Nghịch lý bảo tàng

Nghịch lý bảo tàng

(GD&TĐ) - Mới đây,  ba bảo tàng của Việt Nam là: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lọt vào danh sách 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2013 do trang web du lịch lớn nhất thế giới Trip Advisor bình chọn đã đem lại những giá trị mới cho lĩnh vực văn hoá - du lịch của Việt Nam. Tin vui này khiến mọi người suy ngẫm về những bảo tàng hiện đại, được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vẫn trong tình trạng đìu hiu, cô quạnh. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nếu đưa ra so sánh, Bảo tàng Dân tộc học so với những bảo tàng khác người ta chỉ thấy một ưu thế lớn nhất: Số lần mở cửa. Nếu những đợt trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Mỹ thuật được tổ chức theo chu kỳ khoảng...  3 tháng/lần thì gần như tuyệt đối, Bảo tàng Dân tộc học lại luôn kín khách vào mỗi ngày thứ Bảy, Chủ nhật trong năm. Ở những ngày cuối tuần ấy, một cách cố định, các diễn xướng dân gian như ca trù, rối nước, cồng chiêng, được tổ chức biểu diễn để góp vui cho du khách.

 Phải chăng, sự chủ động đi tìm... người xem đã đưa đến cho bảo tàng lượng khách trong nước và quốc tế khá lớn thay vì những bảo tàng giàu truyền thống nhưng lại ít có điều kiện "khoe" bộ sưu tập của mình? Nếu theo cách nghĩ ấy, người ta sẽ lại càng xót xa hơn về trường hợp của Bảo tàng Hà Nội khánh thành 3 năm nay vẫn trong cảnh đìu hiu và được lý giải chỉ bằng lý do thiếu hiện vật trưng bày.

Hơn một năm trước, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam "đứng" ở vị trí đẹp trên phố Lý Thường Kiệt, nhưng cũng đìu hiu chẳng kém Bảo tàng Hà Nội. Song thời gian gần đây, người ta ngỡ ngàng trước sự lột xác của địa chỉ này. "Đây có lẽ là bảo tàng độc nhất vô nhị và đáng nhớ nhất bạn sẽ được xem" - Lời chia sẻ của một độc giả trên trang web TripAdvisor về Bảo tàng Phụ nữ. Khung cảnh của bảo tàng đã được các kiến trúc sư nước ngoài và các chuyên gia Việt Nam "làm mới" cả nội dung và hình thức. Với 3 nội dung trưng bày: Phụ nữ trong gia đình (hôn nhân, sinh đẻ, cuộc sống gia đình), Phụ nữ trong lịch sử, Thời trang nữ, cùng hơn 1.000 hiện vật ở hệ thống trưng bày thường xuyên, thực sự "biết nói" và có thể "giao lưu" với du khách. 

Có thể khẳng định, để khai thác hiệu quả công năng, mỗi bảo tàng phải làm tốt chức năng phục vụ, giới thiệu văn hóa đặc thù của riêng mình. Việc phát triển và duy trì các bảo tàng bấy lâu vẫn tốn một khoản kinh phí không nhỏ, thế nhưng những bảo tàng vận hành được chức năng này chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Thiết nghĩ, bên cạnh hoạt động thu hút khách, bảo tàng cũng không được quên chức năng giáo dục của mình. Cần phải có chiến lược bắt tay với các nhà giáo dục để họ thấy rằng, bảo tàng là một công cụ để giảng dạy rất tích cực. Bảo tàng phải đề xuất ý tưởng với ngành Giáo dục, tổ chức lồng ghép chương trình tham quan, vui chơi, giải trí với học tập cho học sinh. Các nhân viên bảo tàng cũng tham gia vào chương trình giáo dục đó. Vì thế, cán bộ bảo tàng ngoài chuyên môn cũng cần có phương pháp sư phạm để có thể kết hợp các chương trình giáo dục. Đừng để bảo tàng bị lãng quên, hoang vắng trong sự lãng phí với số tiền không phải là nhỏ.

Đăng Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ