Nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển kết nối TP.HCM và ĐBSCL

GD&TĐ - Với chiều dài 428km, tuyến đường bộ ven biển kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tổng mức đầu tư khoảng 38.500 tỉ đồng.

Nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển kết nối TP.HCM và ĐBSCL

Tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài 428 km, đi qua TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài gần 21km, mức đầu tư 3.031 tỉ đồng; Tiền Giang hơn 21km, mức đầu tư 4.113 tỉ đồng; Bến Tre hơn 37km, mức đầu tư 9.808 tỉ đồng; Trà Vinh hơn 59km, mức đầu tư 6.313 tỉ đồng; Sóc Trăng hơn 88km, mức đầu tư 10.762 tỉ đồng; Bạc Liêu dài khoảng 55km, đi trùng đường hiện hữu; Cà Mau khoảng 105km, đầu tư 4.421 tỉ đồng.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 38.500 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí của các cầu lớn trên tuyến). Quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80 km/h.

Theo đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi), tuyến đường ven biển có tính chất kết nối liên vùng. Cùng với các trục ngang trong khu vực cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... tạo thành hành lang kinh tế, trục động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của của TP.HCM và các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang lấy ý kiến các địa phương liên quan dự án để tổng hợp vào báo cáo chung, trình Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư trong thời gian tới.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường ven biển này sẽ rút ngắn khoảng cách từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh qua Bến Tre, Tiền Giang, Long An về TP.HCM, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1A và Quốc lộ 50.

Đồng thời, dự án tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vùng công nghiệp phía Đông và các khu du lịch ven biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh và toàn vùng.

Tuyến đường bộ ven biển kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vùng công nghiệp phía Đông và các khu du lịch ven biển. (Ảnh minh họa)

Tuyến đường bộ ven biển kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vùng công nghiệp phía Đông và các khu du lịch ven biển. (Ảnh minh họa)

Trước đó, tại Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2024 - 2025, các địa phương trên sẽ tập trung thực hiện phát triển hạ tầng giao thông.

Trong đó, nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TP.HCM - Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường kết nối đường thủy TP.HCM - Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Từng đề cập đến tuyến đường bộ ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây vừa là tuyến đường liên vùng, vừa mở ra một không gian phát triển mới, vừa là động lực cho các tỉnh phát triển kinh tế ven biển, vừa để sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, chống hạn mặn, xói lở, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu và phục vụ quốc phòng an ninh.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, tập trung trao đổi với các địa phương trong vùng nhằm sớm hoàn thành tuyến đường này cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Một trong những dự án quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng được đề xuất nghiên cứu đầu tư là đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Dự kiến hoàn thành trước năm 2035.

Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài hơn 175km, đi qua 6 tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Điểm đầu tại ga An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, điểm cuối là ga Cần Thơ tại quận Cái Răng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220.000 tỉ đồng. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ