Nghịch lý thị trường thức ăn chăn nuôi

GD&TĐ - Hiện Việt Nam đứng thứ 17 trong tổng số 20 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) lớn nhất thế giới, và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, nước ta hàng năm vẫn phải chi khoảng 3 tỷ USD nhập khẩu (NK) TĂCN và nguyên liệu. 

Nghịch lý thị trường thức ăn chăn nuôi

Nghịch lý này tồn tại từ nhiều năm, khiến cho giá TĂCN trong nước liên tục biến động, gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân.

Giật mình với mức chi

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị NK nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 7 ước đạt 258 triệu USD, đưa tổng giá trị NK mặt hàng này 7 tháng đầu năm lên 2,03 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường NK chính của nhóm mặt hàng này trong 6 tháng là: Argentina chiếm 46,6% thị phần; Hoa Kỳ 9,5%; Ấn Độ 4,6% và Trung Quốc 4,3%. Giá trị NK cũng tăng ở hầu hết các thị trường, thậm chí có thị trường tăng gấp 2 - 10 lần, đơn cử như Italia tăng hơn 10 lần, Ấn Độ tăng hơn 2 lần.

Thống kê cũng cho thấy, năm 2016, Việt Nam NK 3,39 tỷ USD TĂCN và nguyên liệu. Trong đó, NK ngô là 8,3 triệu tấn với trị giá 1,65 tỷ USD; đậu nành 1,56 triệu tấn. Lý giải về vấn đề này, đại diện Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho hay, mặc dù Việt Nam là nước nông nghiệp song lại phải NK các mặt hàng như ngô, đậu tương, phụ gia về để sản xuất TĂCN. Theo tính toán, hiện nay Việt Nam thường xuyên phải NK 50% trên tổng sản lượng ngô phục vụ ngành chăn nuôi, khô dầu gần như 100% và nguyên liệu phụ gia như khoáng chất, axit amin, vitamin phải NK 100%.

Việt Nam là một nước nông nghiệp, tuy nhiên những bất cập trong hệ thống nông nghiệp nước ta có ảnh hưởng không nhỏ đến việc các doanh nghiệp NK các sản phẩm nguyên liệu từ bên ngoài. Nhiều năm nay, quỹ đất chủ yếu dành cho trồng lúa gạo, cao su, cà phê không dành đất trồng cây thức ăn gia súc, trồng cỏ nuôi trâu bò, phương thức canh tác còn lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chất lượng giống chưa cao... từ đó dẫn đến năng suất thấp, sản lượng làm ra không phục vụ đủ cho ngành.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm không đạt chỉ tiêu, nhưng giá thành sản phẩm lại cao hơn so với các nước NK. Ngoài ra, sản lượng và giá cả các sản phẩm nguyên liệu của Việt Nam luôn bất ổn nên dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp sản xuất không mua sản phẩm của nông dân mà quyết định NK, còn người dân thì không mấy mặn mà với các loại sản phẩm nguyên liệu sản xuất TĂCN...

Sức cạnh tranh yếu

Theo số liệu điều tra mới nhất của Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, giá thành sản xuất ngô của nước ta lên tới 4.200 - 4.300 đồng/kg, nông dân phải bán được giá 5.000 đồng trở lên mới có lãi, khó cạnh tranh được với giá ngô nhập từ Mỹ, Argentina về đến cảng của Việt Nam hiện đang được chào bán với giá 4.700 – 4.800 đồng/kg.

Các chuyên gia cho rằng, do phải phụ thuộc vào nguồn TĂCN NK đã khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam chứa đựng nhiều rủi ro. Theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi hiện nay đang phụ thuộc lớn vào thức ăn NK nên giá trị của ngành không cao, thậm chí chỉ lấy công làm lãi. Trong 5 năm gần đây, giá TĂCN tăng mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển của ngành cũng như người chăn nuôi trong nước vì giá trị gia tăng thấp. Một số vùng sản xuất TĂCN của Việt Nam không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân không tham gia được vào chuỗi cung ứng TĂCN cho doanh nghiệp.

Tính toán cho thấy, TĂCN chiếm 70 - 75% giá thành sản phẩm nuôi. Người chăn nuôi lấy công làm lãi, phần lợi nhuận gần như rơi vào tay các doanh nghiệp NK và chế biến TĂCN, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ ngành TĂCN còn nhiều hạn chế vì nước ta thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái nên năng suất chưa cao, giá thành cao, ít lợi thế cạnh tranh so với ngô ngoại nhập. Do đó, biện pháp lâu dài và bền vững chính là hình thành các vùng nguyên liệu như ngô, đậu tương, cám gạo… làm TĂCN ngay trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ