Thực trạng này xảy ra ở nhiều địa phương, gây lãng phí nguồn nhân lực.
Mòn mỏi chờ việc
“Việc học đã khó khăn, bởi thời gian này gia đình phải vay mượn để cho tôi đi học. Thế nhưng, khi ra trường xin việc còn khó hơn. Rất mong các cơ quan, ban ngành của huyện, tỉnh quan tâm, xem xét, giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số diện cử tuyển” - anh Phiên bày tỏ.
Là người dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), anh Anh Hồ A Phiên (gần 40 tuổi) là cựu sinh viên cử tuyển theo học ngành sư phạm chính trị.
Anh Phiên chia sẻ, năm 2008 được cử đi học hệ cử truyển và tốt nghiệp năm 2012. Tuy nhiên đến nay anh vẫn chưa được bố trí việc làm. Hiện, anh Phiên thuê đất trồng chuối và buôn bán để trang trải cuộc sống.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 50 trường hợp tương tự như anh Phiên, tập trung chủ yếu ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Thực trạng này đã được cử tri 2 huyện phản ánh tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khi tiếp xúc cử tri hồi cuối tháng 6 vừa qua.
Đào tạo sinh viên cử tuyển cho con em đồng bào thiểu số là chính sách đúng đắn và nhân văn. Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp việc làm cho những người này đang gặp khó khăn. Ông Ngô Quang Chiến - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho hay, có một số trường hợp đã học xong hệ cử tuyển từ lâu nhưng chưa có việc làm. “Tỉnh đang giải quyết dần, tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm phải có vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế, không phải cứ học xong là bố trí việc ngay được” - ông Chiến trao đổi.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, tỉnh yêu cầu các huyện xây dựng kế hoạch hàng năm, trong đó tính toán sắp xếp vị trí việc làm, ưu tiên tuyển dụng những người đã tốt nghiệp theo diện cử tuyển. “Tất nhiên họ vẫn phải tham gia tuyển dụng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí của hội đồng tuyển dụng” - ông Chiến nói.
Giải quyết “đầu ra”…
Trăn trở với đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng viện dẫn, theo Thông tư số 02 của Ủy ban Dân tộc về việc đào tạo dự bị đại học, đại học thực hiện theo quy trình khép kín từ dự bị đại học lên đại học. Việc này được thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục đại học với nguồn kinh phí ước tính khoảng 2 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa: INT |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, với chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì việc bố trí việc làm cho đối tượng này sau khi đào tạo xong hết sức khó khăn. Từ thực tế này, bà Trịnh Thị Tú Anh đặt vấn đề về trách nhiệm, giải pháp của Ủy ban Dân tộc trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo như trên.
Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao đổi, thiết kế của Chương trình mục tiêu quốc gia đã đặt ra mục tiêu đào tạo cho sinh viên từ hệ dự bị đại học đào tạo liên thông lên đại học. Đây là vùng có 2 nhóm đối tượng. Chính sách về bố trí, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị được các địa phương, bộ, ngành rất quan tâm và ưu tiên, bởi đó cũng là nguồn để bố trí cán bộ.
Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù để tuyển dụng đội ngũ cán bộ. Tại Kết luận 65 của Bộ Chính trị đã nêu, 1 trong 4 nội dung chưa thực hiện thì có nội dung chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và phát triển đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ chủ trì để xây dựng chính sách. Bộ Nội vụ đang đánh giá việc thực hiện Quyết định 402 về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, khi tổng kết Quyết định 402 và đề xuất chính sách mới sẽ có chính sách đặc thù để tuyển dụng đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số theo Kết luận 65 của Bộ Chính trị. Đây cũng là chính sách để giải quyết được vấn đề “đầu ra” cho việc đào tạo đại học đối với những đối tượng đã được quy định trong Chương trình mục tiêu quốc gia.
Là đơn vị đào tạo sinh viên hệ cử tuyển, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) cho hay, từ năm 2015 đến nay, nhà trường đào tạo hàng trăm sinh viên theo diện này. Những năm gần đây, số sinh viên cử tuyển giảm dần. Qua khảo sát, số sinh viên học cử tuyển sau khi tốt nghiệp đều được tuyển dụng và có việc làm ổn định tại địa phương, phù hợp với chuyên môn được đào tạo.
“Đây là những sinh viên dân tộc thiểu số và được địa phương “đặt hàng” đào tạo. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, hầu hết các em đều trở về địa phương công tác. Để tránh “chảy máu chất xám”, địa phương và nhà trường đã thực hiện cam kết, không phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Thay vào đó, bằng tốt nghiệp được trao trực tiếp cho địa phương cử sinh viên đi học cử tuyển quản lý” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, việc đầu tiên là bản thân sinh viên cử tuyển phải nỗ lực học tập, rèn luyện kỹ năng và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Qua đó tạo thuận lợi cho các em khi tham gia tuyển dụng vào vị trí, việc làm khi địa phương có nhu cầu.