Học tiếng Anh chủ động - Chìa khóa thành công

GD&TĐ - Cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Đức Hợp, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên lần thứ hai “xuất ngoại” từ năng lực ngoại ngữ tiếng Anh của mình, điểm đến là Diễn đàn giáo dục toàn cầu, nơi ghi danh những nhà giáo có nhiều đóng góp cho giáo dục.

Phương pháp học ngoại ngữ tích cực sẽ mang lại hiệu quả cao. Ảnh minh họa
Phương pháp học ngoại ngữ tích cực sẽ mang lại hiệu quả cao. Ảnh minh họa

Cô gái Mông Lò Thị Mai ở bản Lao Chải, thị trấn Sa Pa nhờ tiếng Anh giao tiếp tốt đã thay đổi cuộc sống, hạnh phúc và có điều kiện để giúp đỡ trẻ nghèo ở quê hương.

Nội lực để vươn lên

Cô giáo Trần Thị Thúy đã xuất sắc lọt qua vòng tuyển chọn từ trên 10.000 giáo viên của 178 quốc gia được đề cử, để lọt top 50 trao giải thưởng. Tháng 3/2019 tại Dubai, ban tổ chức sẽ chọn một trong số 50 người đó để trao giải thưởng cao nhất.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, điều kiện học tiếng Anh không có, cô chỉ được học tiếng Anh mỗi năm lớp 6, do trường không có giáo viên. Lên THPT, cô được học chương trình dạy tiếng Anh ba năm. Vào trường đại học, để rút ngắn khoảng cách với các bạn, Thúy đã nỗ lực rất nhiều từ tập nghe, tập phát âm chuẩn, luyện nói. Ra trường làm giáo viên, cô Trần Thị Thúy đã mang kinh nghiệm của mình giúp các em học sinh không chỉ được luyện kỹ năng tiếng Anh mà còn phát triển các khả năng giao tiếp.

Những ai đã từng lên Sa Pa, Lào Cai hẳn ấn tượng nhiều về những em gái, em trai có thể giao tiếp tiếng Anh - Pháp với người nước ngoài hết sức thoải mái. Điều ngạc nhiên là, các bạn có khi chỉ học hết THCS, không hề qua trường lớp nào, tất cả chỉ là kinh nghiệm giao tiếp, học từ vựng từ những người nước ngoài để rồi chính ngoại ngữ đã giúp họ thay đổi được cuộc sống.

Đó là trường hợp của cô gái Mông Lò Thị Mai ở bản Lao Chải, thị trấn Sa Pa. Hơn 10 năm trước, nhà nghèo, chỉ học hết lớp 9 nhưng phụ giúp gia đình, Mai phải đi bán rong sản vật địa phương cho khách du lịch. Bập bõm học tiếng Anh qua những phiên chợ, rồi giao tiếp giỏi, gặp vị khách là một doanh nhân Bỉ - người sau này là chồng Mai, đến nay cô bé đã có mái ấm hạnh phúc bên chồng và hai con trai cùng công việc y tá tại một bệnh viện ở Limburg, Bỉ.

Bước sang thế kỷ 21, bùng nổ thông tin và khoa học - công nghệ, tiếng Anh ngày càng quan trọng. Khi giỏi tiếng Anh, bạn mới có thể tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên vô cùng lớn trên mạng Internet và cũng chỉ khi có tiếng Anh thì kho báu tài nguyên đó mới mở ra trước mắt bạn.

Kể câu chuyện của 2 cá nhân này để thấy rằng tiếng Anh đã và đang khẳng định tầm quan trọng trong một thế giới mở và dù là ai, nếu muốn thành công thì cùng với năng lực chuyên môn riêng không thể thiếu tiếng Anh, đặc biệt là những bạn trẻ mới rời giảng đường đại học bước chân vào đời thì không thế thiếu thứ tiếng này.

Chìa khóa thành công

Trong kỷ nguyên 4.0, trong một thế giới hội nhập thì yêu cầu nói thông thạo một ngoại ngữ dường như là một điều bắt buộc. Quan trọng là thế nhưng tình hình dạy và học ngoại ngữ tại các nhà trường hiện nay ra sao? Theo kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của 20 nước được khảo sát, học sinh Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng viết và đọc, nhưng lại xếp thứ 18 - 19/20 về khả năng nghe nói.

Còn việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, có một thực tế dù muốn hay không cũng phải chấp nhận là chất lượng dạy học ngoại ngữ đại trà của chúng ta hiện chưa cao, do đội ngũ giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là phương pháp dạy lạc hậu (học chỉ để đi thi) khiến việc sử dụng ngoại ngữ của học sinh vẫn thấp.

Thực ra Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và các nhà trường cũng đã nhìn ra những hạn chế về việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay, đồng thời cũng đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Bộ GD&ĐT cũng đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động, giao nhiệm vụ cho các trường ngoại ngữ đào tạo đội ngũ giáo viên cho trường mình và cho các địa phương, hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi thi ngoại ngữ.

Một số trường đã đề xuất các biện pháp như tăng cường trao đổi tài liệu bằng tiếng Anh với các trường quốc tế, kết hợp giáo viên nước ngoài với giáo viên Việt Nam, tập huấn cho giáo viên Việt Nam, thay đổi cách dạy trong nhà trường để đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của các cơ quan hữu trách đem lại hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người học.

Nhiều năm trước, ngồi uống cafe ở Nhà văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh, tôi chứng kiến nhiều nhóm sinh viên, họ ngồi nói chuyện và trao đổi với nhau hoàn toàn bằng tiếng Anh, Pháp. Ra ngoài công viên cũng có những nhóm như vậy, tôi có cảm tưởng rằng học nhóm ngoại ngữ như là trào lưu của giới trẻ thành phố.

Mừng là đến nay, phong trào học ngoại ngữ đã lan tỏa đi khắp các tỉnh thành, Hà Nội khi đó chưa có những nhóm học tập như vậy thì nay đã xuất hiện nhiều hơn. Xem ra mọi chỉ thị, đề án cũng chỉ là biện pháp hành chính sẽ khó phát huy hiệu quả nếu người học không thay đổi nhận thức để thấy được ý nghĩa quan trọng của ngoại ngữ.

Tại Hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016 - 2020” được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh phải được đặt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nhất là khi chúng ta tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chính là khả năng sử dụng tiếng Anh. Vì thế, cần sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực và đẩy nhanh phổ cập tiếng Anh cho các đối tượng tham gia vào quá trình hội nhập, đặc biệt là cho giới trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ