Khởi sắc nhân lực vùng dân tộc từ chế độ cử tuyển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tỉnh Kiên Giang thực hiện tốt chế độ cử tuyển, qua đó thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trường Phổ thông DTNT THPT Kiên Giang.
Trường Phổ thông DTNT THPT Kiên Giang.

Nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc

Thời gian qua, công tác đào tạo theo chế độ cử tuyển của tỉnh Kiên Giang đã góp phần nâng cao trình độ dân trí đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng, chất lượng đồng bào tộc thiểu số vào làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh ngày càng tăng. Đồng bào tham gia tổ chức, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm, coi chính sách cán bộ đối với đồng bào tộc thiểu số là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách dân tộc.

Việc triển khai thực hiện tốt chính sách có ý nghĩa thiết thực trong đảm bảo quyền tham chính, quyền bình đẳng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời tạo ra các yếu tố nội lực giúp thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phát triển.

Các cơ sở pháp lý, hướng dẫn thực hiện công tác cử tuyển của Nhà nước, Bộ, ngành liên quan luôn được cập nhật kịp thời, đúng đối tượng, vùng tuyển. Việc chi trả kinh phí đào tạo cử tuyển cho các cơ sở kịp thời và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho sinh viên cử tuyển theo quy định.

Đặc biệt, tỉnh thực hiện tốt chính sách vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện về kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận và hưởng được những chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách cử tuyển.

Từ năm 2010 đến năm 2021, có 401 học sinh là con em đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc Khmer được tạo điều kiện bước vào giảng đường đại học, cao đẳng để tiếp thu kiến thức. Sau khi tốt nghiệp ra trường có 246 em đã được phân công, bố trí về công tác phục vụ địa phương.

Các em được bố trí đúng chuyên ngành học đã phát huy được hiệu quả trong công tác, tích cực phục vụ, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các vị trí việc làm theo đề xuất của các địa phương đều được phân công sinh viên sau tốt nghiệp.

Dược sĩ Thị Xa Nhân là đồng bào Khmer công tác tại Khoa Dược trang thiết bị - Vật tư y tế, Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn. Được cử tuyển giúp chúng tôi không phải lo đóng học phí trong suốt quá trình học tập. Tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi được nhận học bổng mỗi quý.

Sau khi ra trường, tôi được Sở Y tế mời dự họp mặt lãnh đạo các bệnh viện cùng các tân bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, cử nhân về cơ hội việc làm cũng như chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế. Nay tôi đã có công việc ổn định, phục vụ lại cho chính quê hương của mình”.

Dược sĩ Thị Xa Nhân trong giờ làm việc tại Khoa Dược trang thiết bị - Vật tư y tế, Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương (Kiên Giang).
Dược sĩ Thị Xa Nhân trong giờ làm việc tại Khoa Dược trang thiết bị - Vật tư y tế, Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương (Kiên Giang).

Tăng cường gắn kết giữa đào tạo và sử dụng

Năm 2022, tỉnh Kiên Giang có 3 sinh viên cử tuyển đang học Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Trà Vinh. Những năm tiếp theo việc cử tuyển sẽ theo nhu cầu đề xuất của địa phương với các ngành học là Luật, Khoa học công nghệ. Đối tượng cử tuyển 100% là học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy trong những năm gần đây đã gây hạn chế, khó khăn cho việc tiếp nhận sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Vị trí việc làm ở xã, ấp quá ít nên nhu cầu đào tạo cử tuyển dân tộc các địa phương rất ít.

Bên cạnh đó, tâm lý học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chỉ thích học ngành y, dược còn các ngành khác lại không ưu tiên. Vì vậy, việc thực hiện chỉ tiêu chưa đạt. Một số em do học lực yếu và nhiều điều kiện khách quan nên bỏ học hoặc bảo lưu nhiều năm, kéo dài thời gian đào tạo, chất lượng đầu ra chưa cao. Một số đơn vị còn e dè, ngại tiếp nhận sinh viên cử tuyển mới tốt nghiệp.

Theo quy định chung, sinh viên cử tuyển nhận bằng tốt nghiệp trực tiếp tại trường đại học nên có trường hợp không về trình diện tại địa phương. Do đó, việc tiếp nhận, phân công sinh viên sau tốt nghiệp còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa tỉnh và cơ sở đào tạo trong việc theo dõi, quản lý sinh viên cử tuyển còn bất cập. Có trường hợp sinh viên dừng ngang việc học nhưng cơ sở đào tạo không thông báo về địa phương. Công tác tuyên truyền về chính sách cán bộ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chế độ cử tuyển cho học sinh là con em đồng bào chưa sâu rộng và thường xuyên.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thời gian tới để thực hiện tốt chế độ cử tuyển, ngoài vùng tuyển sinh học sinh cử tuyển là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì nên mở rộng thêm ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở xã đảo, xã biên giới.

Đồng thời cần quy định cơ sở đào tạo có sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp phải bàn giao toàn bộ hồ sơ tốt nghiệp của sinh viên về địa phương quản lý. Mục đích nhằm kịp thời phân công sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp theo quy định. Tránh trường hợp sinh viên không về địa phương trình diện, không nhận công tác hoặc ở lại các thành phố lớn xin việc làm tại các công ty, doanh nghiệp tư nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ