Ngoại ngữ trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Tiếng Trung Quốc và Tiếng Hàn Quốc đều là ngoại ngữ 2, môn học tự chọn, được tổ chức giảng dạy có thể từ lớp 6 đến hết lớp 12 trong Chương trình GDPT mới; giúp HS hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho việc học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) trong giờ Ngoại ngữ. Ảnh: Đức Chiêm
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) trong giờ Ngoại ngữ. Ảnh: Đức Chiêm

Chương trình môn Tiếng Trung Quốc

Theo chương trình các môn học được Bộ GD&ĐT công bố, chương trình môn Tiếng Trung Quốc được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với tổng thời lượng 735 tiết (mỗi tiết 45 phút), bao gồm cả các tiết ôn tập, kiểm tra và đánh giá.

Chương trình được chia thành hai giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 1, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc của HS tương đương với bậc 1. Kết thúc giai đoạn 2, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc của HS tương đương với bậc 2. Thời lượng dành cho giai đoạn 1 là 420 tiết (tức 4 năm học); dành cho giai đoạn 2 là 315 tiết (tức 3 năm học).

Chương trình được chia làm hai bậc xoay quanh chủ điểm. Cụ thể, bậc 1 gồm 4 chủ điểm: Tôi và bạn bè, gia đình tôi, trường học của tôi, thế giới của chúng ta. Bậc 2 gồm 4 chủ điểm: Tôi và những người xung quanh, cuộc sống của chúng ta, Việt Nam và các nước trên thế giới, tương lai của chúng ta.

Bốn chủ điểm tương ứng đối với mỗi bậc được lặp lại có mở rộng qua các năm học, từ đó HS có thể củng cố và phát triển năng lực giao tiếp trong khuôn khổ một chương trình thống nhất. Thông qua hệ thống chủ điểm nói trên, HS học cách sử dụng tiếng Trung Quốc để giao tiếp về các lĩnh vực gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, về đất nước, con người, văn hoá Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác trên thế giới; về đời sống, tương lai của các em và xã hội. Thông qua các nội dung giao tiếp, HS có thêm những hiểu biết về văn hoá, xã hội liên quan.

Hệ thống chủ điểm được cụ thể hoá thành các chủ đề. Chương trình đưa ra danh mục các chủ đề gợi ý tương ứng với mỗi chủ điểm cho từng năm học. Người biên soạn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo có thể sử dụng hệ thống chủ đề này, hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chủ đề phù hợp với các chủ điểm tuỳ theo nhu cầu, hứng thú và khả năng học tập của HS.

Các kĩ năng và kiến thức ngôn ngữ được trình bày chung theo từng năm, tương ứng với các chủ điểm và chủ đề thuộc năm học đó. Chương trình liệt kê chi tiết các kĩ năng ngôn ngữ theo từng tình huống giao tiếp cụ thể và giới thiệu đầy đủ các kiến thức ngôn ngữ cơ bản về ngữ âm, chữ Hán, từ vựng, ngữ pháp phù hợp với trình độ từng năm học, từng bậc học.

Học sinh thảo luận và giao tiếp bằng Ngoại ngữ trong giờ ngoại khóa
  • Học sinh thảo luận và giao tiếp bằng Ngoại ngữ trong giờ ngoại khóa
  • Chương trình môn Tiếng Hàn Quốc

Theo chương trình các môn học được Bộ GD&ĐT công bố, chương trình môn Tiếng Hàn - Ngoại ngữ 2 được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với tổng thời lượng là 735 tiết (mỗi tiết là 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập, kiểm tra và đánh giá. Chương trình được chia thành hai giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 1, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn của HS tương đương với bậc 1; kết thúc giai đoạn 2, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Hàn của HS tương đương với bậc 2. Thời lượng dành cho giai đoạn 1 là 420 tiết (trong 4 năm học), dành cho giai đoạn 2 là 315 tiết (trong 3 năm học).

Chương trình tập trung vào 4 chủ điểm lớn, gần gũi, quen thuộc với HS phổ thông, đó là: Cuộc sống thường nhật, nhà trường, môi trường - thiên nhiên, văn hoá - xã hội. Bốn chủ điểm này được cụ thể hoá thành các chủ đề tương ứng, có căn cứ vào mức độ yêu cầu của kĩ năng giao tiếp, năng lực hành động và tâm sinh lí của lứa tuổi HS phổ thông.

Năng lực giao tiếp của người học trong chương trình là khả năng sử dụng kiến thức ngôn ngữ tiếng Hàn để tham gia vào quá trình giao tiếp thông qua 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết một cách phù hợp trong những tình huống cụ thể. Trong chương trình này, năng lực giao tiếp được thể hiện thông qua chức năng và nhiệm vụ giao tiếp.

Kiến thức ngôn ngữ trong chương trình gồm kiến thức về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp được xác định theo từng trình độ. Số lượng từ vựng cần đạt được trong chương trình môn Tiếng Hàn phổ thông là khoảng 800 từ đối với bậc 1 và 1.500 từ (bao gồm cả từ vựng bậc 1) đối với bậc 2. Nội dung ngữ pháp bao gồm những ngữ pháp cơ bản ứng với trình độ bậc 1 và bậc 2. Các dạng thức ngữ pháp cần được đưa vào từng bậc trình độ theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp. Nội dung ngữ âm trong chương trình tiếng Hàn phổ thông bao gồm các nguyên âm, phụ âm, nguyên âm đôi, phụ âm căng, phụ âm cuối câu, các quy tắc phát âm cơ bản như hiện tượng luyến âm, một số hiện tượng biến âm, một số âm đặc biệt...

Kiến thức văn hoá trong chương trình gồm những kiến thức hiểu biết cơ bản về văn hoá Hàn Quốc, phù hợp với đặc điểm tâm lí của lứa tuổi HS phổ thông, khơi gợi hứng thú của người học. Những kiến thức văn hoá này chủ yếu là những nội dung văn hoá thường gặp trong cuộc sống hằng ngày: Chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, ẩm thực, du lịch, giải trí...

Lưu ý phương pháp GD, kiểm tra đánh giá

Phương pháp GD 2 môn học nói trên phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; tạo hứng thú cho HS phát triển năng lực giao tiếp của HS trong những ngữ cảnh giao tiếp thực, liên quan tới các lĩnh vực khác nhau; giúp HS huy động kiến thức về ngôn ngữ, về văn hóa và xã hội, các năng lực ngôn ngữ, các chiến lược học ngoại ngữ đã được lĩnh hội và hình thành từ việc học ngoại ngữ 1 để có phương pháp học hiệu quả môn học.

Căn cứ chương trình môn học, giáo viên chủ động, linh hoạt xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung dạy học. Tuỳ vào đối tượng HS ở từng cấp, lớp và nội dung dạy học, giáo viên đa dạng hóa các hình thức, phương tiện dạy học và học liệu, đặc biệt sử dụng các tư liệu dạy học thực, đưa người học vào hoàn cảnh giao tiếp sát thực giúp HS hoàn thành các nhiệm vụ gần với các nhiệm vụ của cuộc sống.

Điều kiện thực hiện chương trình: Có đủ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo quy định hiện hành. Giáo viên cần được tập huấn, quán triệt về toàn bộ nội dung của chương trình. Hằng năm nhà trường, các Sở GD&ĐT cần tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để cập nhật các kiến thức ngôn ngữ, văn hoá mới và các phương pháp dạy học hiện đại. Có đủ cơ sở vật chất, SGK, thiết bị đồ dùng dạy học ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT. Các Sở GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình tại các trường phổ thông phù hợp với đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương mình.

Giáo viên cần chú trọng việc rèn luyện cả bốn kĩ năng giao tiếp: Nghe, nói, đọc, viết (tuy nhiên nghe, nói đi trước một bước) kết hợp đồng thời giữa rèn luyện và phát triển năng lực giao tiếp với dạy và phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn hoá và liên văn hoá trong đó mục tiêu cuối cùng là năng lực giao tiếp. Bám sát các chủ điểm, chủ đề trong chương trình nhằm giúp HS lĩnh hội văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc.

Về đánh giá, phải bảo đảm độ tin cậy, tính hiệu lực, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên HS, hạn chế những tốn kém không cần thiết cho gia đình HS và xã hội. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động GD ở thời điểm kiểm tra, đánh giá. Kết hợp giữa: Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; đánh giá chẩn đoán, đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết (ưu tiên đánh giá quá trình); đánh giá tham chiếu tiêu chí và đánh giá tham chiếu định chuẩn (ưu tiên đánh giá tham chiếu tiêu chí); đánh giá tích hợp năng lực sử dụng ngôn ngữ và đánh giá riêng lẻ từng kĩ năng giao tiếp ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết), ở giai đoạn đầu có thể đánh giá riêng lẻ kiến thức ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm). Kết hợp các hình thức đánh giá định tính và định lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện cho HS tự đánh giá và tham gia vào quá trình đánh giá.

Bài 4: Môn Tiếng Pháp, Tiếng Nga trong Chương trình mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ