Miễn học phí cho trẻ 5 tuổi và học sinh THCS: Hiện thực hóa chủ trương của Đảng

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT cho biết, việc mở rộng đối tượng không thu học phí tới trẻ em học mầm non 5 tuổi, học sinh THCS tại trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cho học sinh ngoài công lập dựa trên cơ sở luận cứ sau:

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Thứ nhất, căn cứ quy định của Công ước quốc tế và quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ em.

Tại công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 nêu rõ “trẻ em cần nhận được sự giáo dục cần thiết, được giúp đỡ để phát triển tốt về thể chất, trí tuệ và xã hội, trở thành người công dân có trách nhiệm và biết tôn trọng những quyền của người khác”.

Trẻ em là tương lai của đất nước, nhận thức rõ việc này nên tất cả các nước đều có những chính sách đặc biệt để tích cực tác động đến trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, chính sách không thu học phí, hay nói cách khác là các em không phải đóng học phí sẽ tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận với dịch vụ giáo dục, không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.

Thứ hai, căn cứ quan điểm của Đảng và Nhà nước

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, từng bước thực hiện phổ cập, giáo dục phổ thông và thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020, cụ thể:

Tại Điều 61, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; Từng bước phổ cập giáo dục trung học;

Còn theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định: Đối với giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.

Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Theo Khoản 2 Điều 102 Luật giáo dục quy định: Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục phải được phân bổ theo nguyên tắc công khai, tập trung dân chủ; căn cứ vào quy mô giáo dục, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; thể hiện được chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với giáo dục phổ cập, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, Khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã quy định: Phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016 đã quy định:

Về đổi mới chế độ học phí cấp phổ thông, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Trung ương và Quốc hội về miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh trung học cơ sở theo lộ trình đến năm 2020 (Đến nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9/6/2017 đã quy định thực hiện chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước ta là chính sách phải bình đẳng giữa công và tư, các chính sách miễn, giảm học phí quy định tại Nghị định 86 hiện nay đã thể hiện bình đẳng giữa học sinh học trường công lập và ngoài công lập, cụ thể học sinh gia đình nghèo, học sinh dân tộc … nếu đã thuộc diện miễn, giảm học phí thì ngân sách nhà nước hỗ hợ cấp bù học phí cho học sinh, không phân biệt học sinh đó học trường công lập hay ngoài công lập.

Như vậy, về chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đã khẳng định phải thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục THCS và thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Đồng thời Nhà nước phải có chính sách để thực hiện giáo dục phổ cập và giáo dục bắt buộc, để tạo điều kiện huy động được tất cả các học sinh trong độ tuổi đến trường.

Để thực hiện chính sách phổ cập và giáo dục bắt buộc thì Nhà nước phải có chính sách đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học, và phải không thu học phí (không phân biệt trường công và trường tư), vì hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp (tiệm cận chuẩn nghèo), nếu không miễn hoàn toàn học phí cho đối tượng này, thì rất khó huy động tất cả các trẻ em học sinh đến trường, và không thể hoàn thành mục tiêu thực hiện phổ cập và giáo dục bắt buộc. Vì vậy không thực hiện được đúng chủ trương Nghị quyết của Đảng, nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.