Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo quy định hiện hành thì phải báo cáo Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, cương quyết không công nhận.
Với tư cách Chủ tịch Hội đồng liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học (Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước), GS.TSKH Vũ Minh Giang đã có những trao đổi xung quanh hướng rà soát của Hội đồng ngành.
- Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát việc xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2017? Là Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành, GS tiếp nhận văn bản này như thế nào?
Thủ tướng Chính phủ là người hết sức sâu sát, khi có yêu cầu nào đó của nhân dân, hay xuất hiện dư luận tương đối nhiều về một sự việc nào đó, Thủ tướng luôn không đứng ngoài cuộc. Văn bản nói trên cũng phản ánh đúng phong cách làm việc của Thủ tướng nên tôi không bất ngờ; đồng thời đánh giá cao cách làm hết sức kịp thời này. Đây là việc làm bình thường của người đứng đầu Chính phủ liêm chính và kiến tạo.
Tôi được biết, ngay sau khi có văn bản của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước – lập tức triệu tập ngay cuộc họp với Thường trực Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và gửi công văn tới Chủ tịch các Hôi đồng ngành, liên ngành yêu cầu tổ rà soát kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch các Hội đồng ngành, liên ngành phải hoàn thành việc rà soát và báo cáo Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước trước ngày 18/2/2018.
- Với Hội đồng do GS làm Chủ tịch, hướng rà soát sẽ được thực hiện như thế nào?
Yêu cầu đặt ra là phải làm một cách thực sự đầy đủ, thực sự kỹ càng. Các Hội đồng chức danh giáo sư ngành sẽ có trách nhiệm rà soát nghiêm túc ứng viên GS, PGS từng ngành. Đối với Hội đồng Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học do tôi làm Chủ tịch, ngoài việc rà soát của Thường trực Hội đồng, còn yêu cầu từng ủy viên rà soát lại các hồ sơ đã được giao thẩm định.
Việc rà soát này giao tới từng ủy viên của Hội đồng đã thẩm định các hồ sơ, nên chúng tôi nghĩ rằng có thể hoàn thành việc rà soát theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
- Xin GS cho biết danh sách GS, PGS đã công bố trên website của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước có ý nghĩa như thế nào?
Danh sách công bố trên website của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước bao gồm những ứng viên đã nhận đủ số phiếu uy tín ở 3 cấp Hội đồng. Tuy nhiên, trong quy trình xét chọn, khi nào Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chính thức ký quyết định thì lúc đó mới được coi là danh sách chính thức đạt chuẩn chức danh GS và PGS. Như tôi được biết, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chưa ký quyết định này.
Sau khi đạt chuẩn, còn công đoạn nữa là các GS, PGS này còn phải được Thủ trưởng các cơ sở đào tạo ĐH bổ nhiệm vào vị trí phù hợp với chức danh đó.
- Theo GS, yêu cầu đổi mới quy định xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đặt ra như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Yêu cầu đổi mới quy chế xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã đặt ra từ mấy năm nay. Đó là việc làm bình thường vì yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ GS và PGS ngày càng tăng lên và việc phong GS, PGS của chúng ta cũng theo hướng ngày càng hội nhập với thế giới.
Vì vậy, việc đổi mới quy chế theo hướng nâng cao chất lượng là việc làm hợp với với xu thế phát triển.
Trao đổi về nguyên nhân quan trọng làm tăng số lượng ứng viên GS, PGS, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, đó là việc kéo dài thời gian do sự chuẩn bị rất kỹ trong xét duyệt. Năm 2016, ứng viên nộp hồ sơ từ tháng 1 cho đến hết tháng 5; trong khi đó năm nay, thời gian là từ tháng 1 cho đến hết tháng 11; như vậy, thời gian kéo dài hơn 2 lần. Từ đó, tạo cơ hội cho rất nhiều người hoàn thiện được hồ sơ của mình.
Nhưng không phải lúc nào số lượng nhiều hơn thì chất lượng sẽ kém đi. Riêng năm nay, do hiện tượng ứng viên tăng tới 60% nên Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã quyết định tăng cường tính chặt chẽ. Đơn cử, nếu như mọi năm không có việc thẩm định lại hồ sơ từ Hội đồng cơ sở gửi lên thì năm nay đã thực hiện thẩm định xác suất hồ sơ từ Hội đồng cơ sở.
Cùng với đó là việc có đoàn giám sát, trong đó có Thanh tra Bộ GD&ĐT đến dự ở tất cả các cấp ở Hội đồng, đặc biệt Hội đồng ngành. Việc có đoàn giám sát là cố gắng của Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước và Thường trực Hội đồng chức danh GS Nhà nước, là một giải pháp để tăng cường tính nghiêm túc trong xét chọn ứng viên.