2 chính sách mới trong Luật Giáo dục (sửa đổi)

GD&TĐ - Báo cáo của Chính phủ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự án Luật này có 2 chính sách mới.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Thứ nhất, về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.

Báo cáo nêu rõ, Nghị quyết số 29-NQ/TW quy định: “Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020” và “Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.”

Hiến pháp 2013 (Điều 61) quy định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý”.

Tại kỳ họp thứ 5, ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNN) và nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để thể chế hoá quan điểm, nhằm đạt được các mục tiêu liên quan đến chính sách phổ cập giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW và cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về nội dung này.

Trên cơ sở đánh giá tác động về cả ngân sách đầu tư và hiệu quả đầu tư, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chính sách học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) luật hoá chủ trương trên, như sau: “Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở công lập được Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.

Trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn” (khoản 1 Điều 95).

Thứ hai, về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm

Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Đội ngũ giáo viên mầm non là nhân tố quyết định để thực hiện thành công mục tiêu giáo dục mầm non. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong đó xác định:

“Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1”; “…thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và quốc tế thì phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo đại học hoặc sau đại học (Thạc sĩ hoặc chứng chỉ sau đại học) đối với giáo viên mầm non, như: Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Anh (và phần lớn các nước Tây Âu khác), Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc.

Nhiều nước trong khu vực yêu cầu có trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non như: Singapore, Thái Lan, Hồng Kong, Đài Loan, Malaysia.

Hiện nay, tổng số giáo viên mầm non (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ trung cấp trở lên là 332.403 giáo viên (chiếm 98,5%). Nếu tính đạt trình độ từ cao đẳng trở lên thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 (chiếm 33,8%).

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non” (khoản 1 Điều 70).

Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển tiếp như sau (khoản 1 Điều 117): “1.Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 70 của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ