biết: Ở bài thi KHTN, 30 câu đầu học sinh dễ lấy điểm, từ câu 35 trở đi nếu suy nghĩ kỹ vẫn làm được bài. Theo đánh giá của cô Kim Anh, học sinh khá có thể làm đến câu số 36.

Còn cô Trần Thị Nha Trang, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh) nhận định: “Đề thi năm nay có sự phân hoá cao, nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn, gắn với cuộc sống. Cụ thể, đề thi cơ bản bám nội dung ma trận đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên ở mức độ vận dụng cao cách hỏi mới đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức, nhạy bén và hiểu biết pháp luật. Đề thi có 4 câu của chương trình lớp 11; 36 câu thuộc kiến thức 12. “Nhìn chung với đề năm nay, phổ điểm chủ yếu từ 5 - 8; để có điểm 10 cần sự nhạy bén của thí sinh”, cô Trang trao đổi.

Tại Vĩnh Phúc, nhiều thí sinh thể hiện quyết tâm lấy điểm cao ở bài thi tổ hợp. Ảnh: Chu Kiều

Tại Vĩnh Phúc, nhiều thí sinh thể hiện quyết tâm lấy điểm cao ở bài thi tổ hợp. Ảnh: Chu Kiều

ThS Phạm Lê Thanh, giáo viên Hoá học, Trường THPT Nguyễn Hiền (Quận 11, TPHCM) cho rằng, đề thi Hóa đảm bảo cấu trúc với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học. Những câu hỏi vận dụng, vận dụng cao kết hợp cả bài toán và lý thuyết tổng hợp có độ phân hóa hơn năm trước và khác biệt ở các câu vận dụng cao so với đề minh hoạ.

Đặc biệt, đề thi năm nay có sự xuất hiện của “Phổ khối lượng MS”, là điểm mới trong Chương trình GDPT 2018. Tuy chỉ với tính chất giới thiệu phương pháp phân tích hoá học hữu cơ hiện đại nhưng đây là điểm mới nhằm bỏ dần bài toán hoá học thiếu tính thực tế, tính toán phức tạp như trước đây.

Với đề Địa lý năm nay, thầy Nguyễn Mạnh Tuân, giáo viên Địa lý, Trường THPT huyện Tuần Giáo (Điện Biên) dự đoán nhiều học sinh đạt điểm cao (từ 9 trở lên). Riêng học sinh vùng khó cũng dễ dàng lấy từ điểm 5 trở lên.

Thầy Tuân phân tích, đề thi có 80% kiến thức cơ bản, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Chỉ cần hoàn thành phần kiến thức cơ bản này là dễ dàng có 6 điểm. Khoảng 20% còn lại là kiến thức nâng cao, tập trung từ câu 73 trở lên. Theo thầy Tuân, số này dành cho học sinh có học lực khá, mục tiêu phấn đấu vào đại học với các chuyên ngành liên quan.

“Riêng với các trường chuyên sẽ có nhiều điểm cao. Để lấy điểm 5 không khó nên đây có thể là môn cứu cánh với nhiều em”, thầy Tuân cho hay.

Với môn Lịch sử, cô Lê Thị Ngọc Hà, Trường THPT Chu Văn An (Thanh Hoá) nhìn nhận, đề thi so với 2 năm vừa qua có sự phân hoá cao hơn. Từ câu 31 đến câu 40 tăng dần độ khó. Với dạng đề này, thí sinh học tốt, tư duy tốt sẽ có điểm 10.

Thí sinh Thái Nguyên hoàn thành kỳ thi trong tâm trạng vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Phương Thảo

Thí sinh Thái Nguyên hoàn thành kỳ thi trong tâm trạng vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Phương Thảo

Bám sát nội dung ôn tập

Kết thúc môn thi Ngoại ngữ, đa số thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm trạng nhẹ nhõm, phấn khởi. Thí sinh Lý A Lử, Trường THPT số 1 Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ: “Em thấy đề thi năm nay vừa sức, sát với kiến thức đã ôn tập và thi thử. Xác định Tiếng Anh là môn khó nên em cố gắng để hoàn thành bài thi ở mức trung bình”.

Nhiều thí sinh tại Quảng Trị cũng đánh giá, đề thi môn Tiếng Anh vừa sức, nhưng vẫn có tính phân hóa. Thí sinh Võ Lê Hà Linh, Trường THPT Đông Hà nói, năm nay đề có phần khó hơn so với năm trước. Tuy nhiên, những bạn lựa chọn khối D thì lấy 8 điểm trở lên rất dễ. Phần ngữ pháp không quá khó, chủ yếu trong chương trình lớp 12. Riêng phần từ vựng với nội dung đọc hiểu mang tính phân hóa. Học sinh trung bình có thể đạt điểm 5 - 6 môn này.

Tại Điểm thi Trường THPT Trường Chinh (Kon Tum), thí sinh Y Lượng cho hay, đề thi Tiếng Anh tương đối khó. Từ câu 35 trở đi chỉ dành cho học sinh khá và giỏi. Với những bạn có học lực trung bình thì khó lấy điểm trên 7. Tuy nhiên Y Lượng khá thoải mái sau khi hoàn thành tất cả bài thi vì đã cố gắng hết khả năng.

Em Đặng Bảo Hân, thí sinh tại Điểm thi Trường THPT Hạ Long (Quảng Ninh) trao đổi: “Đề gồm 50 câu, cấu trúc như năm ngoái, nhưng có phần khó hơn. Ngoài kiến thức cơ bản, vẫn có những câu để phân loại học lực từng thí sinh. Các câu khó nằm rải rác từ câu 1 đến câu 50”. Theo Bảo Hân, môn Tiếng Anh em tự tin đạt trên 9 điểm.

Ghi nhận tại hội đồng thi số 28 Trường THPT Hùng Vương (Quảng Nam), nhiều thí sinh có tâm trạng phấn khởi do đề thi tương đối dễ thở. Em Lê Huệ Trinh cho rằng đề thi Ngoại ngữ năm nay không khó, bám sát với nội dung ôn tập. Thí sinh sẽ dễ đạt điểm trên trung bình.

Đề thi Tiếng Anh năm nay không đánh đố thí sinh là nhận định chung của nhiều giáo viên tiếng Anh. Thầy Trần Ngọc Hữu Phước, giáo viên Anh văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cho hay, cấu trúc đề thi bám sát với đề minh họa năm 2023 của Bộ GD&ĐT và đề thi các năm trước. Nội dung ngữ pháp dàn trải, không có câu hỏi hóc búa… Các câu hỏi giao tiếp rất thực tiễn và gần gũi với đời sống. Nội dung hai bài đọc hiểu sáng tạo, các câu hỏi không quá khó để thí sinh trả lời.

Tuy nhiên, theo thầy Phước đề thi vẫn có nhiều câu phân hóa hay và sáng tạo. Đạt điểm 9 và 10 chủ yếu rơi vào phần câu hỏi từ vựng và thành ngữ. Nhìn chung, chỉ cần học kỹ sách giáo khoa, thí sinh dễ dàng đạt từ 6 đến 7 điểm.

Cô Trịnh Thị Kim Dung, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh đảm bảo cấu trúc 50 câu, kiến thức bám sát chương trình học lớp 12 và bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Đề phân hóa rõ nét, tương đương 50% nhận biết - 25% thông hiểu - 15% vận dụng - 10% vận dụng cao. Trong đó, các câu hỏi ở mức độ nhận biết chủ yếu nằm ở phần ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Các câu hỏi ở mức độ thông hiểu thường trải đều ở các bài đọc hiểu, bài đọc điền từ, sửa lỗi sai, viết lại câu…

Cô Dung dự kiến, điểm thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi THPT năm nay có thể giảm so với năm học trước. Phổ điểm 6.0 - 7.0 nhiều và tỷ lệ điểm trên 9 sẽ ít hơn vì độ phân hóa của đề khá tốt.

Cô Phạm Thị Liên, Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) nhận định, đề thi môn Tiếng có khoảng 70% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, còn lại là vận dụng và vận dụng cao. Phần ngữ âm đều là những từ dễ, học sinh đã học và xuất hiện nhiều trong chương trình học. Dạng bài tìm câu đồng nghĩa, nối câu không xuất hiện kiến thức mới, vẫn là câu hỏi liên quan đến sự liên hệ giữa thì quá khứ đơn và thì hiện tại hoàn thành, câu gián tiếp, câu điều kiện và đảo ngữ. Cấu trúc này giống như đề minh họa và đề năm 2022. Đây là dạng bài để gỡ điểm cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ