Ngôi chùa cổ có 3 bảo vật quốc gia

GD&TĐ - Không chỉ là danh tích Thành Nam từng đặt một chiếc vạc lớn xếp vào hàng “An Nam tứ đại khí”, chùa Phổ Minh còn có 3 bức tượng đặc biệt quý hiếm.

Tượng Pháp Loa (bên trái) và Huyền Quang (bên phải).
Tượng Pháp Loa (bên trái) và Huyền Quang (bên phải).

Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh có niên đại thế kỷ 17 vừa được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Trúc Lâm Tam Tổ gồm những ai?

7 trong số 21 hạt xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt trong tháp Phổ Minh.

7 trong số 21 hạt xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt trong tháp Phổ Minh.

Nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Đức Thọ cho rằng, vua Trần Anh Tông đưa xá lị của vua cha vào một hòm đá quý rồi đặt trong tháp Phổ Minh tọa trước chùa. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi chép, vào năm 1789 Trấn phủ Hải Dương đã phá tháp để lấy đồng nhưng đến tầng thứ hai gặp hòm xá lị nên cho xây lại.

Theo lịch sử Phật giáo, Trúc Lâm Tam Tổ là ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên - vị tiền bối của Trần Nhân Tông.

Tổ thứ hai của dòng thiền này là Pháp Loa. Tương truyền rằng mẹ ông nằm mộng gặp dị nhân trao cho kiếm thần và sau đó mang thai. Bởi bà đã sinh 8 người con gái nên khi có thai tưởng sẽ là gái nên uống thuốc phá thai. Phá tới bốn lần mà thai không hư nên khi sinh ra, bà đặt tên cho đứa trẻ là Kiên Cương, có nghĩa cứng rắn.

Năm 1304, Thượng hoàng Nhân Tông lúc đó lấy hiệu là Điều Ngự Giác hoàng đi khắp nơi tìm người kế thừa. Khi xa giá vừa đến thôn, Kiên Cương đỉnh lễ xin xuất gia, Trần Nhân Tông bảo ngay: “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí”. Từ đó, Kiên Cương theo Điều Ngự về thụ giới Sa-di.

Năm 1306, Điều Ngự cử Pháp Loa làm chủ giảng tại chùa Báo Ân. Tại đây ông gặp người đệ tử tương lai - Huyền Quang. Truyền thuyết trong “Tam Tổ thực lục” ghi chép rằng: Mẹ của Huyền Quang là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con.

Trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy các tòa trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa”. Năm ấy Lê Thị sinh Huyền Quang. Lớn lên ông dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm.

Nghe Pháp Loa giảng kinh, ông liền nhớ lại duyên xưa, xin xuất gia thụ giáo. Sau được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà, trở thành Tổ thứ ba.

Tuy nhiên, trong sách “Toàn tập Trần Nhân Tông”, Thiền sư Lê Mạnh Thát có bàn luận rằng: “Nói tới vị Tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm, ta phải kể tới Kim Sơn, chứ không phải Huyền Quang. Trong các tư liệu hiện còn, trừ sách “Tam Tổ thực lục” ra, không có bất cứ tài liệu nào gọi Huyền Quang là Tam đại thiền tổ cả, mà chỉ gọi là “tự pháp”, tức nối dõi dòng pháp của Pháp Loa…”.

Tuy đến nay vẫn còn những tranh luận về Tổ thứ ba của Trúc Lâm, nhưng vị trí của Huyền Quang vẫn rất quan trọng và gần như không thể thay thế. Ngay cả khi Pháp Loa viên tịch (1330), Huyền Quang đã lãnh trách nhiệm kế thừa, nhưng vì tuổi cao nên ông giao phó lại cho Quốc sư An Tâm.

Bộ tượng độc đáo

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Chùa Phổ Minh - một cổ tự linh thiêng xứ Sơn Nam Hạ xưa, nay thuộc phường Lộc Vượng (TP Nam Định) là một trong những nơi ghi đậm dấu ấn các vua Trần. Theo tư liệu lịch sử, chùa có từ thời Lý và nằm trong khu vực Hành cung Thiên Trường - nơi sau này dành cho các Thái thượng hoàng nhà Trần lui về nghỉ dưỡng sau khi nhường ngôi.

Năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông cho tu bổ lại và mở rộng chùa với quy mô lớn. 46 năm sau, Phật hoàng Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong (Yên Tử), vua Trần Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên.

Ngoài kiến trúc độc đáo cùng những câu chuyện mang tính lịch sử, chùa Phổ Minh còn là nơi đặt một chiếc vạc đồng rất lớn - là một trong “An Nam tứ đại khí” cùng với tháp Báo Thiên, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm và chuông Quy Điền.

Chùa Phổ Minh cũng là nơi Trần Nhân Tông tu hành khi mới xuất gia. Đó là những lý do giải thích sự gắn bó của chùa với dòng thiền Trúc Lâm.

Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ vừa được công nhận là bảo vật quốc gia cũng là một trong những điểm nhấn của chùa Phổ Minh cùng với tòa tháp nặng 700 tấn xây dựng từ năm 1305.

Hiện nay, bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ đặt thờ ở hậu điện, chính giữa là Phật hoàng Trần Nhân Tông, hai bên trái - phải là Pháp Loa và Huyền Quang. Theo hồ sơ di sản, bộ tượng có niên đại từ thế kỷ 17, hiện trạng còn nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, trọng lượng mỗi pho tượng khoảng 150kg.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tạc theo thế nằm, mô tả khoảnh khắc nhập niết bàn. Theo mô típ chung, tượng Phật nhập niết bàn gối đầu lên tay phải, đầu quay về hướng Bắc, mặt ngoảnh về hướng Tây, tay trái duỗi thẳng đặt lên người.

Tuy nhiên, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông chùa Phổ Minh lại khác, đầu hướng về phía Đông, nơi có đền Trần thờ 14 vị vua triều Trần, với ý nghĩa hướng về nguồn cội, tổ tiên.

Theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, bức tượng Trần Nhân Tông nhập diệt được đánh giá là tác phẩm có giá trị cao cả về mỹ thuật, sử học lẫn tư tưởng. Cùng với hai bức tượng ngồi tả Pháp Loa và Huyền Quang tạo thành bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ hoàn mĩ.

Theo giới nghiên cứu, ngoài chùa Phổ Minh thì cả nước còn 2 nơi đang sở hữu bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ cổ là chùa Hoa Yên (Quảng Ninh) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Trong đó, chùa Phổ Minh và chùa Vĩnh Nghiêm có đủ bộ 3 tượng, chùa Hoa Yên chỉ có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ