Tạo bứt phá trong giáo dục đại học

GD&TĐ - Các chuyên gia đề xuất có nghị quyết dành cho giáo dục đại học – lĩnh vực chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Trong bối cảnh mới, cần chính sách phù hợp để giáo dục đại học có những bứt phá mới. Ảnh: TG
Trong bối cảnh mới, cần chính sách phù hợp để giáo dục đại học có những bứt phá mới. Ảnh: TG

Ghi nhận kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo (Nghị quyết 29), các chuyên gia đồng thời đề xuất có nghị quyết dành cho giáo dục đại học – lĩnh vực chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Những chuyển biến tích cực

PGS.TS Trần Thanh Trúc – giảng viên Trường ĐH Cần Thơ cho hay, cuối năm 2013 (thời điểm Nghị quyết 29 ban hành), Trường ĐH Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ đào tạo 89 ngành, chuyên ngành bậc đại học, cao đẳng, với hơn 45 nghìn sinh viên. Nay, nhà trường đào tạo 84 ngành trình độ đại học, với 104 ngành/chuyên ngành đào tạo chương trình đại trà, 2 chương trình tiên tiến và 11 chương trình chất lượng cao.

Quy mô đào tạo đại học hệ chính quy của Trường ĐH Cần Thơ trên 35,5 nghìn sinh viên; hệ đại học vừa làm vừa học trên 3.700 sinh viên; đại học đào tạo từ xa hơn 4.300 sinh viên. Đây là năm thứ 16 trường tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ. Hình thức đào tạo ngày càng hoàn thiện hơn.

“Nhà trường tiếp tục xác định, cải tiến các quy trình quản lý đào tạo hợp lý và thông thoáng là trọng tâm của đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ”, PGS.TS Trần Thanh Trúc nhấn mạnh.

Chia sẻ một số kết quả sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh đến tự chủ đại học. Đây được xem như giải pháp đột phá để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Quá trình thực hiện tự chủ đại học là tất yếu, một phần của đổi mới và hiện đại hóa giáo dục đại học, là động lực cho sự chuyển đổi mô hình đại học thời kỳ bao cấp, quản lý tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Giáo dục đại học đạt được nhiều thành tựu to lớn. Một số cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền tự chủ. Cả hệ thống giáo dục đại học có chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, hành động, lý luận và thực tiễn”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhìn nhận.

Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trên cơ sở Nghị quyết 29, các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã và đang tích cực thiết lập hợp tác với trường đại học, tổ chức giáo dục toàn thế giới. Qua đây, thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ tài nguyên giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua hợp tác với đối tác quốc tế và tham gia hoạt động giao lưu học thuật, các cơ sở giáo dục đại học có cơ hội tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm mới, đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu và quản lý chất lượng.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Nên có nghị quyết riêng

Nhấn mạnh tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học và ý thức việc xây dựng thương hiệu, GS.TS Nguyễn Đông Phong cho rằng, cần tính đến giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học và tăng ngân sách cho lĩnh vực này. Nên chăng ban hành nghị quyết riêng về lĩnh vực giáo dục đại học.

Đồng tình với đề xuất trên, GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, hiện vai trò dẫn dắt của giáo dục đại học với sự phát triển của địa phương, vùng miền chưa được làm rõ. Do đó, cần tạo ra hệ thống các trường đại học là trung tâm đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, việc nâng tầm giảng viên phải là nội dung chiến lược trong thời gian tới; trong đó trường đại học, giảng viên cần tham gia vào tư vấn chính sách.

Cần có nghị quyết riêng dành cho giáo dục đại học – lĩnh vực chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, cũng là đề xuất của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Quản lý Giáo dục. Trên cơ sở đó, Nhà nước tiếp tục và tăng cường đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhấn mạnh tiếp tục triển khai Nghị quyết 29, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng đồng thời đề xuất, nên nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về tự chủ tài chính cho cơ sở giáo dục đại học để tạo đột phá về “khoán 10 trong trí thức” theo hướng các cơ sở này là đơn vị sự nghiệp đặc biệt, coi đây là văn bản pháp luật, cởi trói và giải phóng sức sáng tạo, phát huy nguồn lực tri thức to lớn để phát triển đất nước.

Ở góc nhìn khác, TS Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa nhất thiết phải ban hành nghị quyết mới về giáo dục đại học. Thay vào đó, chúng ta nên tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần, thành quả của Nghị quyết 29 để tạo ra những bứt phá mới trong lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hồ Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, cần thiết có những kết luận của cấp Trung ương về giáo dục đại học. Làm sao để giáo dục đại học thực sự đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Qua đó, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại Phiên họp Tiểu ban giáo dục đại học, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực về định hướng báo cáo đánh giá tổng kết giáo dục đại học theo Nghị quyết 29, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc tổng kết, đánh giá Nghị quyết 29 có ý nghĩa quan trọng khi toàn ngành đã đi được chặng đường đổi mới. Lĩnh vực giáo dục đại học có nhiều việc đã làm; chẳng hạn như: Tự chủ, kiểm định chất lượng, đổi mới tuyển sinh…

Ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học về việc cần có nghị quyết riêng về giáo dục đại học, Thứ trưởng đặt vấn đề, chúng ta có nên đề nghị xây dựng nghị quyết mới hay kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 hay không?

Nghị quyết 29 cho toàn ngành GD-ĐT. Trong quá trình triển khai, giáo dục đại học có những bước chuyển biến mạnh. Tuy nhiên, những nội dung về giáo dục đại học chưa nổi bật. Trong bối cảnh mới, cần những kiến nghị để giáo dục đại học có những bứt phá mới.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, phải thật sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, tiếp tục đẩy mạnh và đi vào chiều sâu tự chủ đại học. Cùng đó, rà soát các văn bản pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất về chủ trương cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.