Ngành chăn nuôi - Nhiều cơ hội việc làm

GD&TĐ - Các đợt tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, ngành chăn nuôi thường không có nhiều thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, về tiềm năng sinh viên nhóm ngành này lại có rất nhiều cơ hội việc làm; đặc biệt hiện nay, khi Nhà nước đang dành nhiều ưu tiên để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có ngành chăn nuôi.

Học viên ngành chăn nuôi thực hành trên gia súc
Học viên ngành chăn nuôi thực hành trên gia súc

Cần nhân lực kỹ thuật chuyên nghiệp

Theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành nông - lâm - ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Nhóm ngành này có rất nhiều ngành khác nhau như quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản…

Ngành chăn nuôi những năm qua phát triển mạnh theo hướng tập trung, chuyên môn hóa nên cần nhân lực kỹ thuật chuyên nghiệp. Ước tính hiện đang có khoảng hơn 300 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước đang hoạt động. Sự gia tăng số lượng, quy mô của các doanh nghiệp, đặc biệt việc đẩy mạnh hoạt động liên quan đến chăn nuôi, đặc biệt xu hướng sản xuất theo chuỗi khép kín từ thức ăn đến trang trại và thực phẩm đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực.

Học ngành Chăn nuôi, sinh viên được trang bị các kiến thức về quy trình chăn nuôi cho các loài thú nông nghiệp; hiểu biết về di truyền giống, thức ăn dinh dưỡng và kỹ thuật chăn nuôi đối với các loài thú nông nghiệp; hiểu biết về thị trường chăn nuôi; kiến thức về tiếp thị, giao tiếp; có kiến thức về một số ngành liên quan gần như các bệnh thông thường của thú nuôi, chăn nuôi thú cảnh, nuôi thủy sản, trồng trọt. Có các kỹ năng kỹ thuật phòng thí nghiệm, di truyền giống, thụ tinh nhân tạo và phân tích thức ăn; tự thiết kế, thực hiện thí nghiệm chuyên ngành; thực hiện, chỉ đạo thực hiện các quy trình chăn nuôi...

Về chuyên ngành công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, kỹ sư chăn nuôi chuyên sâu về khoa học dinh dưỡng động vật, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong tổ hợp và sản xuất thức ăn chăn nuôi hợp lý cùng với am tường về công tác giống, công tác kỹ thuật nuôi, thiết kế chuồng trại, vệ sinh thú y… góp phần tăng năng suất vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.

Có việc làm trước khi tốt nghiệp

Tăng trưởng mạnh về sản xuất đã mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành chăn nuôi. Theo ghi nhận tại các hội chợ việc làm cho chuyên ngành nông nghiệp có đến 80% doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có nhu cầu tuyển dụng lao động tốt nghiệp ngành. Trên các trang tuyển dụng trực tuyến cũng thường xuyên đăng tải hàng trăm thông tin tuyển dụng kỹ sư ngành chăn nuôi, với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, dường như nguồn cung nhân lực của ngành vẫn chưa bao giờ đáp ứng đủ.

Do nhu cầu nhân lực lớn, nên các doanh nghiệp thường đặt vấn đề tuyển chọn sinh viên ngay từ khi đang học năm thứ 3 hoặc thứ 4. Đại diện của Cargill Việt Nam, một công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từ Hoa Kỳ cho biết, tại miền Nam họ không có nhiều sự lựa chọn ngoài hai Trường Đại học Nông Lâm và Đại học Cần Thơ.

Nhân lực ít, doanh nghiệp nhiều dẫn đến cạnh tranh tuyển dụng khá gay gắt. Nhà tuyển dụng phải luôn theo sát lịch của từng đợt tốt nghiệp để sắp xếp thời gian đến trường phỏng vấn. Nhiều sinh viên năng động và đã có kinh nghiệm cọ xát thực tế đều có ít nhất 2 công ty mời làm việc và hơn 80% sinh viên có chỗ làm trước khi tốt nghiệp.

Hiện nay, khoảng 50% sinh viên ngành chăn nuôi đã được tuyển dụng trong khi thực tập tốt nghiệp. Chưa tính đến chất lượng, chỉ xét về số lượng sinh viên theo học ngành chăn nuôi - thú y mà trường đại học đào tạo vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Thực trạng cho thấy, nguồn nhân lực ngành chăn nuôi cũng đang cần tới những giải pháp và chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.