Ngôi đền có hai bảo vật bằng đất nung

GD&TĐ - Tròn một năm sau khi Tháp đất nung được công nhận bảo vật quốc gia, đền An Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên) tiếp tục có bảo vật thứ 2: Bệ thờ đất nung.

Bệ thờ đất nung đền An Xá vừa được công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022). Ảnh: Ban QLDT tỉnh Hưng Yên.
Bệ thờ đất nung đền An Xá vừa được công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022). Ảnh: Ban QLDT tỉnh Hưng Yên.

Bảo vật này có niên đại khoảng thế kỷ 16, được đánh giá là nhang án độc đáo nhất.

Di tích Đạo giáo

Theo thông tin giới thiệu của Sở VH,TT&DL tỉnh Hưng Yên, đền An Xá còn có tên gọi khác là Đậu An, là 1 trong số 8 di tích tên gọi có từ “Đậu” trên địa bàn huyện Phù Tiên xưa (nay là Tiên Lữ và Phù Cừ).

Theo đó, “Đậu” là một loại hình di tích gắn liền với tín ngưỡng văn hóa Đạo giáo riêng có trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Bởi sự độc đáo đó, cùng với sự nguyên vẹn của kiến trúc mà đền An Xá được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, tại Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020.

Đền An Xá được xem là một trung tâm văn hóa quý hiếm, duy nhất và lớn nhất của văn hóa Đạo giáo còn sót lại tại Hưng Yên. Đền thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Thiên tiên, Địa tiên và Ngũ lão tiên ông (những vị thần tiên thuộc văn hóa Đạo giáo).

Hiện nay, trong hệ thống di tích Đạo giáo ở Việt Nam rất hiếm gặp việc thờ một thần chủ trong một thần điện riêng biệt và có quy mô đồ sộ như đền An Xá. Điều làm nên sự độc đáo chính là tòa Ống muống và Hậu cung - hai tòa được làm bằng đá xanh nguyên khối.

Giá trị nghệ thuật tại đền An Xá còn được thể hiện thông qua những di vật “độc nhất vô nhị”, như bảo vật Tháp đất nung, khánh đá và chuông đồng thời Hậu Lê.

Theo hồ sơ bảo vật của Cục Di sản Văn hoá, bảo vật quốc gia Tháp đất nung cao 450cm, cạnh đáy dài 150cm, bệ gạch cao 60cm. Tháp có bình đồ hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, có màu nâu đỏ, cao 12 tầng (không kể phần đỉnh tháp) và chia thành bốn phần: Bệ tháp, đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp.

Hồ sơ cũng cho biết, bệ tháp có chân xây bằng gạch vuông. Bệ có thân là những khối đá vôi màu xám xanh có kích thước khác nhau ghép lại. Trên đó trang trí nhiều họa tiết hoa văn sinh động, như hình sư tử, nai, hoa sen, cá, rồng...

Đế tháp được tạo tác theo mô-típ “chân quỳ dạ cá”, phía trên là lớp cánh sen úp nghiêng. Ở bốn góc sắp đặt bốn lực sĩ, mắt lồi to vẻ dữ tợn, bụng to tròn, ưỡn ngực nâng đỡ tòa tháp phía trên cùng đôi đánh giống hình tượng chim thần Garuda.

Theo hồ sơ bảo vật, đặc biệt ở tầng tháp thứ 2 còn dòng chữ “Hoàng triều Cảnh Trị ngũ niên trùng tu tháp Đậu An” - xác định tháp đất nung đền An Xá được trùng tu vào năm Cảnh Trị thứ 5 (1667). Bởi vậy, giới nghiên cứu xác định tháp có niên đại thế kỷ 16 - 17.

Hồ sơ công nhận bảo vật ngày 25/12/2021 cũng khẳng định, việc dựng tháp đất nung ở quán đạo như đền An Xá là hiện tượng văn hóa độc đáo trong lịch sử quán đạo Việt Nam. Nó minh chứng cụ thể sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa Đạo giáo và Phật giáo ở nước ta.

Tháp đất nung đền An Xá được công nhận bảo vật ngày 25/12/2021.

Tháp đất nung đền An Xá được công nhận bảo vật ngày 25/12/2021.

Tiêu bản nhang án độc đáo

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, việc sử dụng đất nung làm chất liệu xây dựng tháp và bệ thờ thể hiện sự phổ biến của chất liệu này trong thời kỳ Lê trung hưng. Đồng thời, cũng phản ánh tính kinh tế và tiện lợi của chất liệu đất nung ở những địa phương không có hoặc hiếm chất liệu thay thế.

Tròn một năm Tháp đất nung đền An Xá được công nhận bảo vật, vào ngày 30/1 vừa qua Bệ thờ đất nung của ngôi đền cổ kính này cũng vào danh sách bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

Bệ thờ đất nung được đặt tại vị trí gian giữa tòa Hậu cung. Bệ thờ có dáng như một tòa sen lớn, có dạng khối hộp chữ nhật cao 135cm, dài 290cm, rộng 106cm; chia làm 3 phần (tầng đài sen trên cùng, tầng thân và tầng đế).

Phía trên cùng trang trí hình cánh sen gần như vuông. Trong các cánh sen to lại lồng các cánh sen nhỏ, và khum úp ôm đài phía trên.

Phần thân bệ thắt lại, chính diện được chia làm ba khuông hình chữ nhật được ngăn cách bởi gờ nhỏ. Trong mỗi khuông trang trí nổi hình “lưỡng long triều đề diệp”. Hình tượng rồng được mô tả mềm mại. Phần đế theo dáng “chân quỳ dạ cá” chạm hình sóng nước, và cũng được chia làm ba ô chữ nhật.

Bệ thờ đất nung được xác định có niên đại chính xác là thế kỷ 16, không thể sớm hay muộn hơn. Dựa vào Tháp đất nung được xác định có niên đại thế kỷ 16 - 17, nhưng trong đợt khai quật vào tháng 8/2021 do Hội Khảo cổ học và Ban quản lý di tích phối hợp, đã phát hiện móng và bệ tháp được xây bằng đá.

Nhóm khảo cổ tạm kết luận, ngôi tháp đền An Xá khởi dựng xây bằng đá vào thời nhà Mạc. Đến năm 1667 (thời Lê trung hưng) ngôi tháp đá xuống cấp nên được thay thế bằng tháp đất nung. Bởi vậy mà tầng tháp số 2 có dòng chữ “Hoàng triều Cảnh Trị ngũ niên trùng tu tháp Đậu An”. Như vậy, có thể thấy tháp nung và bệ thờ có niên đại cùng nhau – thế kỉ 16.

Với các giá trị về lịch sử, kiến trúc và chất liệu, Bệ thờ đất nung đền An xá được đánh giá là bảo vật độc đáo nhất trong số các bảo vật nhang án đã được công nhận.

Thông tin từ Ban quản lý di tích tỉnh Hưng Yên khẳng định, nhang án bằng đất nung khá hiếm gặp, hiện chỉ mới phát hiện được vài ba chiếc. Nhang án đất nung đền An Xá là tiêu bản duy nhất hiện còn được lưu giữ đến ngày nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Nhang án được tạo tác bằng phương pháp thủ công truyền thống với kỹ thuật nung, chạm khắc tinh xảo, trau chuốt và vô cùng độc đáo, không bị rập khuôn theo một hình mẫu nhất định, mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thế kỷ 16.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ