(GD&TĐ)-Nghiên cứu để thống nhất chương trình đào tạo giáo viên hiện tại cho các cấp học, cho các trình độ, trên cơ sở đó để tạo ra các giải pháp liên thông giữa cao đẳng, đại học, cao học, đáp ứng yêu cầu của giáo dục sau năm 2015. Đó là một trong những phương hướng hoạt động khoa học công nghệ của các trường sư phạm trong thời gian tới do Bộ GD&ĐT đưa ra.
Bên cạnh đó, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sĩ, phát huy thế mạnh của các trường sư phạm trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học.
Đồng thời, hợp tác để biên soạn hệ thống giáo trình các môn học cho hệ thống các trường sư phạm trên cơ sở chương trình đào tạo liên thông theo hướng đào tạo theo tín chỉ. Nghiên cứu mô hình phát triển các trường sư phạm trong cơ chế thị trường nhân lực và mô hình đào tạo giáo viên trong thời đại ngày nay khi ngày càng có đầu tư cao, kinh tế xã hội phát triển trong xu thế hội nhập.
Nghiên cứu hoàn chỉnh các vấn đề về lý luận giáo dục phổ thông, mô hình nhà trường phổ thông hiện đại. Nghiên cứu để hình thành các trường thực hành trong các trường sư phạm và mạng lưới trường thực hành tạo ra nơi thực hành mẫu cho giáo viên trước khi ra trường. Nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo, lao động nhà giáo, vấn đề xây dựng quyền tự chủ của nhà trường. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp gắn kết giữa các trường sư phạm với giáo dục địa phương. Nghiên cứu mô hình chuyển đổi các trường công lập sang các trường ngoài công lập. Xây dựng các bộ giáo trình về phương pháp dạy học tiên tiến của các môn học ở các bậc học. Xây dựng tiêu chí đánh giá các loại hình trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên nền tảng hội nhập khu vực...
Bộ GD&ĐT cho biết, trong giai đoạn 2006-2010, cả nước có 18 trường sư phạm (15 trường đại học sư phạm và 3 trường cao đẳng sư phạm trung ương) trong tổng số 54 đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT được hưởng kinh phí khoa học công nghệ (chiếm tỷ lệ 33%).
Trong 4 năm qua, các trường sư phạm đã thực hiện 57 đề tài trọng điểm cấp Bộ. Trong đó, chủ yếu là các đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo, xây dựng tiềm lực của các trường trong lĩnh vực đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và dạy học ở đại học và phổ thông, phương thức đào tạo giáo viên. Các đề tài này đã có tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các trường sư phạm Việt Nam trong thời kỳ đổi mới…
Mặc dù vậy, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các trường sư phạm chỉ áp dụng hạn chế trong từng cơ sở giáo dục. Nhiều nghiên cứu còn mang tính hàn lâm, xa rời thực tế, chưa có sản phẩm rõ rằng hoặc khả năng ứng dụng còn ít. Bên cạnh đó, kinh phí được cấp để nghiên cứu cho các trường sư phạm còn hạn chế. Thiết bị cơ sở vật chất ở các trường sư phạm còn nghèo nàn, chưa đồng bộ, mặc dù thời gian qua Bộ GD&ĐT đã có sự đầu tư, nhưng còn hạn chế về kinh phí so với nhu cầu đầu tư.
Lập Phương