Dự án Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La: Đã xác định đúng khái niệm vị trí?

GD&TĐ - Trong các ngày 24 và 27/11, Báo GD&TĐ có đăng tải các bài viết liên quan đến Dự án xây dựng Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La gần Trường Đại học Tây Bắc, gây nhiều bức xúc cho cán bộ, giảng viên và người dân. Dư luận không khỏi hoài nghi về việc “đánh tráo” khái niệm trong việc xác định vị trí giữa đất trong và ngoài đô thị khi triển khai dự án này.

Ông Nguyễn Thái Hưng - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La phát biểu tại buổi gặp
Ông Nguyễn Thái Hưng - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La phát biểu tại buổi gặp

Trước những bức xúc của dư luận cũng như ý kiến phản đối của thầy trò Trường ĐH Tây Bắc khi tỉnh Sơn La chọn vị trí xây dựng Nghĩa trang nhân dân và lò hỏa táng không phù hợp trong thời gian gần đây, chiều 27/11, Thành uỷ Sơn La đã làm việc với Đảng uỷ Trường ĐH Tây Bắc nhằm trao đổi thêm thông tin liên quan đến dự án. Đại diện các Sở Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng tỉnh Sơn La cùng đông đảo cán bộ chủ chốt của nhà trường có mặt tại buổi làm việc.

Tại đây, ông Nguyễn Thái Hưng - Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La, NGƯT.TS Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc đồng chủ trì cuộc họp.

Sơn La xác định vị trí triển khai dự án (nằm giữa bản đồ) là “đất ngoài đô thị”, trong khi vị trí này nằm giữa phường Quyết Tâm, Chiềng Cơi và xã Chiềng Ngần
Sơn La xác định vị trí triển khai dự án (nằm giữa bản đồ) là “đất ngoài đô thị”, trong khi vị trí này nằm giữa phường Quyết Tâm, Chiềng Cơi và xã Chiềng Ngần

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cùng nhà đầu tư, những người “một mực” bảo vệ dự án đã có bài thuyết trình trong khoảng 1 giờ đồng hồ, đưa ra những thông tin như: Khoảng cách địa lý, hướng gió, không gian, tầm nhìn, giao thông, môi trường... Hai người này cho rằng những thông tin mà họ cung cấp, đủ sức thuyết phục để có thể triển khai dự án một cách an toàn, không làm đảo lộn đời sống, sinh hoạt của nhân dân và cán bộ giáo viên, học sinh sinh viên Trường ĐH Tây Bắc. Họ cũng khẳng định, dự án Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La bảo đảm được tất cả các yếu tố theo đúng quy chuẩn, quy định.

Thế nhưng, Tiến sỹ Đoàn Hữu Lân, Phó Hiệu trưởng cũng như nhiều giảng viên tại Trường ĐH Tây Bắc lại cho rằng chính trong dự án này đang tồn tại nhiều bất cập. Nổi bật nhất là việc chọn địa điểm để triển khai dự án.

Dự án Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La được điều chỉnh theo Quyết định 3107/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 về việc điều chỉnh, bổ sung vị trí, địa điểm Quy hoạch Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La vào Quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La Giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050 có vị trí: Phía Bắc giáp núi đá, giáp đất sản xuất của dân cư bản Buổn, phường Chiềng Cơi; phía Đông giáp Bãi rác bản Khoan, hiện đã đóng cửa; phía Tây giáp núi đá và đất quân sự tiểu đoàn K4. Khu quy hoạch nghĩa trang có quy mô 40 ha, trong đó diện tích bảo tồn rừng tái sinh 20 ha, diện tích đất an táng 10 ha, diện tích đất cây xanh mặt nước, giao thông nội bộ và các công trình phụ trợ 10 ha. 

Theo QCXDVN 01:2008/BXD, nghĩa trang xây dựng mới phải bố trí ở ngoài đô thị, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị hoặc dân cư nông thôn, không ảnh hưởng đến môi trường dân cư xung quanh, không ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt, ở cuối hướng gió so với khu dân cư; Nghĩa trang hung táng, nghĩa trang chôn cất một lần không được bố trí trong nội thị. Trong khi Dự án này được triển khai tại Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tiếp giáp một phần với phường Quyết Tâm và xã Chiềng Ngần. Ranh giới nghĩa trang bị bao bọc bởi hai đơn vị hành chính cấp phường và một cấp xã thuộc TP Sơn La liệu có thể coi khu vực này là đất “ngoài đô thị” như cách hiểu của các ngành chức năng tỉnh Sơn La hay không?

Giải đáp vấn đề trên, ông Phan Minh Châu, PGĐ Sở Xây dựng Sơn La cho biết: “Theo quy hoạch đô thị được duyệt năm 2014, thành phố Sơn La có đường biên ranh giới chung về xây dựng. Nếu công trình nằm ngoài quy hoạch đấy, tức là nằm ngoài khu vực quy hoạch chung đô thị TP Sơn La. Thành phố có 7 phường, 5 xã và sắp lên đô thị loại II. Nếu nằm ngoài ranh giới đô thị liên quan đến việc cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân, đương nhiên không phải cấp phép xây dựng. Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La nằm ngoài ranh giới đô thị của TP Sơn La được duyệt thì thuộc Quyết định 3131 gì đó, tôi chẳng nhớ”(?).

Trong khi đang lấy ý kiến nhân dân thì dự án đã và đang được triển khai thi công
  • Trong khi đang lấy ý kiến nhân dân thì dự án đã và đang được triển khai thi công

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thái Hưng - Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Sơn La đã thay mặt cấp ủy, chính quyền thành phố tiếp thu những ý kiến, phản ánh của các giảng viên Trường ĐH Tây Bắc. Ông cũng bày tỏ mong muốn các ngành chức năng của tỉnh, cấp uỷ chính quyền các địa phương thuộc thành phố, Trường ĐH Tây Bắc phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền đối với nhân dân để dự án được triển khai theo đúng tiến độ.

Ngoài nội dung liên quan đến vị trí triển khai dự án, nhiều vấn đề khác đã được các giảng viên, cán bộ Trường Đại học Tây Bắc nêu ra tại cuộc gặp với lãnh đạo thành phố Sơn La. Thông tin chi tiết về những nội dung này, Báo GD&TĐ sẽ đăng tải trong số báo tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ