Thêm 5 di tích cấp quốc gia được công nhận

Thêm 5 di tích cấp quốc gia được công nhận

(GD&TĐ)-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận di tích cấp quốc gia đối với 5 di tích thuộc các địa phương Hà Nội, Thanh Hóa, An Giang và Cà Mau.

uygug
Nhà Dây Thép (Bưu điện) tọa lạc tại đường Lê Lợi, Phường 2, Tp.Cà Mau là nhà Bưu điện của thực dân Pháp xây dựng vào khoảng năm 1910, nằm ở vị trí trung tâm Tp.Cà Mau

Hai di tích ở An Giang và Cà Mau được công nhận cấp quốc gia là: Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Vĩnh Ngươn (xã Vĩnh Ngươn, TX. Châu Đốc, An Giang); Di tích lịch sử Nhà Dây thép (phường 2, TP. Cà Mau).

Đ
Đền thần Vĩnh Nguơn

Tương truyền, Đình thần Vĩnh Nguơn là nơi thờ Ngài Nguyễn Hữu Lễ. Ông là người dân tại địa phương đã có công cứu  Nguyễn Phúc Ánh trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi. Nguyễn Hữu Lễ đã đứng ra huy động dân  làng, tập hợp thuyền bè để đưa Nguyễn Ánh và quân lính vượt sông, bôn đào. Sau khi đoàn quân Nguyễn Ánh đi khỏi, ông cùng mọi người nhận chìm xuồng ghe  khiến cho quân Tây Sơn đến nơi không tài nào truy đuổi kịp , bèn quay lại tra xét dân làng. Để cứu mọi người, ông đã can đảm đứng ra nhận tội chết nên dân làng được yên ổn.

Cảm khái nghĩa khí của ông, sau khi ông mất, người dân đã lập nơi thờ phụng để hương khói, tưởng nhớ. Về sau, Nguyễn Phúc Ánh thắng quân Tây Sơn lên ngôi xưng là Gia Long (1802), đã nhớ công lao của ông nên phong làm “Thành Hoàng Nghĩa Dũng Hữu Lễ Nguyễn Công Tôn Thần”, tức Thành Hoàng làng Vĩnh Nguơn. Dân làng bèn trùng tu ngôi đình để thờ phụng,

Tỉnh Thanh Hóa có Di tích La Thành của Thành Nhà Hồ (xã Vĩnh Long, Vĩnh Lộc) được công nhận là di tích quốc gia.

Cửa Nam thành nhà Hồ
Cửa Nam thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ hiện nay nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.

Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần.

Được xây dựng bằng những phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm tới 6 m, xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính, hơn 600 năm qua, hệ thống tường bao quanh thành nhà Hồ vẫn còn khá nguyên vẹn.

2 di tích của Thủ đô Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia trong dịp này bao gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên, Hoài Đức) và Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phương Quế (xã Liên Phương, Thường Tín).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Xuân Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ