Trái cây nội rẻ vẫn... ế ẩm

GD&TĐ - Kim ngạch nhập khẩu rau củ quả “ngoại” luôn tăng trưởng ở mức hai con số, trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm, dù Việt Nam là một nước nông nghiệp và thị trường tiêu thụ rau củ quả trong nước luôn rơi vào tình trạng bế tắc, được mùa mất giá.

Trái cây nội rẻ vẫn... ế ẩm

Trái cây ngoại áp đảo

Những năm gần đây, rau củ quả nhập khẩu về Việt Nam liên tục tăng trưởng ổn định. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, bình quân trong giai đoạn 2013 - 2015, nhập khẩu rau quả về Việt Nam tăng 22,9%/năm và đã đạt trung bình 622 triệu USD/năm.

Thái Lan bỏ xa Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp rau quả nhiều nhất cho thị trường Việt Nam. Giá trị nhập rau quả từ Thái Lan trong những tháng của năm 2016 đạt gần 163 triệu USD, chiếm 38,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt 102,52 triệu USD, chiếm 24,4%, tăng gần 30% (theo Cục Hải quan Lạng Sơn, tính từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 8/2016, có 4.800 tấn xoài nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh).

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu rau quả nhiều từ Hoa Kỳ (41,2 triệu USD), Australia (24,6 triệu USD), Myanmar (18,5 triệu USD), New Zealand (13,8 triệu USD), Nam Phi (7,6 triệu USD). Rau quả nhập khẩu từ thị trường Australia và Ấn Độ nhập về Việt Nam tăng vọt, với mức tăng tương ứng 212% và 141% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các loại trái cây ngoại như: Nho, quýt, táo, bơ… được nhập từ Australia, Mỹ, Thái Lan… dù giá thường cao hơn giá các sản phẩm trái cây cùng loại ở trong nước từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, song đây vẫn luôn là các sản phẩm bán chạy hơn trái cây nội địa.

Theo chị Phạm Thu Thuỷ – chủ một cửa hàng trái cây trên đường Láng Hạ (Hà Nội), gần đây, các loại hoa quả cứ có nhãn mác nhập ngoại bao giờ cũng bán chạy hơn. Chị Thuỷ cho biết, những loại hoa quả gắn mác Mỹ, Australia... cửa hàng chị nhập về luôn bán rất chạy. Trong khi những loại hoa quả trong nước, dù có rẻ hơn khá nhiều nhưng vẫn rất ế ẩm, không được nhiều người chọn mua.

Hàng nội ế trên “sân nhà”

Cùng với việc rau củ quả ngoại đang đổ bộ vào thị trường Việt là sự “ghẻ lạnh” mà nhiều người tiêu dùng đang quay lưng lại với hàng nội. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đối với người tiêu dùng Việt Nam, giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sản phẩm cũng như lựa chọn cửa hàng nào để mua hàng, mà là những yếu tố khác như giá trị của sản phẩm có xứng đáng với giá thành hay không. Bởi người tiêu dùng Việt luôn tìm kiếm những sản phẩm đáng “đồng tiền bát gạo” nhất đối với họ, trong bất kể bối cảnh kinh tế đang diễn ra như thế nào.

Trong khi rau củ quả ngoại được ưa chuộng, thì những thông tin như thanh long đổ đống giá 200 đồng/kg tại vườn, hay dưa hấu 300 đồng/kg đổ cho trâu, bò ăn… do không có thị trường tiêu thụ vẫn bủa vây nông sản Việt.

Nguyên nhân trên được ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối - thừa nhận, không thể phủ nhận trái cây ngoại đang được nhập ngày càng nhiều hơn, nhưng đó là xu thế tất yếu. Đặc biệt, vào năm 2017 - 2018, khi các hiệp định tự do thương mại trong khu vực ASEAN và các nước có hiệu lực, trái cây ngoại còn có thể được nhập về nhiều hơn vì thuế suất lúc đó về 0%.

Nhiều chuyên gia cũng có cùng quan điểm cho rằng, hiện tại, nhiều loại rau củ quả từ Canada, Australia, Mỹ... chủ yếu vào Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch. Trong tương lai, hàng rào thuế quan nông sản được dỡ bỏ, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì ngay cả thế mạnh của nền nông nghiệp nước nhà cũng sẽ mất dần thị phần. Thực tế cho thấy trong vài năm gần đây, các rau củ quả ngoại không những đổ bộ vào siêu thị, cửa hàng phân phối mà nó còn có mặt tại hầu hết các chợ truyền thống từ nông thôn đến thành thị. Còn rau củ quả nội địa lại đang bị người dùng “quay lưng” vì lo ngại hoá chất, thuốc trừ sâu tồn dư trong sản phẩm...

Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu rau, quả đạt hơn 420,74 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Với các thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, New Zealand…

Trước đó, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam từ các thị trường Mỹ, Australia, Thái Lan và New Zealand tăng cao so với các năm qua. Rau quả nhập khẩu từ một số thị trường như Australia tăng 4 lần đạt 20 triệu USD, New Zealand tăng xấp xỉ 2 lần đạt 11,3 triệu USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ