Nghịch lý rau quả Việt

GD&TĐ - Có một nghịch lý khó có thể chấp nhận, đó là việc nhiều loại rau quả trong nước ế ẩm, rớt giá thảm hại, phải kêu gọi “giải cứu”… thì ngược lại hàng tháng chúng ta vẫn phải bỏ ra hàng triệu USD để nhập khẩu.

Nghịch lý rau quả Việt

Nhập khẩu tăng mạnh

Theo báo cáo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến nay giá rau củ tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc đã giảm mạnh.

Trong khi rau quả nội ế ẩm, phải nhổ bỏ, nhưng ở chiều ngược lại, rau củ quả ngoại hàng ngày vẫn ùn ùn nhập về Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quý I/2018 giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đạt 340 triệu USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 76 triệu USD, tăng 36,7%; mặt hàng quả đạt 258 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ.

Thị trường rau quả nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn chính là Thái Lan (chiếm 45% thị phần), Trung Quốc (chiếm 19,9%). Từ đầu năm đến nay, giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, ngoại trừ thị trường Ấn Độ và New Zealand. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Australia (3,9 lần), Mỹ (2,2 lần) và Hàn Quốc (2,1 lần)…

Có một nghịch lý, đó là mặc dù rau quả nội tuy giá rẻ hơn nhiều lần so với cùng loại phải nhập khẩu, nhưng vẫn ế ẩm và chỉ khi được “giải cứu” mới có thể tiêu thụ được. Câu hỏi mà không ít chuyên gia đặt ra, nhưng vẫn chưa có lời giải. Đó là tại sao chất lượng rau quả trong nước không thua kém nhiều so với hàng ngoại nhập, nhưng vẫn không thể tiếp cận được với người dùng trong nước?

Cần sự liên kết giữa “3 nhà”

Vì sao từ trước đến nay ở cả chiều xuất khẩu cũng như nhập khẩu đều nhộn nhịp, nhưng ngay trên sân nhà mà rau quả Việt vẫn ế ẩm, thậm chí phải đổ đi? Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do giá cả, chất lượng của các loại rau quả nội luôn không ổn định. Đặc biệt, việc liên kết sản xuất chưa theo quy luật thị trường, vẫn còn tình trạng sản xuất tự phát, không đúng quy hoạch, thấy nhà này trồng quả này bán được giá là các nhà khác ồ ạt trồng theo, nên tình trạng được mùa mất giá là điều khó tránh khỏi.

Các chuyên gia cho rằng, để rau quả nội tiêu thụ ổn định ngay chính thị trường nội địa thì cần phải phát triển sản xuất tiêu thụ theo chuỗi. Tuy nhiên, để làm được điều trên thì cần phải thực hiện tốt một số giải pháp như: Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP… sản xuất theo hướng hữu cơ.

Để giải “bài toán” đầu ra cho nông sản Việt, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa “3 nhà”, đó là: Doanh nghiệp - hợp tác xã và người dân. Bởi người dân không đủ sức và không có thông tin thị trường. Do đó thông qua doanh nghiệp và các hợp tác xã, người dân sẽ biết được thị trường cần gì, số lượng bao nhiêu để từ đó tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Khảo sát tại các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, hiện rau quả ngoại ngày càng áp đảo rau quả Việt với hàng chục chủng loại có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau. Đặc biệt, giá cả các loại rau quả ngoại nhập ngày một rẻ dần, khiến rau quả nội không dễ để cạnh tranh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.