Các nhóm hiện vật, gồm: Hai chiếc đĩa gốm men ngọc thời Lý, đĩa gốm men lam tím thời Lê sơ, lư hương gốm hoa lam thế kỷ 15, hai đài đồng đốt trầm nắp tượng nghê - hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên (Hải Phòng).
Sở hữu 15 bảo vật quốc gia
Sưu tập cổ vật An Biên được xem như một bảo tàng tư nhân đặc sắc thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trần Đình Thăng. Ông Thăng không lấy tên mình cho bộ sưu tập, mà lấy tên An Biên để nhớ về tiến trình lịch sử vùng đất cảng gắn với tên tuổi nữ tướng Lê Chân.
Ông Thăng cho biết, bản thân có đam mê rất sâu sắc và rất có duyên với cổ vật. Từ khi còn đi học, ông đã có tình yêu đặc biệt với các hiện vật lịch sử. Bởi vậy khi trưởng thành, đi đâu ông cũng chú ý đến việc tìm kiếm các giá trị lịch sử. Trong khi bạn bè mua nhà, mua xe thì ông lại dành tiền chỉ để mua cổ vật. Khi có cơ hội ra nước ngoài, việc đầu tiên ông làm là đến các bảo tàng để mở mang tầm mắt.
Đĩa gốm men ngọc thời Lý. |
Vừa sưu tầm vừa nghiên cứu, học hỏi từ sách vở cho đến các chuyên gia, đến nay, sưu tập cổ vật An Biên có tới hàng nghìn hiện vật quý hiếm. Trong đó có những cổ vật ngay cả bảo tàng lớn cũng không thể có, bởi hầu như đó là hiện vật độc bản.
Là người hoạt động sôi nổi trong giới cổ vật, được “vua nghe tới, chúa biết tên”. Ngay từ cuối năm 2021, nhóm 9 hiện vật gốm men trắng triều Lý nằm trong bộ sưu tập của ông Thăng đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia. Và vừa qua, cuối tháng 1/2023, 4 nhóm với 6 hiện vật độc đáo tiếp tục được công nhận - nâng số bảo vật trong bộ sưu tập An Biên lên tới 15 hiện vật.
Sau 40 năm cố công tìm kiếm, ông Thăng đúc rút “quý hồ tinh bất quý hồ đa” – quý cái tinh xảo hiếm có chứ không quý thứ có nhiều. Bởi vậy, trong bộ sưu tập An Biên có những hiện vật đặc biệt quý hiếm trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên, là minh chứng rõ nét về sự sáng tạo của người Việt xưa.
Theo ông Nguyễn Bá Thanh Long - Phó Chủ tịch Hội cổ vật Hải Phòng, bộ sưu tập An Biên còn quy tụ được những hiện vật đặc biệt quý hiếm, gắn với thời kỳ lịch sử và cá nhân nữ tướng Lê Chân.
Yêu quý cổ vật nhưng không phải giữ khư khư cho mình. Ông Thăng cũng được biết đến với sự hào phòng hiến tặng và trưng bày quy mô lớn để mọi người được chiêm ngưỡng. Năm 2019, ông hiến chiếc lư hương đồng có niên đại thế kỷ 18 vào đình An Biên, thuê nghệ nhân chế tác lại tế khí cổ dâng đình…
Bảo vật đĩa men lam tím thời Lê sơ. |
Nhóm cổ vật độc đáo
Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022) đánh dấu sự gia tăng của hiện vật trong các bộ sưu tập tư nhân. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với công tác bảo tồn và tôn vinh các giá trị lịch sử. Đồng thời cũng báo hiệu sự mở rộng công bằng trong việc thẩm định, đánh giá lựa chọn bảo vật.
Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022) đánh dấu sự gia tăng của các bộ sưu tập tư nhân.
Ngoài hiện vật trống và thạp đồng của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) và Nguyễn Thế Hồng (Bắc Ninh), giới bảo tồn đặc biệt chú ý đến 4 nhóm hiện vật của ông Trần Đình Thăng.
Trong đó, nhóm 2 chiếc đĩa gốm men ngọc thời Lý, niên đại thế kỷ 11 - 12. Theo hồ sơ di sản, 2 chiếc đĩa này có nhiều đặc điểm tương đồng về xương gốm, kiểu dáng và hoa văn trang trí cùng lớp men phủ với gốm men ngọc thời Lý mà giới khảo cổ từng tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long.
Cùng về đồ gốm, có 1 hiện vật khác là đĩa men lam tím được xác định vào thời Lê sơ khoảng thế kỷ 15 đặc biệt quý hiếm. Chiếc đĩa được trang trí theo lối vẽ vàng kim trên men - cao 6,8 cm, đường kính miệng 36,3 cm, được các nhà thẩm định xác nhận là hiện vật tiêu biểu nhất, xứng đáng đại diện cho dòng gốm men thuý lam cao cấp thời Lê sơ.
Nhóm bảo vật gốm thứ 3 của ông Thăng là chiếc lư hương hoa lam. Dòng gốm này còn được gọi gốm men trắng vẽ lam. Hiện vật được xác định có niên đại thời Lê sơ.
Lư hương gốm hoa lam thế kỷ 15. |
Đây là chiếc lư hương lớn, khá nguyên vẹn - cao 42,5 cm, đường kính miệng 31,5 cm. Phần trên lư hương trang trí hoa lan, cánh sen, rồng mây sóng nước và đắp nổi hai mặt hổ phù ngậm vòng.
Theo giới nghiên cứu, cuối thế kỷ thứ 14, gốm hoa nâu và gốm men ngọc đã mất dần vị trí độc tôn và bắt đầu nhường chỗ cho gốm hoa lam. Chất liệu tạo màu chủ yếu là ô-xít cô-ban màu xanh lam hay còn gọi màu chàm.
Phầm lớn gốm hoa lam được làm từ loại sét trắng tinh luyện kỹ, được nung ở nhiệt độ 1.300 độ C. Trang trí hoa lam trên gốm bằng bút lông và màu lam (xanh chàm) theo ba cách: Vẽ dưới men, giữa men và trên men.
Nhóm bảo vật thứ 4 trong sưu tập An Biên là hai đài đồng đốt trầm có nắp tượng nghê, được xác định niên đại khoảng thế kỷ 16 - 17. Hồ sơ bảo vật cho biết, đài đồng đốt trầm là một loại đồ tế khí dùng trong ban thờ, trên hương án trong nội điện hay trong các thư phòng.
Đài đồng có kích thước cao 44,5 cm, nặng 3,25 kg. Đài có bệ hình đài sen lục giác, phân cấp thắt giữa, chân xòe. Hoa văn trên đài khá tỉ mỉ. Nắp đậy đài hình con nghê.
Nghê đúc theo lối rỗng trong, thân khỏe, ngực ưỡn đeo lục lạc. Nghê đầu lân, trán dô, mắt lồi, miệng rộng - hở, nanh chìa, tai cụp, ria mép hình tượng mây lửa xoắn. Đài được kế khi đốt trầm, dòng khói toả theo thân nghê ra từ miệng, mũi.