Ngoại ngữ là khâu yếu của chuẩn đầu ra đối với các trường Đại học

GD&TĐ - Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là quy định được áp dụng nhiều năm nay ở bậc Đại học. Tuy vậy, các yếu tố còn yếu cần cải thiện là chuẩn đầu ra, ngoại ngữ.

Ngày 20/12/2023, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam” và ra mắt Câu lạc bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Tại hội thảo, các báo cáo đã đề cập đến xu thế vận động và mô hình mới của trường đại học và đại học số trong thời đại ngày nay; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường - đều là những nhân tố mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho giáo dục đại học trong xã hội 5.0.

Thực tế này cũng nảy sinh yêu cầu về cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo mới; chuẩn đầu ra; phương pháp dạy và học mới; cũng như các tiêu chuẩn những tiêu chí và phương pháp đánh giá mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, định hướng cho sự phát triển của các trường đại học Việt Nam trong thời gian tới.

Hiệu trưởng nhiều trường ĐH tham gia hội thảo, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.

Hiệu trưởng nhiều trường ĐH tham gia hội thảo, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.

Các nhà khoa học cũng đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến và trí tuệ nhân tạo, đi đôi với xây dựng thể chế, khung pháp lý nhằm hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; thúc đẩy xây dựng trường học thân thiện, thông minh; đẩy mạnh xây dựng và khai phá dữ liệu; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu...

Trong báo cáo về kiểm định chất lượng từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi và ra đời Nghị định 81, bên cạnh việc kiểm định cơ sở đào tạo, các trường đã rất tích cực rà soát các chương trình đào tạo. Về tổng thể có 3 yếu tố được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên, người học và hoạt động hỗ trợ người học. Các yếu tố còn yếu cần cải thiện là chuẩn đầu ra, ngoại ngữ, kiểm tra đánh giá các học phần.

Báo cáo tại Hội thảo cũng đề cập đến tính cấp thiết và các tiêu chí, quy trình kiểm định các chương trình thuộc khối sức khỏe với mục tiêu thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Khi được chuẩn hoá quốc tế, người tốt nghiệp đại học từ trường y quốc tế được WFME công nhận, có thể tiếp tục theo học chương trình nội trú để hành nghề tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand,...

Nội dung quan trọng tại hội thảo này là công bố quyết định ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Câu lạc bộ được thành lập theo Quyết định số 58/QĐ-HH-CLB của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam. GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ

Nhân dịp này, ông Tạ Văn Phong, Trường phòng Truyền thông và dự án, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Nguyễn Đình Đức.

Ông Tạ Văn Phong: Thưa GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, bạn đọc muốn biết những yếu tố nào đảm bảo được chất lượng giáo dục Đại học?

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức: Để đảm bảo được chất lượng giáo dục Đại học, cần có đầy đủ các yếu tố quan trọng như đội ngũ, cơ sở vật chất và học liệu, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với công ăn việc làm của sinh viên sau khi ra trường, chất lượng đầu vào, tổ chức quản lý đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá... Nếu vi phân một cách cụ thể thì những tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo và chương trình đào tạo chính là những tiêu chí để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ông Tạ Văn Phong: Thưa GS trong các tiêu chí mà GS vừa nêu thì Bộ GD&ĐT vừa có quyết định không đưa môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, theo GS điều này có ảnh hưởng gì lớn tới chất lượng học tập của các em học sinh bậc THPT không? Có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường Phổ thông cũng như chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên Đại học không?

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức: Theo thống kê điểm thi trong các kỳ thi THPT mấy năm vừa qua cho thấy kết quả học ngoại ngữ ở các trường THPT đã có nhiều cải thiện, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Phổ điểm thi đã có hình yên ngựa với phổ điểm các điểm giỏi tăng hơn so với trước. Tuy nhiên số bài thi có điểm dưới trung bình vẫn còn rất cao, như năm ngoái là gần nửa triệu bài ngoại ngữ có điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ hơn 44% các bài thi, điều này cho thấy cần phải quan tâm đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ ở bậc THPT hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Môn ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc, nhưng hiện nay, ngoại ngữ vẫn là một trong các môn để các em lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và xét tuyển Đại học.

Mặt khác Bộ GD&ĐT vẫn đưa vào hướng dẫn miễn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia khi các em học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định. Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế các em cũng được ưu tiên xét tuyển vào nhiều ngành ở bậc đại học, ngoại ngữ sẽ chắp cánh cho các em học sinh có nhiều cơ hội để học tập, nhận học bổng và hội nhập quốc tế, điều này sẽ thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.

Với phương án thi 2+2 và xét tuyển đại học như hiện nay, có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn cũng có nhiều lợi ích. Ví dụ một em học sinh được lựa chọn xét vào đại học theo tổ hợp Toán, Văn, Lý thì ngoài môn Toán, Văn là hai môn bắt buộc, nếu đã tập trung học ngoại ngữ để đến đầu năm lớp 12 đạt được chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT, em đó sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ, và khi đó em học sinh chỉ cần tập trung thời gian còn lại vào môn Vật lý cùng hai môn bắt buộc là Toán, Văn cho kỳ thi tốt nghiệp. Mặt khác, có ngoại ngữ tốt, các em có thể tham gia học tập ở các chương trình quốc tế, các chương trình có yếu tố liên kết với nước ngoài hoặc các chương trình nâng cao được giảng dạy bằng ngoại ngữ trong trường đại học.

Ngoài ra, các trường Đại học vẫn xét tuyển thẳng khi các em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật… trong các tổ hợp xét tuyển đại học.

Hiện nay, ngoại ngữ là chuẩn đầu ra bắt buộc với sinh viên ở bậc đại học và không ít trường còn yêu cầu sinh viên phải đạt chuẩn ngoại ngữ trong hai năm đầu đại học. Do đó, việc chuẩn bị tốt môn ngoại ngữ ở bậc THPT cũng sẽ tạo điều kiện để sinh viên thuận lợi hơn khi học ngoại ngữ ở bậc đại học. Mặt khác nếu các em khi tốt nghiệp phổ thông đã có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn yêu cầu đầu ra ở bậc đại học, thì ngay từ khi nhập học vào trường đại học sẽ được xem xét để miễn học miễn thi môn ngoại ngữ ở bậc đại học, cũng là một thuận lợi rất lớn cho học sinh.

Ngoại ngữ là hành trang quan trọng để hội nhập quốc tế. Tại hội thảo này, báo cáo thống kê kết quả về kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo cũng cho thấy ngoại ngữ cần phải được quan tâm thúc đẩy trong trường đại học. Các cơ sở giáo dục đại học cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt việc dạy và học ngoại ngữ cho sinh viên, vì chúng ta muốn có được chất lượng đào tạo sinh viên tốt, thì ngoài việc sinh viên được học các kiến thức chuyên môn trên giảng đường, các em cần có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đủ tốt mới có thể đọc hiểu các giáo trình và tài liệu tiếng nước ngoài, đồng thời sau khi tốt nghiệp đủ khả năng hội nhập quốc tế trong bối cảnh CMCN 4.0, có lợi thế khi xin học bổng và tìm được vị trí việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, ở bậc đại học thực hiện tốt quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ thì đây cũng là tiền đề tốt cho việc các em tiếp tục tham gia học tập ở bậc sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ.

Xin cảm ơn GS đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.