'Giờ G' của thủy sản Việt

GD&TĐ - Những ngày này, các địa phương ven biển trên cả nước đang 'chạy nước rút', chuẩn bị cho lần kiểm tra sắp tới của EC.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Từ ngày 24 - 31/5, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam kiểm tra công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 4. Liệu Việt Nam có gỡ được thẻ vàng IUU sau 6 năm nỗ lực?

Những ngày này, các địa phương ven biển trên cả nước đang “chạy nước rút”, chuẩn bị cho lần kiểm tra sắp tới của EC.

Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng IUU cảnh cáo ngành thủy sản Việt Nam vào tháng 10/2017. Từ đó đến nay, hành trình gỡ thẻ vàng IUU đã bước sang năm thứ 6 với rất nhiều nỗ lực và “hạn chót” được đưa ra nhưng vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Tại cuộc kiểm tra gần đây nhất vào tháng 10/2022, Đoàn thanh tra của EC ghi nhận nỗ lực của Việt Nam, đồng thời chỉ ra rất nhiều vấn đề cần tiếp tục khắc phục.

Đặc biệt, EC khẳng định chỉ gỡ thẻ vàng IUU khi tàu cá Việt Nam chấm dứt vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, song tình trạng này vẫn xảy ra. Từ đầu năm đến nay có 16 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị cơ quan hữu quan nước ngoài bắt giữ do vi phạm về ngư trường.

Bên cạnh đó, đến hết tháng 4, có 97,5% tàu cá đã gắn thiết bị hành trình nhưng vẫn có tàu chủ động ngắt kết nối, dẫn tới khó khăn trong truy xuất nguồn gốc thủy sản… trong khi EC yêu cầu cá đánh bắt trái phép không thể cập cảng; công ty chế biến hoặc xuất khẩu không thể mua loại cá này.

Lần kiểm tra tới đây, nếu tình hình không cải thiện thì Việt Nam khó gỡ thẻ vàng. Từ khi bị EC rút thẻ vàng IUU, thủy hải sản nước ta xuất khẩu sang EU đều bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất.

Điều này khiến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp đội lên rất lớn. Trường hợp bị rút thẻ đỏ, ngành thủy sản có thể mất gần 500 triệu USD mỗi năm từ thị trường EU, riêng thủy sản khai thác chiếm gần 400 triệu USD.

Dữ liệu trên nêu trong Báo cáo đánh giá về tác động kinh tế của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thực hiện và công bố tháng 8 năm ngoái.

Cũng theo báo cáo này, nếu bị EC rút thẻ đỏ IUU với Việt Nam, ngành thủy sản khai thác chịu thiệt hại trực tiếp, đồng thời tác động gián tiếp đến thủy sản nuôi trồng, giảm uy tín và chịu áp lực kiểm soát hải quan. Quan trọng hơn là không tận dụng được thuế quan ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nếu lệnh cấm kéo dài trong 2 - 3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu, ngành khai thác và chế biến thủy sản khai thác có thể giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại.

EU còn là một thị trường có tiêu chuẩn cao, nếu mất đi thị trường này cũng đồng nghĩa mất đi động lực nâng cấp chuỗi giá trị ngành. Mất mát còn nhân lên gấp bội khi các thị trường như Mỹ, Nhật Bản cũng có thể áp dụng theo quy định IUU của EU.

Nhắc đến những tác động đó để thấy rằng gỡ thẻ vàng IUU, tránh bị lên thẻ đỏ, là nhiệm vụ vô cùng quan trọng với nước ta. Hành trình gỡ thẻ vàng IUU đã bước sang năm thứ 6 với rất nhiều nỗ lực và “hạn chót” được đưa ra nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực.

Câu hỏi khi nào gỡ được thẻ vàng IUU rất khó trả lời trong khi thiệt hại với ngành thủy sản và hình ảnh quốc gia là không thể đong đếm. Điều này thực sự đáng suy nghĩ để có thêm những giải pháp hiệu quả hơn nhằm bảo đảm tuân thủ IUU, đặc biệt khi “giờ G” đã tới rất gần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.