Nghĩa trang nhân dân Thành phố Sơn La: Giảng viên chỉ ra “điểm đen” của dự án

GD&TĐ - Dự án Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La được chọn làm điểm nhấn trong quá trình xây dựng TP Sơn La thành đô thị loại II vào năm 2019. Thế nhưng, dư luận vẫn chưa đồng tình khi vị trí triển khai dự án lại “sát vách” Trường ĐH Tây Bắc bởi tiềm ẩn nhiều hệ luỵ.

Ông Nguyễn Thái Hưng – Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La tiếp thu ý kiến của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tây Bắc
Ông Nguyễn Thái Hưng – Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La tiếp thu ý kiến của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tây Bắc

Không tuân thủ Luật Quy hoạch

Trong cuộc làm việc với Thành uỷ TP Sơn La, các ngành chức năng của tỉnh hôm 27/11, tập thể cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tây Bắc đã thể hiện rõ quan điểm đồng thuận cao với chủ trương của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến bày tỏ không tán thành việc chọn vị trí xây nghĩa trang, lò hoả táng như hiện tại.

PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc cho rằng: Quy hoạch số 2415/QĐ-UB ngày 4/8/2004 của Nhà trường vẫn còn hiệu lực.Bên cạnh đó, quy chuẩn Việt Nam năm 2008 quy định: Nghĩa trang được xây dựng mới phải ở ngoài khu vực đô thị.

“Trong tổ chức hành chính gọi xã là nông thôn, phường là đô thị. Nghĩa trang TP Sơn La được xây dựng trên địa bàn phường Chiềng Cơi, như vậy các ngành chức năng của tỉnh xác định vị trí xây dựng nghĩa trang thuộc đô thị hay nông thôn?” - PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn nêu vấn đề.

Đồng tình với quan điểm này, TS Đoàn Đức Lân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc cho biết:“Nhà trường liền kề khu đất dự kiến làm nghĩa trang nhưng không được gửi hồ sơ quy hoạch. Khi chúng tôi làm công văn đề nghị và Sở Xây dựng trả lời thì đến ngày 19 và 20/11, trường mới được tham khảo hồ sơ. Việc này không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Khi trường chưa có văn bản trả lời về hồ sơ thì Quy hoạch đã được trình để tỉnh phê duyệt”, TS Đoàn Đức Lân nói.

TS Trần Thị Hằng, Trưởng bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Tây Bắc (người đứng phát biểu) khẳng định Sơn La không nên xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng ở vị trí hiện tại
  • TS Trần Thị Hằng, Trưởng bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Tây Bắc (người đứng phát biểu) khẳng định Sơn La không nên xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng ở vị trí hiện tại

TS Đoàn Đức Lân cũng cho biết thêm: “Theo Quy chuẩn, khoảng cách an toàn về môi trường tối thiểu từ nghĩa trang hung táng đến công trình khai thác nước sinh hoạt tập trung là 2.500 m.

Qua tham khảo kết quả xác định sơ bộ của nhà trường thì khoảng cách từ khu đất dự kiến làm nghĩa trang đến: Trạm bơm km5 là 650 m; Trạm bơm km4 (khu vực xưởng Kẹo) là 734 m, trạm bơm số 7, gần Trung tâm Lâm nghiệp Tây Bắc là 1.600 m; Trạm bơm nước khu Huổi Hin là 1.447 m, Trạm bơm Chiềng Ngần là 2.362 m.

Như vậy, khoảng cách từ khu đất dự kiến làm nghĩa trang đến hầu hết các cơ sở khai thác, cấp nước tại địa bàn TP Sơn La đều dưới 2.500 m. Điều này cần xem xét về lâu dài, khi dân số thành phố tăng lên, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt gia tăng thì việc trông chờ vào hồ dự trữ nước bản Mòng dự kiến sẽ xây dựng – liệu có đảm bảo?”.

Nhiều yếu tố bất lợi

Từ bài học thực tiễn ở các địa phương trong cả nước, TS Trần Thị Hằng, Trưởng bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Tây Bắc khẳng định Sơn La không nên xây dựng nghĩa trang, lò hoả táng ở vị trí hiện tại bởi có nhiều yếu tố bất lợi về địa chất.

“Khu vực dự kiến xây dựng nghĩa trang là địa hình phát triển trên đá vôi, thực chất đây là một cánh đồng Karst. Trong khu vực này tồn tại các dạng Karst ngầm, nên trong quá trình thi công xây dựng các công trình tâm linh cần phải xem xét rất kĩ lưỡng.

Theo QCVN 01: 2008, nghĩa trang xây dựng mới phải đặt ở nơi cao ráo, không sụt lở. Nghĩa trang, lò hỏa táng dự kiến xây dựng là vùng trũng, giữa núi, địa hình Karst dễ xảy ra nguy cơ sụt lún. Hệ thống thủy văn ngầm trong địa hình Karst phức tạp không đo tính và kiểm soát hết được. Nên việc đóng cửa hai nguồn cung cấp nước trong phạm vi ảnh hưởng của nghĩa trang dự định xây là không có gì đảm bảo, các hệ thống nước ngầm vẫn lưu thông trao đổi chất qua lại với nhau.

Về nội dung này, theo chúng tôi là quan trọng nhất, tỉnh cần xem xét thật kĩ và đánh giá sự di chuyển của các dòng chảy ngầm trong hệ thống nguồn nước toàn thành phố Sơn La” - TS Trần Thị Hằng nói.

Hình ảnh vệ tinh do giảng viên Trường ĐH Tây Bắc cung cấp cho thấy dự án nghĩa trang nhân dân, lò hoả táng TP Sơn La chưa đạt các tiêu chí về khoảng cách
  • Hình ảnh vệ tinh do giảng viên Trường ĐH Tây Bắc cung cấp cho thấy dự án nghĩa trang nhân dân, lò hoả táng TP Sơn La chưa đạt các tiêu chí về khoảng cách

Với trách nhiệm của một nhà giáo, cán bộ, đảng viên có 37 năm tuổi đảng, ThS Nguyễn Duy Quang, Trưởng phòng Quản trị cơ sở vật chất ĐH Tây Bắc bày tỏ lo lắng: “Ký túc xá sinh viên trường chúng tôi ở ngay cạnh nơi quy hoạch, nơi ăn ở sinh hoạt học tập của hàng nghìn sinh viên, các đồng chí đã tính toán đến tác hại của nó chưa? Còn ai dám ở, sinh hoạt học tập tại đây nữa không? Nhất là trong tình hình mấy năm gần đây, công tác tuyển sinh của nhà trường đang gặp khó khăn?”.

Về cơ bản, quan điểm của TP Sơn La vẫn tiếp tục triển khai dự án trên. Ông Nguyễn Thái Hưng, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Sơn La đã yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp thu và giải đáp đối với những ý kiến băn khoăn của các giảng viên, cán bộ Trường ĐH Tây Bắc. 

TS Phạm Anh Tuân, Trưởng bộ môn Địa lý tự nhiên và Phương pháp giảng dạy cho biết: Vị trí nghĩa trang hiện tại có thể phát sinh những vấn đề ô nhiễm môi trường tiềm ẩn lâu dài, khó khắc phục như: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước bởi nước rỉ từ hoạt động hung táng, nước thải sinh hoạt… có thể thâm nhập vào nguồn nước ngầm tầng nông.

Đối với nguồn nước mặt cũng có nguy cơ ô nhiễm do khói và bụi hữu cơ từ đài hỏa táng. Theo các kịch bản dự báo, bụi hữu cơ có thể phát tán trong phạm vi 500 - 3.000m. Mặt khác, đặc điểm địa hình khu nghĩa trang nằm trong thung lũng, điều này bất lợi cho việc xây đài hỏa táng vì thường có gió quẩn. Thung lũng này có cửa duy nhất thông ra Trường ĐH Tây Bắc. Do đó, hằng ngày sẽ xuất hiện gió địa hình (hay còn gọi là gió núi - thung lũng) luôn luôn thổi về phía Trường ĐH Tây Bắc cho dù bất kể vào mùa gió thịnh hành hướng nào”.

Trao đổi với cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tây Bắc, ông Phan Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La thừa nhận theo bán kính cho phép thì hiện tại 2 mỏ nước sinh hoạt của người dân đang nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi nghĩa trang và tỉnh Sơn La đã có phương án khắc phục bằng các dự án thay thế.

“Nghĩa trang có hình thành cũng phải sau năm 2020, tức là còn 2 năm nữa. Thời gian đó đủ để xây dựng được nhà máy nước hồ bản Mòng. Khi đó, nghĩa trang này mới phát sinh ô nhiễm như nhà trường nêu. Phát sinh về bụi, khí thải, nước thải, về khí âm, bắt đầu mới phát sinh. Tức là sau năm 2020 chứ không phải ngay hiện nay như chúng ta đang xác định” - ông Phan Minh Châu trao trong buổi làm việc chiều 27/11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ