Những người khuyết tật dang tay giúp đời

GD&TĐ - Là người khuyết tật, nhưng họ vẫn nỗ lực vươn lên để tự trang trải và sẵn sàng giúp đỡ cho những mảnh đời kém may mắn khác.

Anh Nguyễn Hữu Hậu (người ngồi xe lăn) được tuyên dương vì nhiều hoạt động cộng đồng và đóng góp cho xã hội.
Anh Nguyễn Hữu Hậu (người ngồi xe lăn) được tuyên dương vì nhiều hoạt động cộng đồng và đóng góp cho xã hội.

Có người mất một cánh tay, người phải ngồi xe lăn… thế nhưng, họ không chỉ tự nuôi sống bản thân, mà còn sẵn sàng dang tay giúp đỡ cho nhiều mảnh đời kém may mắn khác trong xã hội.

9X khởi nghiệp từ con số 0

Anh Nguyễn Văn Cần, sinh ra và lớn lên tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Anh bị mất một cánh tay do tai nạn lao động lúc 19 tuổi. Anh kể lại: “Khi bị tai nạn, tôi được mọi người đưa đến viện cấp cứu. Lúc tỉnh dậy thấy một bên tay phải không còn nữa, tôi đã rất sốc khi đang là một thanh niên khỏe mạnh bỗng trở thành người tàn phế”.

Xuất viện trở về nhà, anh không biết phải làm gì, lúc nào cũng mặc cảm tự ti, ngại tiếp xúc và hay cáu giận. Gần hai năm sau, anh suy nghĩ lại và tự nhủ không thể ngồi không như vậy mãi được.

Anh quyết tâm đi xin việc làm nhưng nhiều công ty không nhận vì anh mất một bên cánh tay rất khó để bố trí công việc phù hợp. Hụt hẫng, buồn bã anh trở về nhà nhưng điều đó không làm nhụt ý chí của chàng thanh niên 9X.

Xin việc không được, anh quyết tâm tự khởi nghiệp. Nghĩ là làm, ban đầu anh xin bố mẹ mua cho một đôi lợn và vài con gà để nuôi. Sau một năm, việc chăn nuôi thuận lợi, đôi lợn của anh đã sinh được một đàn con và số lượng gà cũng tăng lên đáng kể. Anh quyết định mở rộng quy mô, nhờ gia đình thế chấp vay vốn ngân hàng. Trang trại của anh, đang nuôi 100 lợn thịt, 8 lợn đẻ gây giống và 200 con gà đẻ trứng.

Khi thu hoạch có tiền, anh đã trả nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình chăn nuôi. Lần này, anh được Hội Người khuyết tật thị xã Duy Tiên giới thiệu và vay được 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho người khuyết tật với lãi suất thấp.

Mở rộng trang trại, anh cần thêm người phụ giúp, hỗ trợ chăn nuôi. Anh đã tạo việc làm cho 3 người khuyết tật có thêm thu nhập. Với anh Cần, đây cũng là cách giúp các bạn trẻ học tập kinh nghiệm chăn nuôi để có thể tự làm chủ trang trại.

Ngoài thời gian dành cho việc chăn nuôi, những lúc rảnh anh Cần thường tham gia sinh hoạt với Hội Người khuyết tật và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Duy Tiên để trao đổi về việc cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật cho hội viên.

Anh luôn vận động người khuyết tật tham gia vào Hội để nắm bắt về các chế độ, chính sách và giao lưu, học hỏi, tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp. Anh Cần được đánh giá là năng nổ, luôn cùng Ban Chủ nhiệm CLB tham gia vận động, xin tài trợ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Cần chia sẻ: “Tôi vừa làm kinh tế vừa tham gia công tác xã hội với CLB Thanh niên Khuyết tật và Hội Người khuyết tật địa phương. Đó là ngôi nhà chung để chúng tôi tự tin và hiểu nhau hơn”.

Anh Hồ Đình Tài (người ngồi xe lăn) tham gia với nhiều vai trò trong các hiệp hội lĩnh vực quảng cáo.

Anh Hồ Đình Tài (người ngồi xe lăn) tham gia với nhiều vai trò trong các hiệp hội lĩnh vực quảng cáo.

Vượt qua khó khăn sẽ đến bến bờ hạnh phúc

Với anh Hồ Đình Tài, sinh năm 1987, ở xã Minh Tân (Gia Lộc, Hải Dương), khó khăn trong cuộc sống là những thử thách, vượt qua được sẽ đến với hạnh phúc. Sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, lên 2 tuổi, anh Tài được đi tiêm phòng bệnh. Tiêm xong, anh bị co giật và ốm khiến 2 chân yếu phải ngồi xe lăn đến tận bây giờ.

Năm 6 tuổi, nhìn thấy các bạn được đi học, đến trường, anh rất buồn vì nghĩ dù đi học thì nay mai cũng chẳng làm gì được. Sau đó, anh nhận thức rằng, cần học chữ để viết thư cho bạn. Anh mạnh dạn nhờ mẹ và em gái dạy đánh vần và viết chữ. Năm 16 tuổi, anh Tài được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương dạy nghề miễn phí. Sau đó, anh mở một cửa hiệu sửa chữa kính khóa.

Nhờ sự chăm chỉ, cần cù và ý thức vượt khó, anh đã tích góp được chút vốn và được giới thiệu thêm nghề khắc bia đá. Thời gian ngắn, anh đã có 5 cửa hàng chuyên về sửa chữa kính khóa, sửa đồng hồ, xưởng khắc bia đá…

Được nhiều người yêu mến và tín nhiệm bởi tinh thần trách nhiệm và ý thức vươn lên, bạn bè đã giới thiệu để anh học thêm kiến thức về làm mảng quảng cáo. Năm 18 tuổi, anh Tài mở thêm xưởng làm biển, cắt chữ quảng cáo.

Anh kể: “Thời điểm đó, công nghệ còn không hiện đại như bây giờ, cắt chữ còn sử dụng bằng tay nên rất vất vả. Đến năm 2014, tôi có người em kết nghĩa muốn kết hợp 2 anh em cùng làm quảng cáo.

Trung tâm quảng cáo chuyên nghiệp với đầy đủ trang thiết bị máy móc, công nhân đã ra đời. Từ đó đến nay, trung tâm đi vào hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho trên dưới 10 lao động, mức lương từ 7 – 12 triệu đồng/người/ tháng”.

Chia sẻ về cơ duyên với người vợ quen nhau qua mạng xã hội, anh Tài cho biết, anh chị phải trải qua rất nhiều khó khăn để đến được với nhau. Hơn một năm yêu nhau không biết bao nhiêu sóng gió và khó khăn, cuối cùng anh chị đã xây dựng tổ ấm.

Rồi cũng mất bao nhiêu thời gian và công sức, anh chị mới được đón chào cô con gái đầu lòng. Với anh Tài, điều đó khiến anh trân trọng và yêu quý mái nhà riêng đong đầy tiếng cười của mình.

Ngoài quản lý các cửa hàng, kinh doanh, anh Tài còn tham gia các hoạt động công tác xã hội. Anh tham gia nhiều hội nhóm và được tin tưởng giao cho những chức vụ khác nhau như: Hội trưởng Hội Quảng cáo huyện Gia Lộc; Thư ký Chi hội Quảng cáo tỉnh Hải Dương, thành viên Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. Các hội hoạt động tốt và giúp đỡ được nhiều hội viên khó khăn.

Anh Tài cũng thường xuyên cùng các tổ chức hội đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đồng bào lũ lụt trên khắp cả nước. Trong đó, có việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Gia Lộc.

Chàng trai khuyết tật có trái tim nhân hậu

Anh Nguyễn Văn Cần (bên phải) tặng quà cho thanh niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Cần (bên phải) tặng quà cho thanh niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

“Khát khao, kiên trì, mong muốn vượt lên chính mình, học theo lời dạy của Bác “tàn nhưng không phế” chính là động lực to lớn giúp tôi có được như ngày hôm nay. Tôi không chỉ tự giúp bản thân vươn lên trong cuộc sống, mà còn giúp ích cho gia đình, xã hội…”, đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Hậu, chàng trai khuyết tật, nhân hậu và giàu nghị lực.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Thủy Triều (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), lúc mới sinh, cơ thể và sức khỏe của Nguyễn Hữu Hậu đã có những dấu hiệu không bình thường. Năm học lớp 8, số phận lại một lần nữa nghiệt ngã với anh, cơ thể bị kéo gò, chân tay teo dần, co quắp, không thể đi lại được, chỉ lê với bò. Mọi sinh hoạt của anh đều nhờ bố mẹ, anh em giúp đỡ, bế cõng…

Với anh Hậu thời điểm đó, cuộc sống như khép lại, những cơn đau thắt về thể xác có lẽ cũng không lớn bằng những đau đớn, mặc cảm, tự ti về tinh thần. Thế rồi, vượt lên trên những mặc cảm, chính anh đã tự tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời mình.

Năm 2000, cơ duyên đã đưa anh đến với nghề thợ mộc. Với một người bình thường, học nghề mộc đã khó, thì với một người khuyết tật như anh lại càng khó gấp nhiều lần.

Bằng sự kiên trì, nỗ lực của bản thân, sau nhiều năm miệt mài cố gắng, theo nhiều xưởng đi làm thuê, anh không chỉ thành thạo với nghề mà tìm thấy một hướng đi cho riêng mình và những người khuyết tật như anh.

Năm 2009, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, anh đã mở cho mình một xưởng gỗ mang tên “Đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Hậu” và đón những học viên khuyết tật đầu tiên theo học tại đây.

Nghị lực và sự đam mê với nghề đã không chỉ giúp anh chăm lo bản thân, gia đình, mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, trong đó có nhiều người kém may mắn. Hiện nay, xưởng gỗ mỹ nghệ của anh không chỉ hoạt động thủ công, mà còn có sự đầu tư chất xám và công nghệ với hai dàn máy công nghệ cao điêu khắc tự động…

Xuất phát từ mong muốn giúp những người đồng cảnh ngộ vượt qua mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội, năm 2015, CLB Khát vọng cuộc sống do anh Nguyễn Hữu Hậu thành lập và làm chủ nhiệm đi vào hoạt động. Đến nay đã có hơn 300 thành viên không chỉ tại Hải Phòng, mà còn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Mỗi năm, hàng chục chương trình thiện nguyện đã được CLB tổ chức. Tiêu biểu như chương trình “Trái tim đồng cảm”; các chương trình giao lưu văn nghệ, tặng quà, xe lăn, nạng nách, tiền mặt… cho hơn 300 người khuyết tật; các chương trình thiện nguyện cho người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Tây Bắc, Đông Bắc, vùng sâu, vùng xa như Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai....; cứu trợ thiên tai lũ lụt ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, cùng rất nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa khác.

Hiện tại, anh Nguyễn Hữu Hậu còn đảm nhiệm vai trò là Ủy viên Hội LHTN Việt Nam huyện Thủy Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khuyết tật huyện Thủy Nguyên. Các hoạt động thanh niên tình nguyện với sự dẫn dắt của anh đều mang lại sức lan tỏa lớn.

Đặc biệt, qua các hoạt động tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm, anh đã kết nối, giới thiệu cho trên 100 người khuyết tật vào làm tại Khu Công nghiệp Vsip Hải Phòng, giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Với những cống hiến và sự kiên trì, nghị lực bền bỉ của bản thân, anh Nguyễn Hữu Hậu đã nhiều lần vinh dự nhận Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành.

Anh Hậu có bốn lần nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP Hải Phòng. Năm 2020, gia đình anh Nguyễn Hữu Hậu là một trong 22 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc, được tuyên dương tại Phủ Chủ tịch.

Trong suy nghĩ của anh Nguyễn Hữu Hậu, khát khao lớn nhất là có thể giúp đỡ được nhiều người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn. Trong gia đình, anh là tấm gương sáng cho các con anh học tập, còn trong xã hội, anh là động lực, niềm tin cho hàng trăm, hàng nghìn người khuyết tật đang muốn tự vươn lên trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.