Nghệ thuật và sự tử tế trên 'Những bức chân dung từ lụa vụn'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Niềm cảm hứng mãnh liệt với mỗi nghệ sĩ khuyết tật chính là niềm tin vào con người và sự tử tế vốn đang rất khan hiếm trong xã hội hiện đại.

Những nghệ sĩ khuyết tật của Vụn Art mong muốn có thêm những đơn đặt hàng tranh chân dung để có kinh phí xây xưởng sản xuất.
Những nghệ sĩ khuyết tật của Vụn Art mong muốn có thêm những đơn đặt hàng tranh chân dung để có kinh phí xây xưởng sản xuất.

Tròn một tháng khởi động dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn”, những nghệ sĩ đặc biệt đứng sau các tác phẩm tranh lụa của Vụn Art sẽ có một không gian sáng tạo mới tràn đầy sự tử tế.

Nơi hội tụ những mảnh ghép

Ngày 16/4, dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” chính thức được phát động, nhằm kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để cải thiện điều kiện lao động cho các nghệ sĩ khuyết tật. Không kêu gọi đóng góp từ thiện, Vụn Art mong muốn huy động nguồn lực từ chính thành quả lao động của mỗi nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm chân dung ghép từ vải lụa.

Anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội), đồng thời là người sáng lập Vụn Art vui mừng khi dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” đang được cộng đồng ủng hộ, mong muốn cải thiện điều kiện làm việc trong một xưởng mới cho hơn 30 nghệ sĩ khuyết tật của “ngôi nhà chung” Vụn Art.

Cách đây 6 năm, vào năm 2018 anh Lê Việt Cường cùng họa sĩ Nguyễn Văn Trường, Lê Quốc Vinh sáng lập HTX Vụn Art với mục đích dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người yếu thế, trong đó có người khuyết tật.

Từ đó đến nay, Vụn Art trở thành xưởng sản xuất – không gian sáng tạo tranh ghép lụa vụn của hơn 30 người khuyết tật thuộc đủ dạng thức khác nhau, từ khuyết tật vận động đến khuyết tật trí tuệ, nhưng đều giống nhau ở đặc điểm là những con người yêu lao động.

Tranh chân dung khách hàng đặt sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, từ cuối tháng 6/2024.

Tranh chân dung khách hàng đặt sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, từ cuối tháng 6/2024.

Vụn Art tận dụng vải vụn để làm việc có ích, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí tài nguyên. Họ thu nhặt những mảnh vải vụn bị bỏ đi trong quá trình may vá tại làng nghề lụa Vạn Phúc để làm thành những sản phẩm tranh ghép vải.

Những mảnh vải vụn vốn tưởng chỉ đợi gom bỏ, nay lại được tái sinh dưới hình hài mới đầy sống động, giàu tính dân gian nhưng vương vấn hơi thở của cuộc sống đương đại.

Mỗi người khuyết tật ở Vụn Art là một mảnh ghép và anh Lê Việt Cường được ví như chất keo gắn kết những mảnh ghép ấy. Những người khuyết tật quy tụ lại với nhau không chỉ đơn thuần vì có một công việc kiếm sống nuôi bản thân, mà tất cả được khơi dậy tinh thần đam mê sáng tạo, biến nghệ thuật thành niềm vui lẽ sống.

“Tôi có thể kể cho bạn nghe rất nhiều câu chuyện từ sự nỗ lực vượt lên mọi mặc cảm tự ti, khắc phục những yếu ớt về thể chất và tinh thần, để trở thành những người lao động nghệ thuật tự tin và hạnh phúc.

Tôi có thể kể rất nhiều câu chuyện về những tác phẩm tuyệt vời ghép tỉ mỉ từ từng mảnh vải lụa bé xíu, nhưng tinh tế và đẹp đẽ, là những bức tranh đã hiện diện trong nhiều phòng khách sang trọng, là những tấm áo thun khoác trên mình những người nổi tiếng, là những chiếc túi chị em hãnh diện khoác dạo phố, hoặc là những mẩu tranh kỷ niệm trong hành trang của khách du lịch”, anh Lê Việt Cường cho biết.

Thế nhưng trong điều kiện sống và sáng tạo còn nhiều thiếu thốn, những nghệ sĩ của Vụn Art đang phải làm việc trong những căn phòng chật chội, tản mát, thiếu tiện nghi và chưa phù hợp với thể trạng của những người khuyết tật. Họ cũng chưa có đủ không gian để trải nghiệm, trưng bày sản phẩm cũng như không có điều kiện để có nhiều hơn nữa người khuyết tật có công ăn việc làm.

Đồng hành với người khuyết tật

Dự án nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ việc làm tranh, và dành nguồn kinh phí ấy để mua vật liệu như gạch, xi măng, gỗ... để dựng cho Vụn Art một nhà xưởng mới, mua bàn, mua ghế để thêm người khuyết tật có chỗ làm việc, mua thêm trang thiết bị hỗ trợ giúp người thợ bớt những nhọc nhằn.

Theo người sáng lập Vụn Art, những bức chân dung mà cộng đồng đặt hàng, nếu có sự đồng ý sẽ được trưng bày trong một triển lãm độc đáo nhất từ trước đến nay tại Bảo tàng Hà Nội, từ cuối tháng 6/2024 tới đây. Những bức tranh chân dung của khách hàng sẽ được trưng bày cùng với tranh về 20 danh nhân Hà Nội, trước khi được trả về cho chính chủ.

Mỗi bức chân dung được đặt hàng sẽ góp phần đặt thêm những viên gạch đầu tiên cho nhà xưởng mới, nơi những nghệ sĩ đặc biệt có thể thăng hoa hơn nữa với việc sáng tạo. Cũng tại “ngôi nhà tương lai” này, Vụn Art có kế hoạch mở một quán trà, cà phê ấm cúng phục vụ khách tham quan, du lịch, trải nghiệm… với mong muốn tạo sinh kế bền vững cho những người khuyết tật khác.

Được khởi động từ ngày 16/4, đến nay dự án đã tròn một tháng và nhận được sự quan tâm của cộng đồng cũng như giới nghệ sĩ, như: MC Thùy Linh, gia đình YouTube bố con Sâu, nhạc sĩ Huy Tuấn, đạo diễn Việt Tú, ca sĩ Tùng Dương, nhà văn Hoàng Anh Tú, nhà báo Lê Quốc Minh, Phan Đăng...

Ủng hộ dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn”, nhà báo Phan Đăng nói rằng: “Một bức chân dung được bạn tạo ra là thêm một nguồn lực đóng góp vào đời sống của người khuyết tật - những người đã vượt lên chính mình để trở thành những con người có ích trong xã hội. Tôi ủng hộ và tôi biết ơn!”.

Từ những mảnh lụa vụn, các nghệ sĩ của Vụn Art ghép thành những bức chân dung tuyệt đẹp.

Từ những mảnh lụa vụn, các nghệ sĩ của Vụn Art ghép thành những bức chân dung tuyệt đẹp.

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ rằng: “Tôi đặt hàng không phải chỉ để giúp đỡ các bạn ấy có thêm thu nhập xây lại xưởng, mà là để lan tỏa một điều khác. Về ý nghĩa của những bức chân dung được ghép bằng vụn lụa.

Nếu bạn biết, những vụn lụa vẫn là những tấm lụa giá trị dù nó chỉ là những miếng vụn. Giống như những người bạn này, dù khuyết tật, họ vẫn cứ là những con người chính trực - không ngửa tay xin tiền, không cần ai từ thiện. Họ đang lao động mỗi ngày và xứng đáng để nhận được thành quả từ sức lao động”.

Nhận được đơn đặt hàng từ cộng đồng, anh Lê Việt Cường cũng như hơn 30 thành viên của Vụn Art thêm những tất bật và cả sự phấn khởi, vì biết rằng “ngôi nhà mới” đang dần thành hình. Nhưng có lẽ điều vui mừng nhất, cũng là niềm cảm hứng mãnh liệt với mỗi nghệ sĩ khuyết tật chính là niềm tin vào con người và sự tử tế vốn đang rất khan hiếm trong xã hội hiện đại.

“Vụn Art khởi động dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” để nghệ thuật và sự tử tế đồng hành trên một con đường. Vụn Art không kêu gọi đóng góp từ thiện, mà muốn dùng sức lao động và sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật để tạo ra những bức tranh chân dung thông qua việc đặt hàng của cộng đồng”. Anh Lê Việt Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ