Nghệ thuật nảy sinh từ những tấm ván trượt

GD&TĐ - Sau thời gian đóng băng bởi đại dịch Covid-19, triển lãm “Spraying Board Vietnam” với 40 tác phẩm được sáng tạo từ tấm ván trượt - được thực hiện bởi 6 nghệ sĩ Pháp và 4 nghệ sĩ Việt Nam.

“Spraying Board Vietnam” là thành quả hợp tác giữa Viện Pháp tại Việt Nam và Hội Superposition tại Lyon (Pháp). Đây là lần đầu một triển lãm thể hiện sự giao thoa giữa trượt ván và nghệ thuật đường phố được tổ chức ở châu Á. Người xem có dịp cảm nhận rõ nguồn năng lượng mạnh mẽ được lan tỏa từ sự kết hợp giữa 2 bộ môn này.

Tranh vẽ trên ván trượt

40 tấm ván trượt đã được 4 nghệ sĩ Việt Nam và 6 nghệ sĩ Pháp biến hóa thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Họ sử dụng những tấm ván trượt mới tinh được phủ nền trắng, có bề mặt cong, chất liệu ít thông dụng, hẹp và dài... để sáng tác, tạo ra những tác phẩm mới lạ và độc đáo.

Triển lãm sẽ khai mạc vào tối 4/3, tại Q.1 - TPHCM xoay quanh trượt ván và nghệ thuật đường phố. Sự kết hợp giữa nghệ thuật trượt ván và hội họa là một bất ngờ chưa từng có của nghệ thuật Việt Nam. Nghệ thuật nảy sinh từ những tấm ván trượt là món quà dành tặng cho các bạn trẻ, đặc biệt là giới học sinh – sinh viên có đam mê với hai bộ môn trượt ván và mỹ thuật.

Theo Ban tổ chức, triển lãm có sự góp mặt của nghệ sĩ Bouda – họa sĩ người Pháp gốc Việt (sinh năm 1994) chuyên vẽ tranh tường và tranh minh họa tại Paris.

Đam mê nghệ thuật thị giác và truyện tranh ngay từ khi còn nhỏ, cô đã hình thành một phong cách phóng khoáng và trực diện, cùng với những đường viền đen sắc nét. Tranh Bouda đặc biệt được lấy cảm hứng từ nguồn năng lượng dồi dào của những thành phố lớn và những con người ở đó.

Sau một thời gian sáng tác chỉ với hai màu đen và trắng, màu sắc ngày càng chiếm một vị trí quan trọng hơn trong tác phẩm của cô. Nếu đề tài đô thị là dấu ấn trong tranh của Bouda, thì những nhân vật với các nét vẽ tròn trịa và những khuôn mặt đặc trưng cũng là một phần đặc trưng trong các tác phẩm cô vẽ.

Bouda lấy cảm hứng sáng tác từ cuộc sống hàng ngày, từ văn hóa của những quốc gia mà cô đã đặt chân đến, cũng như từ những cuộc gặp gỡ đầy khó khăn thời Covid-19.

Nghệ sĩ nổi tiếng thứ hai là Bambi Bakbi lưu trú sáng tác tại phòng tranh Superposition, Lyon (Pháp). Anh từng là một vũ công b-boy, vì vậy văn hóa hip-hop chiếm một vị trí quan trọng trong các sáng tác sau này.

Vào năm 2009, anh bắt đầu say mê hội họa, đặc biệt là nghệ thuật graffiti. Ngày qua ngày, anh liên tiếp sáng tác những bức tranh tường, tranh trên canvas và hoàn thiện kỹ thuật, hình thành phong cách sáng tác đặc trưng.

Thế giới của Bambi Bakbi là sự pha trộn giữa những trải nghiệm vô cùng phong phú, được bồi đắp không ngừng. Năm 2020, anh thực hiện một triển lãm cá nhân tại Lyon - về thế giới trù phú của cây cỏ và sinh vật miền nhiệt đới.

Các nghệ sĩ lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống qua nghệ thuật graffiti.

Các nghệ sĩ lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống qua nghệ thuật graffiti.

Graffiti tôn vinh văn hóa Việt

Viện Pháp là cơ quan văn hóa, giáo dục và hợp tác trực thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Trong những năm qua, Viện Pháp đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước. 

Một gương mặt khá thân quen với giới mỹ thuật graffiti TPHCM là Don Mateo. Sau khi học nghệ thuật ở Pháp và Tây Ban Nha, anh đến sinh sống ở Lyon và tạo ra sân chơi mới.

Anh gây tiếng vang lớn khi thực hiện bức vẽ chân dung lên các bức tường. Đó là những nhân vật gợi nên cảm xúc và tạo cảm hứng cho công chúng. Nét vẽ của Don Mateo thể hiện nhiều rung động, làm bất ngờ và tạo nên một thứ ánh sáng mới lạ. Những bức chân dung nằm giữa ranh giới của hội họa và điêu khắc, giúp anh tạo ra và chia sẻ góc nhìn mới về đô thị.

Còn nghệ sĩ Le Monstr gốc Canada chuyên vẽ minh họa. Nghệ sĩ này luôn tìm cách thể hiện sự ngưng đọng của thời gian. Thông qua các hình ảnh được thể hiện trong các tác phẩm, anh để cho chủ thể tách ra khỏi nhịp sống đô thị hằng ngày.

Song hành với các nghệ sĩ Pháp còn có Babs, Dodo Ose và Amm Banhmi. Họ rất quan tâm đến truyện tranh và graffiti. Amm Banhmi là một nghệ sĩ độc lập sống và làm việc tại TPHCM.

Amm Banhmi thường lấy cảm hứng từ truyện tranh, hoạt hình và cả truyện tranh Nhật Bản. Hiện tại, cô đang thử nghiệm các chất liệu vẽ theo hướng hữu cơ như phấn dầu, sơn acrylic và tập trung sáng tác về các nhân vật nữ.

Nghệ sĩ Việt - Đinh Nhật Khang hiện đang thực hành nghệ thuật thị giác và là họa sĩ minh họa. Anh đến với graffiti vào năm 2017, và luôn coi việc sáng tác là một phần quan trọng trong cuộc sống và hoạt động nghệ thuật.

Các sáng tác của Khang thể hiện cuộc sống sôi động, xuất phát từ những trải nghiệm thực tế. Lấy cảm hứng sáng tác từ đời sống văn hóa và tinh thần phương Đông, Nhật Khang tự do thể hiện trên nhiều chất liệu đa dạng như tranh tường, đất sét, kỹ thuật số, âm nhạc… Đối với anh, thực hành nghệ thuật giống như một vở kịch cho phép tự thấu hiểu chính mình.

Nguyễn Tấn Lực là nghệ sĩ đồng sáng lập của nhóm “Graffiti Wallovers” và mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2020. Anh được biết đến trong cộng đồng graffiti Việt Nam qua những tác phẩm thể hiện những ý tưởng độc đáo, màu sắc tương phản mạnh.

Tấn Lực cho rằng, graffiti là nơi ẩn náu yên bình giữa bộn bề cuộc sống, trái ngược với bản chất nghệ thuật đường phố được cho là hoang dã. Bên cạnh việc suy ngẫm thực tế về cuộc sống và tôn vinh văn hóa truyền thống Việt Nam, anh luôn lồng ghép những thông điệp tích cực vào các tác phẩm của mình.

Năm 2021, Tấn Lực giành giải Nhì trong cuộc thi “Vietnam Urban Arts – JAM”, do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Nhờ đó, anh có cơ hội thực hiện một bức tranh tường khổ lớn ở phường Đa Kao (Thành phố Hồ Chí Minh).

Còn Lưu Đoàn Duy Linh biết đến graffiti lần đầu vào năm 2013. Nghệ thuật này nhanh chóng thành niềm đam mê lớn đối với anh, mặc dù lúc đó anh đang theo học ngành Công nghệ sinh học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ