Doanh nghiệp Đức kiếm lợi từ xung đột
Vừa qua, các đồng minh đã cam kết cung cấp hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) phương Tây cho Quân đội Ukraine như Leopard 2 của Đức, Challenger 2 của Anh, M1 Abrams của Mỹ hay AMX-10 của Pháp, trong đó, số lượng xe tăng Đức lên tới hơn 100 chiếc.
Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Đức xác nhận 18 xe tăng Leopard 2 loại A6, được chính phủ nước này hứa hẹn trước đó, đã chuyển đến Ukraine.
Các đồng minh khác như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Tây Ban Nha cũng đang thu gom những xe cũ để tân trang lại gửi cho Ukraine.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Đức Rheinmetall đã thành lập liên doanh với công ty nhà nước Ukroboronprom của Ukraine để sửa chữa và sản xuất xe tăng Panther, phiên bản nâng cấp cao nhất của Leopard 2 để cung cấp cho Quân đội Ukraine và cả những khách hàng khác.
Hôm 11/6, ông Armin Papperger, người đứng đầu doanh nghiệp quốc phòng Đức Rheinmetall nói trong một cuộc phỏng vấn với RND rằng, vũ khí của Đức đã chứng tỏ bản thân rất tốt trong cuộc xung đột ở Ukraine, khi nhận được phản hồi rất tốt của binh sĩ nước này, ví dụ như xe tăng Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh (IFV) Puma và pháo tự hành PzH2000.
Chính phủ Đức hồi đầu tháng 5 đã sẵn sàng đặt mua 18 xe tăng Leopard 2 phiên bản mới nhất để thay thế những chiếc đã gửi cho Ukraine, với khả năng mua thêm 105 xe tăng trị giá khoảng 2,9 tỷ euro.
Trước đó, ủy ban ngân sách Quốc hội Đức (Bundestag) đã thông qua đơn đặt hàng ban đầu cho 18 xe tăng trị giá khoảng 525 triệu euro vào cuối tháng 5.
Ngoài ra, Ủy ban ngân sách của Bundestag hôm cũng đã thông qua việc mua 50 xe chiến đấu bộ binh Puma.
Tuy nhiên, các chi tiết của đơn đặt hàng này vẫn chưa được tiết lộ vì các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.
Những thông tin về các hợp đồng mua vũ khí mới của Quân đội Đức là những tín hiệu tích cực khiến triển vọng phát triển của các công ty quốc phòng Đức trở nên tươi sáng hơn, đặc biệt là đối với Rheinmetall.
Theo Redaktionsnetzwerk Deutschland cho biết, trong năm 2022, giá cổ phiếu công ty Rheinmetall của Đức, cái nôi sản xuất thiết bị quân sự cho Ukraine và nhiều nước trên thế giới, đã tăng gấp ba lần và giới chuyên gia dự đoán triển vọng sẽ tiếp tục tăng 20-30% mỗi năm.
Hợp đồng mới và chỗ làm mới
Người đứng đầu công ty là ông Armin Papperger đã thừa nhận rằng, sự tăng trưởng phần lớn là do cuộc xung đột ở Ukraine, khi các nước châu Âu đang thu gom các vũ khí cũ của Đức, vừa để không phải tốn tiền tiêu hủy vũ khí cũ, mà lại được tiếng “hết lòng với đồng minh Kiev”.
Sau khi họ đã cấp hết số vũ khí cũ cho Ukraine, đương nhiên là phải mua sắm thêm các lô vũ khí mới để thay thế và các công ty sản xuất vũ khí, đạn dược Mỹ, châu Âu sẽ nhận được thêm nhiều hợp đồng lớn.
Ngoài ra, sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một số nước châu Âu mới nhận ra rằng quân đội nước mình chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự, do đó mới vội vã mua sắm thêm các loại vũ khí, đạn dược, nên nhu cầu về các sản phẩm của Rheinmetall ngày càng gia tăng.
Người đứng đầu công ty quốc phòng lớn nhất của Đức cho rằng, nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm quân sự trong bối cảnh xung đột ở Ukraine có thể dẫn đến sự gia tăng giá trị trị thị trường của Rheinmetall.
Trước đó, tờ The Wall Street Journal của Mỹ cũng nhận định rằng, cuộc xung đột ở Ukraine là cơ hội kinh doanh lớn đối với các công ty sản xuất quốc phòng, bởi nhu cầu vũ khí ở Mỹ và châu Âu đang gia tăng thần tốc trong một năm qua.
Do đó, các công ty quốc phòng Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công do làn sóng đặt hàng tăng cao, nên đang phải tích cực tuyển mộ thêm nhiều vị trí việc làm mới.
The Wall Street Journal cho biết, sự cạnh tranh giữa các nhà thầu quốc phòng để giành được công nhân trong lĩnh vực mà lâu nay không được quan tâm tuyển chọn, đào tạo đang trở nên hết sức khốc liệt.
Do đó, theo báo Mỹ, một nghịch lý nhưng lại mang tính logic cao là Nga càng giành nhiều chiến thắng trên chiến trường thì các nước phương Tây càng vui hơn, bởi Ukraine càng đòi hỏi phải cung cấp nhiều vũ khí hơn và càng nhiều đơn đặt hàng hơn sẽ được trao cho các công ty quốc phòng.
Như vậy, ngoài giá trị lợi nhuận mang lại trực tiếp cho các nhà sản xuất vũ khí, cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến Thứ 2 còn đóng góp lớn cho sự phục hồi kinh tế cho Mỹ và các nước châu Âu, từ việc tăng thêm hàng vạn việc làm cho người lao động các nước phương Tây.