Nghiên cứu tác động của dòng chảy đến sinh vật phù du thềm lục địa

GD&TĐ - GS.TS Đoàn Như Hải và cộng sự đã thực hiện Đề tài: 'Tác động của các quá trình hải dương đến quần xã SVPD vùng thềm lục địa Nam Trung bộ Việt Nam'.

Hình ảnh các hoạt động thu thập mẫu vật và số liệu ngoài thực địa của nhóm nghiên cứu.
Hình ảnh các hoạt động thu thập mẫu vật và số liệu ngoài thực địa của nhóm nghiên cứu.

Cấu trúc quần xã sinh vật phù du (SVPD) chịu ảnh hưởng từ phông sườn lục địa và từ vùng ven bờ làm căn cứ khoa học để đánh giá cơ sở thức ăn cho nguồn lợi thủy sản vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam.

Tìm ra nơi giàu hệ sinh vật phù du

Đánh giá tác động của các quá trình hải dương đến SVPD (cấu trúc và đặc trưng quần xã) trong vùng thềm lục địa Nam Trung Bộ làm cơ sở khoa học cho đánh giá nguồn lợi thủy sản, GS.TS Đoàn Như Hải và nhóm nghiên cứu Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện Đề tài: “Tác động của các quá trình hải dương đến quần xã SVPD vùng thềm lục địa Nam Trung bộ Việt Nam”.

GS.TS Đoàn Như Hải cho biết, trong nghiên cứu này, ông và cộng sự tập trung quan tâm đến tác động cơ bản của nước trồi tại vùng sườn lục địa cùng những hiệu ứng khác từ các tác động vật lý, thủy văn khác nhau đến biến động của quần xã SVPD.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra quá trình hải dương chưa được nghiên cứu ở Việt Nam, hiện tượng nước trồi do hoạt động của phông sườn lục địa trong mùa gió chuyển tiếp từ Đông Bắc sang Tây Nam.

SVPD bao gồm cả sinh vật sản xuất và sinh vật tiêu thụ bậc 1 (và bậc 2) nên chúng đóng vai trò rất quan trọng trong bất cứ nghiên cứu ở thủy vực nào trên thế giới.

Ngoài ra, trong các nhóm SVPD còn cả nguồn giống các động vật thủy sinh khác (trứng cá, cá con và ấu trùng sinh vật khác). Các nghiên cứu trên vùng thềm lục địa, đặc biệt là dải thềm lục địa hẹp Nam Trung Bộ, có liên quan đến SVPD hiện còn hạn chế.

Nghiên cứu về tác động của các quá trình hải dương học đến SVPD trong vùng thềm lục địa là một lĩnh vực rộng và phức tạp. Điều này do sự đa dạng của các quá trình hải dương học và tác động khác nhau ở những vùng địa lý khác nhau trong vùng thềm lục địa rộng lớn ở các đại dương.

Theo nhóm nghiên cứu, các phân tích thực địa và số liệu dài hạn đã cung cấp minh chứng về sự hình thành phông sườn lục địa trên mép thềm lục địa hẹp Nam Trung Bộ do các yếu tố vật lý hải dương tạo nên.

Phông này hiện rõ ở phía Bắc mũi Varella (Mũi Điện – Phú Yên) và có sự tác động của dòng chảy trên thềm lục địa tương tác với khối nước ngoài khơi (dòng biên Biển Đông). Đối với quần xã SVPD, sự thay đổi về thành phần và độ phong phú thể hiện rất rõ ảnh hưởng của vùng ven bờ và mép thềm lục địa do các chất dinh dưỡng từ đất liền.

Làm cơ sở đánh giá nguồn lợi thủy sản

Qua quá trình mô hình hóa chế độ dòng chảy, các nhà khoa học đã chỉ ra hiện diện một cặp xoáy nghịch (gần bờ) và xoáy thuận (xa bờ) tương đối ổn định ở phía Bắc Mũi Varella.

Ở phía Nam Varella, có hình thành một xoáy thuận có biên sát bờ và có thể mở rộng hơn ra ngoài khơi. Các kết quả mô hình phù hợp với các kết quả đo dòng chảy thực tế với hướng dòng chảy ở mặt cắt 1 có ngược so với 2 mặt cắt còn lại nằm ở phía ngoài Mũi Varella.

GS.TS Đoàn Như Hải cho biết, nghiên cứu này làm căn cứ khoa học để đánh giá cơ sở thức ăn cho nguồn lợi thủy sản vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam. Đây là cơ sở khoa học của nhiều nghiên cứu về hải dương học, sinh học hải dương cũng như biến đổi khí hậu.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã góp phần quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an ninh thực phẩm trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tăng cường xuất bản và trao đổi khoa học quốc tế trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gìn giữ và bảo vệ vùng biển chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia.

GS Hải cho biết, đây là một hướng nghiên cứu mới nhằm liên kết tác động của các quá trình vật lý hải dương đến SVPD. Đây là nhóm sinh vật sản xuất quan trọng trong vùng thềm lục địa hẹp ở Nam Trung Bộ.

Đề xuất này là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam nhằm so sánh dữ liệu từ các mặt cắt ngang thềm lục địa ở độ phân giải cao. Kết quả đạt được là cơ sở để có thể phát triển thành một dự án có sự phối hợp giữa các ngành khoa học biển và cũng là cơ hội phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sinh học - hải dương học trong giai đoạn tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ