Đình Thổ Tang cũng nổi tiếng với triết lý sống hài hoà – hoà hợp với nhau. 3 chữ ấy đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tìm đến mong giải mã tường tận gốc tích.
Đình cổ 400 năm
Với người dân Thổ Tang, dù đi xa hay còn ở quê nhà thì ngôi đình cổ kia như biểu tượng của một vùng đất giàu có.
Giàu có ở đây mang cả hai nghĩa: Vật chất và tinh thần. Thổ Tang từng là một thương trấn cổ sầm uất và giàu có nhất nhì vùng Vĩnh Phú xưa. Nay, thương trấn ấy đổi khác theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần làm ăn, buôn bán của thời cha ông.
Đình Thổ Tang suy tôn Lân Hổ Đô Thống Đại Vương là Thành Hoàng làng. Đình dựng theo kiểu chữ Đinh, đại đình là toà nhà lớn chia làm 5 gian, 2 dĩ. Phần nhô ra phía sau là hậu cung. Mái đình lợp ngói vảy hến. Bốn góc mái có đao cong hình rồng.
Phần cột của đại đình gồm 56 cột gỗ, được phân bố 8 hàng chạy ngang, 6 hàng dọc. Phần cột của hậu cung gồm 4 hàng chạy ngang, 2 hàng dọc. Đình còn nhiều bức phù điêu chạm nổi trên gỗ rất độc đáo.
Trong đó, bức “Sơn lâm tụ sinh” đặt trên cao chính diện gian giữa của đại đình. Đây là bức chạm khắc công phu, dày đặc hình tượng. Bức phù điêu lớn này ca ngợi vùng đất có sơn lâm hội tụ sinh sống, âm vang mạnh mẽ đã sinh ra người anh hùng Lân Hổ Đô Thống Đại Vương khi mẹ ngài vào rừng đi vào dấu chân hổ, vầng mây đỏ chùm lên cùng với tiếng hổ gầm vang kết thành Lân Hổ.
Theo các cao niên, ngoài những bức phù điêu vô giá đó. Đình còn giữ được nguyên vẹn bộ trang phục của tướng Lân Hổ ở trong hậu cung. Cùng với đó là 7 sắc phong của các triều đại ban cho Lân Hổ Đô Thống Đại Vương.
Theo tiết lộ của người địa phương, đình Thổ Tang từng được tôn tạo lại. Trong khi tháo các khớp gỗ ra, người dân phát hiện ở trong các kèo cột có một số lỗ nhỏ bằng chiếc chén kèm theo những di vật lạ. Đem chuyện hỏi các nhà sử học cũng như các nhà phong thủy, người dân đều nhận được câu trả lời đó là thuật yểm bùa của người xưa.
Cũng chính vì sự linh thiêng của đình Thổ Tang từ xưa nên không ai dám mạo phạm hoặc lấy đi một vật quý nào trong đình. Đó cũng là câu trả lời vì sao 400 năm trải qua mọi biến cố thăng trầm mà ngôi đình vẫn nguyên vẹn từ cột lim đến viên ngói vảy hến.
Giọt máu anh hùng
Cụ Nguyễn Văn Thiện - có 13 năm làm Thủ từ đình làng Thổ Tang - là người tường tận gốc tích sử làng. Cụ bảo rằng, đình làng Thổ Tang là nơi thờ danh tướng Phùng Lân Hổ, người có công phù nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông cứu nước.
Khi giặc Nguyên Mông xâm phạm bờ cõi nước ta, hưởng ứng chiếu chỉ của nhà vua vời người tài giỏi thao lược đánh giặc cứu nước, Phùng Lân Hổ đã xin đi và được vua Trần cho cầm quân cự giặc ở mặt Bắc.
Ông dẫn quân lên vùng Bạch Hạc (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay) lập phòng tuyến chiến đấu ngoan cường, ngăn cản vó ngựa xâm lăng hung tàn của giặc Nguyên Mông, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Trước công trạng của ông, triều đình đã ban thưởng và phong cho ông tước Hầu – Lân Hổ Hầu.
Trong một trận chiến không cân sức, giữa trùng vây của giặc thù tướng Phùng Lân Hổ cùng các binh sĩ của mình đã chiến đấu ngoan cường, nhưng bị một mũi tên địch bắn trúng vai khiến ông trọng thương. Vượt khỏi trùng vây, ông cùng một số thủ hạ thân tín của mình phi ngựa chạy đến vùng Thổ Tang thì mất.
Vết máu ông lưu lại được người dân Thổ Tang cắm cành trúc đánh dấu. Nhớ công ơn của ông dân làng lập miếu thờ còn gọi là Miếu Trúc. Sau này, khi giang sơn đã sạch bóng ngoại xâm, nhớ ơn những người anh hùng đã góp công đánh giặc, vua Trần bèn tuyên dương công trạng của tướng Phùng Lân Hổ và bạn tặng 8 chữ: “Nam thiên tráng khí – Bắc khấu hàn tâm” – Tráng khí trời Nam, giặc phương Bắc khiếp sợ.
Đồng thời, triều đình ban chiếu chỉ chấp thuận cho nhân dân địa phương xây đình tưởng nhớ đến danh tướng anh hùng.
Theo lịch sử thì Thổ Tang chỉ là một cái tên mới thời Pháp thuộc. Tên gốc nghìn đời của làng là Địa Tang. Khi người Pháp lập ra khu buôn bán, họ mới nghĩ Địa Tang giống với “địa táng”, tức vùng chôn cất người chết. Sau nhiều cuộc họp bàn, quan Pháp đã đổi tên địa danh vùng đất này thành Thổ Tang thương trấn. Cái gốc buôn bán kinh doanh của vùng Thổ Tang từ đấy mà ra.
Cụ Thiện cho rằng, không những đình làng xây dựng trên “giọt máu Phùng Lân Hổ” mà làng Thổ Tang xưa cũng thuộc mạch đất thiêng của ngã ba trời đất Bạch Hạc. Tuy nhiên, vì thế đất không được hợp lý nên người các làng hay đối kháng với nhau. Dù khi đình Thổ Tang hoàn thành vào năm 1617 với bức hoành phi “Thần nhân tư duyệt”, tức quan và dân cùng bàn nhưng mọi việc vẫn không khấm khá hơn.
Lấy chữ “Hoà” làm đầu
Nhiều cao niên ở Thổ Tang đều quả quyết rằng, ngay từ khi đình Thổ Tang chưa được xây dựng, người dân nơi đây đã mất đoàn kết. Những trận ẩu đả giữa các làng xảy ra liên miên hết năm này tới năm khác. Nhưng từ khi cao nhân cho ba chữ “hòa vi quý” làm đại tự treo giữa đình làng, thì những chuyện lục đục cũng chấm dứt. Hòa là quý, đó là quan niệm sống hàng đầu mà người Thổ Tang luôn mưu cầu.
Theo GS Trần Lâm Biền, đình cổ Thổ Tang là một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Các cổ vật và sắc phong cũng còn khá nguyên vẹn, tuy nhiên đáng chú ý nhất vẫn là bức đại tự chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc của tiền nhân. Bức hoành phi với 3 chữ đại tự “hòa vi quý”, tức hòa là quý. Bức hoành phi này cũng trở thành biểu tượng linh thiêng và được thờ ở đình cổ như một sự tri ân.
GS Lâm Biền kể về bức hoành phi có xuất xứ khá thú vị. Hồi ngôi đình mới làm xong, dù đã có 4 chữ là “Thần nhân tư duyệt” nhưng vẫn chưa thể khánh thành vì dân làng còn nhiều mâu thuẫn.
Mãi khoảng những năm 1778, có viên quan Tổng đốc Sơn Tây kinh lý qua Thổ Tang. Biết vị tổng đốc là người hay chữ, dân làng thỉnh cầu ông cho chữ hoành phi. Sau khi nghe kỳ mục bẩm báo tình hình, trong đó có chuyện dân Tam Lâm với dân Tứ Xóm lâu nay thường xuyên đánh lộn, kể cả dùng cật nứa đâm nhau trọng thương.
Vị Tổng đốc nhíu mày suy nghĩ rồi viết luôn 3 chữ “hòa vi quý”. Thấy nghĩa chữ hay quá, dân làng phấn khởi khắc ngay vào bức hoành phi treo lên và mở luôn hội khánh thành đình. Kể cũng lạ, tự nhiên sau đó trong làng trở lại bình yên, không còn chuyện đánh lộn như trước. Tình hình đó được duy trì cho mãi tới ngày nay.
Thực tế cũng chứng minh, ở nơi nào có sự đoàn kết, chung sức đồng lòng thì nơi đó mọi việc cũng thường trôi chảy. Người dân Thổ Tang làm ăn buôn bán rất phát đạt, phải chăng do họ biết đặt chữ “hòa” làm đầu, nên công việc cũng luôn thuận buồm xuôi gió. Điều đó cũng có thể lý giải vì sao Thổ Tang trở thành một vùng đất phồn vinh nức tiếng.
Theo đánh giá của các nhà sử học, Thổ Tang là nơi duy nhất của nước ta thờ ba chữ “hòa vi quý”. Ba chữ đại tự này vẫn còn khá nguyên vẹn. Chữ được sơn son thếp vàng trên nền màu gỗ nâu sậm. Hai bên hoành phi là hai dòng chữ nhỏ ghi thời điểm khắc chữ.
Cụ Thiện cho biết: “Người Thổ Tang làm ăn buôn bán rất phát đạt. Họ đặt chữ “hòa” làm đầu nên công việc luôn thuận lợi. Hàng năm vào ngày hội đình, sự hòa hợp lại được tôn vinh, trở thành tiêu chí sống hàng đầu đối với dân làng”.
Đình Thổ Tang được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1964 và cũng là ngôi đình có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, điêu khắc. Ngoài ngôi đình cổ, Thổ Tang còn có chùa Tùng Vân và miếu Trúc làm thành cụm di tích đặc biệt. Đây cũng là quê hương của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học.