Đổi mới giáo dục chỉ thắng lợi khi cả hệ thống chính trị vào cuộc

GD&TĐ - Trong phát triển GD-ĐT nói chung, đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW nói riêng, nếu muốn thực hiện thắng lợi phải có sự lãnh đạo tập trung của tổ chức Đảng từ tỉnh, huyện đến cơ sở; sự chỉ đạo tập trung của UBND các địa phương và sự vào cuộc trên tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đây là bài học quan trọng của Đồng Tháp sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.  

Trong giờ học tại Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh
Trong giờ học tại Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh

5 năm và những bài học quý

Chia sẻ về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp - cho biết, hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục ở Sở, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục được kiện toàn, đảm bảo số lượng theo quy định hiện hành. Quy chế dân chủ, công khai minh bạch trong ngành thực hiện tốt. Các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc của ngành ở địa phương được từng bước giải quyết bằng các biện pháp khả thi, phù hợp. Chất lượng nguồn nhân lực ngành GD-ĐT và tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng so với năm 2013.

Công tác quản lý giáo dục có nhiều biện pháp đổi mới để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục tăng nhanh số cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài so với năm 2013. 

Các yếu tố cơ bản của ngành học mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH tại địa phương được đổi mới phù hợp với thực tế địa phương, có tác dụng thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được duy trì vững chắc. Nhiều đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn mức độ 2 và 3. Công tác phân luồng HS sau TN THCS được quan tâm thực hiện với lộ trình cụ thể từng bước giảm dần tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng dần qua từng năm và công tác xã hội hóa giáo dục thực hiện khá tốt đã có tác dụng hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục và các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của lĩnh vực giáo dục địa phương trong từng giai đoạn...

Nghị quyết 29 đã và đang đi vào cuộc sống tại các địa phương
 Nghị quyết 29 đã và đang đi vào cuộc sống tại các địa phương

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục phổ thông có chênh lệch giữa các địa bàn trong tỉnh. Giáo dục ĐH, CĐ giảm quy mô. Hiệu quả việc sắp xếp các cơ sở dạy nghề, giáo dục thường xuyên trong tỉnh chưa thật cao. Vẫn còn tình trạng bạo lực học đường xảy ra. Kết quả thực hiện xóa mù chữ mức độ 2 chưa cao.

Nguồn nhân lực chất lượng cao trực tiếp phục vụ cho các Đề án lớn của tỉnh còn hạn chế. Kết quả phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các trường THCS và THPT. Tuy ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục tăng từng năm nhưng tỷ lệ chi cho con người còn cao, chi cho hoạt động còn thấp, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

Chia sẻ bài học sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29, bên cạnh nhấn mạnh sự lãnh đạo tập trung của tổ chức Đảng từ tỉnh, huyện đến cơ sở, sự chỉ đạo tập trung của UBND các địa phương và sự vào cuộc trên tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, ông Trần Thanh Liêm cho rằng, ngành GD-ĐT phải tích cực và chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, HĐND, UBND trong ban hành các Chương trình hành động, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch có liên quan đến phát triển GD-ĐT nói chung, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nói riêng và triển khai thực hiện.

“Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành có liên quan, ngành GD-ĐT phải tích cực và chủ động trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn cụ thể. Trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của GD-ĐT trong từng giai đoạn, cần thực hiện tốt việc kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện. Kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp. Việc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện cần lồng ghép trong các báo cáo tổng kết năm học. Định kỳ 3 năm, 5 năm cần có báo cáo sơ kết chuyên đề để kiểm điểm tình hình thực hiện và định hướng việc tiếp tục thực hiện” - ông Trần Thanh Liêm chia sẻ.

Nhiệm vụ, giải pháp lớn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW trong thời gian tới, ông Trần Thanh Liêm cho rằng, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về đổi mới GD-ĐT. Đồng thời, thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản của GD-ĐT, giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Tiếp tục đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đổi mới chính sách, cơ chế tài chính nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa. Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và tích cực, chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục trên địa bàn tỉnh.

 Tiếp tục triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, CBQL theo tinh thần Nghị quyết số 18NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW phù hợp với thực tế ngành tại từng địa phương trong tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc thực hiện dân chủ trong các cơ sở giáo dục; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong ngành, gây bức xúc trong dư luận tại địa phương. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng quy hoạch dài hạn nguồn nhân lực địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và thực hiện các Đề án lớn của tỉnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp Trần Thanh Liêm

“Trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, chúng tôi sẽ chủ động tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án… có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện” - ông Trần Thanh Liêm cho hay.

Chia sẻ một trong những đề xuất, kiến nghị giúp ngành thực hiện tốt hơn Nghị quyết 29 trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp nhắc tới dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Nội vụ. Trong nội dung Nghị định dự kiến Sở GD&ĐT không phải là một trong các sở được tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Trần Thanh Liêm, tuy Nghị định chưa được chính thức ban hành, nhưng nếu dự thảo trên được thông qua sẽ phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở GD&ĐT. Do đó, kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; xem xét quy định Sở GD&ĐT là Sở được tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.