Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia môi trường đã nghỉ hưu nêu quan điểm:
“Thực ra, không có luật nào cấm xây dựng nghĩa trang ở những nơi này nhưng cần tránh. Công trình kiểu này muốn xây dựng được cần phải có sự đồng thuận của dân.
Để đánh giá tác động môi trường thì bắt buộc phải xem công nghệ lò đốt, xử lý khói ra sao. Đặc biệt, nếu cạnh trường học thì xem hướng gió, một năm có mấy hướng gió chủ đạo, đồng thời phải nghiên cứu hướng phát tán khí, cộng với điều kiện khí tượng.
Ở Việt Nam, các lò hỏa táng có tiêu chuẩn cụ thể, nhưng quan trọng là khi lò hoạt động, môi trường xung quanh có chịu được hay không? Nếu lò đốt không đáp ứng được kỹ thuật, khí thải sẽ ảnh hưởng đến con người, tùy thuộc độ mẫn cảm của mỗi cá nhân, có thể mắc bệnh nặng hoặc nhẹ.
Nếu hít phải chất độc lâu dài sẽ gia tăng bệnh về hô hấp. Sống cạnh nghĩa trang, lò hỏa táng nhiều nguy cơ bị ức chế, thậm chí mắc bệnh thần kinh”.
KTS Hoàng Thúc Hào, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) |
KTS Hoàng Thúc Hào, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội): Không nên chút nào!
Đặt nghĩa trang có lò hỏa thiêu cạnh một trường ĐH là không nên một chút nào. Thứ nhất, khoảng cách hơn 600m là rất gần. Bài toán xử lý môi trường sẽ khó khăn. Nếu nghĩa trang, lò hỏa thiêu nằm đầu hướng gió thì trường ĐH sẽ rất bị ảnh hưởng.
Thứ hai, tinh thần của hai khu vực đó ảnh hưởng đến nhau. Thường không gian tâm linh nên đặt ở ngoại vi thành phố, nơi có những trục không gian dẫn hướng khác. Đến nghĩa trang để cảm thấy sự thanh tịnh, nhẹ nhàng, tâm an, tránh xa những xô bồ, đông đúc.
Còn không gian kiến trúc của trường ĐH xung quanh nên là những công viên cây xanh, những công trình văn hóa xã hội, trung tâm hội nghị, viện nghiên cứu, trụ sở cơ quan làm việc…
Để xây dựng một nghĩa trang thành phố, việc trước tiên cần xem lại tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển về văn hóa của địa phương. Sơn La đâu thiếu đất. Theo tôi, nếu có một tầm nhìn dài hạn, có kế hoạch từ trước thì không nên đặt nghĩa trang, lò hỏa thiêu cạnh một trường ĐH.
|
PGS.TS Đỗ Anh Tài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên): Ảnh hưởng tâm lý, lo ngại môi trường
Học ĐH nghĩa là tự học, vì vậy, không gian của trường ĐH rất quan trọng, góp phần vào việc khơi gợi cảm hứng dạy và học cho giảng viên, sinh viên.
Ở nước ngoài, xung quanh trường ĐH là công viên cây xanh mát, là hồ nước, là rừng cây… có không khí trong lành. Sinh viên mang sách vở ra khuôn viên để học nhóm, để thảo luận, nghiên cứu. Có thành phố còn bố trí các trường ĐH thành một quần thể, để đến đó là đến một thành phố ĐH.
Việt Nam chúng ta cũng đang cố gắng tạo dựng môi trường cảnh quan trường ĐH theo hướng này khi có nhiều trường ĐH đang được xây dựng mới với không gian rất đẹp.
Là một người làm công tác quản lý một trường ĐH, tôi cho rằng đặt nghĩa trang, lò hỏa táng cạnh một trường ĐH là không hợp lý.
Rõ ràng vì ảnh hưởng đến tâm lý và những lo ngại về môi trường, sẽ rất ít phụ huynh lựa chọn một trường đặt cạnh nghĩa trang, lò hỏa táng cho con theo học, theo đó, công tác tuyển sinh của một trường ĐH sẽ rất khó khăn.
Muốn ủng hộ giáo dục phát triển thì phải tạo điều kiện để các nhà trường được đặt trong một môi trường, cảnh quan phù hợp.
PGS.TS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam |
PGS.TS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam: Phải trả lời được câu hỏi: Có phản cảm không?
Tôi không có điều kiện tìm hiểu về thực địa nên không thể nhận xét gì về mặt phong thủy. Tuy nhiên, về mặt cảnh quanh, kiến trúc xây dựng thì cần đặt ra câu hỏi có vấn đề gì gây ra sự phản cảm hay không? Phải đặt ra và trả lời được câu hỏi này.
Sự sống và cái chết luôn song hành trong vòng xoay theo quy luật tất yếu của tự nhiên. Vậy làm thế nào để hai mặt của vấn đề đi cùng mà không ảnh hưởng tiêu cực đến nhau? Theo tôi, công trình xây dựng nghĩa trang nhân dân nên tránh xa Trường ĐH Tây Bắc, càng tránh xa càng tốt.
Đứng ở góc độ khoa học thuần túy thì có thể coi lẽ sinh tử, nghi thức tang ma là bình thường. Nhưng ở góc độ văn hóa, về mặt tín ngưỡng tâm linh, tâm lý con người thì sự ly biệt trong thực tại cuộc sống rất bi thương.
Nghĩa trang hoạt động kề cận trường học sẽ ảnh hưởng đến nhận thức về học tập, nhận thức về tương lai, tác động đến tư tưởng, cảm xúc và động cơ hành động, khiến các em nhìn thấy tương lai mờ mịt của con người. Học làm gì, phấn đấu xây dựng tương lai làm gì, nỗ lực làm gì để rồi cũng chỉ đi đến cõi chết (?)
Còn trên góc độ ngoại giao, nhân dân Lào gửi con em sang ĐH Tây Bắc là trao gửi những hạt giống quý báu, thể hiện sự tin tưởng. Vì thế không thể làm xáo trộn tâm tư tình cảm, gây hoang mang lo lắng cho các lưu học sinh và người thân của họ.