Nghị quyết số 29 tạo đà cho GD phát triển

GD&TĐ - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, tại tỉnh Ninh Bình, chuyển biến mạnh mẽ nhất là cơ sở vật chất của ngành Giáo dục được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Cùng với đó là chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, GD mũi nhọn có bước phát triển rõ nét.  

Cô và trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình trong giờ học Tiếng Việt 1 theo Công nghệ giáo dục
Cô và trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình trong giờ học Tiếng Việt 1 theo Công nghệ giáo dục

Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố giáo dục cơ bản theo mục tiêu Nghị quyết số 29 đề ra: Giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên để tạo đà cho giáo dục Ninh Bình phát triển.

Huy động nhân tài, vật lực cho sự nghiệp đổi mới giáo dục

Theo ông Phạm Thanh Toàn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Sau 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai Nghị quyết số 29, trường lớp học trên toàn tỉnh bây giờ khang trang, sạch đẹp hơn so với giai đoạn 5 năm về trước.

Có được kết quả đó là do ngay từ ban đầu, trong Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29, ngành đã tham mưu cho tỉnh tập trung vào giải pháp đột phá: Tập trung nguồn lực thực hiện những mục tiêu đổi mới GD-ĐT đề ra trong chương trình hành động của tỉnh thực hiện 9 nhiệm vụ Nghị quyết số 29 đề ra.

Tiếp đó là bám sát kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, tham mưu những chương trình, đề án để tỉnh có kế hoạch bố trí nguồn lực, nhân lực thực hiện, góp phần để toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục.

Cơ sở vật chất trường lớp học khang trang là kết quả tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” của tỉnh. Trong giai đoạn 2013 – 2018, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất toàn tỉnh huy động đầu tư cho giáo dục là trên 758 tỷ đồng.

Đồng thời tỉnh đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án trong đầu tư từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.

Toàn tỉnh hiện có 7.485 phòng học, số phòng học cơ bản đủ đáp ứng yêu cầu dạy và học, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học đạt 86,5%. Số phòng học bộ môn hiện có 542 phòng học đạt 59,6% so với nhu cầu, thư viện đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 97,9%; nhà vệ sinh hiện có hợp vệ sinh 1.695 nhà, đạt 87,4% nhu cầu.

Triển khai nhiều giải pháp đổi mới đồng bộ

Một trong những nhiệm vụ mà ngành Giáo dục Ninh Bình tập trung nguồn lực, trí tuệ của cả hệ thống quản lý, đội ngũ nhà giáo thực hiện là “đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”. Ở cấp tiểu học triển khai dạy học theo Mô hình Trường học mới - VNEN, phương pháp Bàn tay nặn bột, dạy học mĩ thuật theo phương pháp mới.

Ở bậc trung học, tập huấn cho giáo viên và thực hiện dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy học tích hợp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục địa phương; giáo dục STEM…; triển khai Mô hình Trường học mới VNEN đến các trường THCS. Tích cực tuyên truyền, tham mưu sớm với các cấp chính quyền về những đổi mới cũng như yêu cầu của CT, SGK GDPT mới từ đó có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, kinh phí, con người cho việc thực hiện chương trình.

Nhiệm vụ “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan” cũng được tỉnh triển khai hiệu quả, là điểm nhấn trong đổi mới giáo dục 5 năm qua của tỉnh.

Sau 5 năm, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình rất ít có tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, học sinh vi phạm pháp luật. Kết quả giáo dục có chuyển biến đáng kể, tỷ lệ học sinh giỏi tăng lên hàng năm. 5 năm trở lại đây, điểm tốt nghiệp trung bình của học sinh tỉnh Ninh Bình luôn đứng trong tốp 5 các tỉnh cao nhất cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ