Báo GD&TĐ đã trao đổi với TS Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc quanh vấn đề này.
Báo cáo tự đánh giá và những phiên bản hoàn chỉnh
* Được biết, Trường ĐH Tây Bắc đang triển khai công tác tự đánh giá với sự tư vấn của chuyên gia quốc tế. Với đặc thù của nhà trường, công tác tự đánh giá có gặp nhiều thách thức không, thưa ông?
- Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills) đã cử một chuyên gia tư vấn giúp chúng tôi thu thập, phân tích các minh chứng, viết báo cáo đánh giá về các tiêu chí, tiêu chuẩn để hoàn thành công tác tự đánh giá. Nhà trường cũng cử các cán bộ, giảng viên tham gia khóa học về Đảm bảo chất lượng trường ĐH do Aus4Skills tổ chức.
Các cán bộ, giảng viên vừa tiếp thu những nội dung cần phải thực hiện để tự đánh giá, kiểm định chất lượng, đưa ra các giải pháp đảm bảo chất lượng theo các quy định của Bộ GD&ĐT, vừa học hỏi nhiều kinh nghiệm của các trường ĐH Australia trong lĩnh vực này.
Đến thời điểm này, chúng tôi đang ở giai đoạn xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng. Về cơ bản các báo cáo về các tiêu chí, tiêu chuẩn đã hoàn thành. Chúng tôi cần rà soát lại để nâng cao chất lượng các báo cáo này. Theo tôi biết, có những trường báo cáo tự đánh giá hoàn chỉnh đến phiên bản thứ 30.
TS Đoàn Đức Lân (giữa) tại một buổi Hội thảo |
* Thưa ông, có khó khăn gì khiến báo cáo tự đánh giá của trường phải qua nhiều phiên bản hoàn chỉnh như vậy?
- Trước đây, việc điều hành hoạt động của Trường ĐH có nhiều điểm chưa tương xứng với bộ tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT đưa ra. Bên cạnh đó, có những hoạt động trước đây chúng tôi thực hiện nhưng lại không lưu lại bằng các minh chứng, tư liệu, cần phải khôi phục một cách trung thực và chính xác. Đối với những hoạt động đã làm rồi thì cần tìm kiếm lại minh chứng, tư liệu cụ thể.
Có một khó khăn nữa là đội ngũ giảng viên của nhà trường chưa có kinh nghiệm, đa số là lần đầu tiên thực hiện việc thu thập, phân tích các minh chứng để đưa ra báo cáo tự đánh giá một cách phù hợp. Rấy may mắn là chúng tôi vừa được học hỏi các chuyên gia Việt Nam, vừa được tư vấn bởi các chuyên gia Australia từ Aus4Skills. Tôi tin rằng, báo cáo tự đánh giá này sẽ giúp nhà trường nhìn lại mình, phát huy những điểm mạnh, có giải pháp khắc phục những điểm yếu, hạn chế.
Từng bước chuẩn bị cho tự chủ ĐH
* Thưa ông, hiện các trường đều đang hướng tới tự chủ ĐH. Trường ĐH Tây Bắc đã chuẩn bị những gì để hòa vào dòng chảy chung này, thưa ông?
- Theo quan điểm của chúng tôi, tự chủ là vấn đề liên quan đến năng lực của đội ngũ. Để tự chủ được, yếu tố con người rất quan trọng. Việc tự chủ còn phải gắn kết với cơ chế, hiện thực của thị trường, cần sự tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo. Cùng đó, nhà trường phải hình thành các quy chế, cơ chế phù hợp với việc tự chủ, thành lập hội đồng trường.
Với điều kiện tự nhiên cùng vùng dân cư kinh tế xã hội như hiện tại, theo tôi, quá trình tự chủ của nhà trường cần phải có lộ trình, từng bước một. Nếu bảo tự chủ hoàn toàn ngay e là sẽ rất khó khăn. Đặc biệt là năng lực của đội ngũ quản lý, đội ngũ chuyên môn cần phải được nâng cao hơn, hoàn chỉnh hơn thì mới có thể tự chủ được.
* Có thể hình dung, lộ trình tự chủ của Trường ĐH Tây Bắc sẽ là như thế nào, thưa ông?
- Hiện một số đơn vị trong nhà trường đã tự chủ hoặc hướng tới tự chủ vào năm 2023. Đặc thù của Trường ĐH Tây Bắc khi tuyển sinh, đào tạo SV, đặc biệt là SV khối ngành sư phạm có những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, trường đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế là đào tạo LHS CHDCND Lào với số lượng gần 750 SV. Vậy nên việc tự chủ cần phải căn cứ vào tính đặc thù. Chính vì vậy đối với toàn trường chúng tôi sẽ có giải pháp riêng.
* Được biết, trường đã cử nhiều giảng viên đi học tập tại nước ngoài, gần đây nhất là tham gia các khóa học do Chính phủ Úc hỗ trợ. Vậy làm thế nào để đồng bộ các kiến thức đã học trong môi trường ĐH quốc tế với thực tế về CSVC, năng lực đội ngũ của nhà trường?
- Chúng tôi luôn có phương châm là tích cực học hỏi, tiếp thu những ưu việt của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Australia… Nhưng khi áp dụng vào trường thì phải vận dụng trong những hoàn cảnh cụ thể. Các dự án hành động sau khóa học được các giảng viên căn cứ vào thực trạng của đơn vị mình, nhà trường mình để thiết kế nên các dự án hành động, đưa ra các giải pháp phù hợp. Quan trọng nhất là sự vận dụng phải sáng tạo và kiên nhẫn.
Chúng tôi mong muốn các giảng viên sau tập huấn cần lan tỏa các hiểu biết của mình cho các đồng nghiệp; đồng thời duy trì tính bền vững của dự án. Bản thân các học viên phải có suy nghĩ sau khi dự án kết thúc mình sẽ làm gì, tìm các nguồn ngân sách, tài trợ như thế nào để duy trì dự án hoặc nâng tầm lên quy mô lớn hơn, chất lượng hơn…
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!