Nghệ sĩ Trần Bảng sinh năm 1926, quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khoá I (1957).
Ông được nhận học hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (1993); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (2017).
Ông là tác giả của hơn 10 vở chèo, là đạo diễn thành công nhất của sân khấu chèo với trên 30 vở diễn, trong đó nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới.
Với tư cách nhà lý luận, ông đã công bố 4 cuốn sách, 2 công trình tổng kết học thuật công phu mà ngày nay được sử dụng làm giáo trình chính thức tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Những ngày đầu kháng chiến
Sau Cách mạng tháng 8, Trần Bảng tham gia kháng chiến chống Pháp trong đoàn văn công Tiền Phương, thuộc Tổng cục Hậu cần của Cục Mặt trận Điện Biên Phủ.
Chàng trai Trần Bảng khi ấy đắm mình trong sự sôi nổi của những ngày đầu kháng chiến. Ông hồi tưởng: “Dạo ấy tôi mới hai mấy tuổi thôi. Tôi nhớ là cứ đi suốt, một đêm diễn mấy nơi, lúc thì phục vụ đoàn xe thồ, lúc lại sang cánh lái xe.
Tôi đi rừng khoảng được 1 năm thì sốt rét, yếu lắm, mà cứ phải vác cái đai gạo 50 - 60 cân; Ngủ toàn ở các rãnh suối hoặc trong các kho gạo. Tôi nhớ mãi những đêm ngủ ở con suối cạn Cò Nòi, đúng vào dịp Tết, lòng suối sâu xuống nên gió lạnh hun hút. Còn nếu được nằm trên các bao gạo trong kho thì ấm lắm”.
Nhắc đến những ngày kháng chiến, đôi mắt bạc màu của nghệ sĩ già như sáng lên. “Tuyên huấn Trung ương cử các nghệ sĩ chuyên nghiệp gồm tôi, Mai Khanh, Thái Vy, là 3 cán bộ chính vừa đào tạo, vừa tham gia dàn dựng, biểu diễn.
Tôi là trưởng đoàn văn công, Thái Vy thì phụ trách múa, nhạc, Mai Khanh vừa sáng tác, vừa hát, hát chèo cũng được, hát nhạc mới cũng được. Còn tôi về sân khấu, kịch, dân ca... Thành ra đoàn có thể diễn được rất nhiều thể loại”.
“Chúng tôi diễn mỗi tối, đầy đủ các thể loại như kịch, hát, múa,... Chúng tôi còn dựng cả sân khấu không chuyên, dạy các đoàn văn công, tổ chức liên hoan văn nghệ với các đội dân công. Kịch thì tự viết ra mà diễn, diễn các hoạt cảnh.
Múa thì Thái Vy giỏi lắm. Cô ấy sáng tác làn điệu múa Việt Trung Xô nhân tháng Việt Trung Xô. Mấy cô thanh niên xung phong trong đoàn còn răng đen, nên phải lấy giấy bạc bọc lại để hóa trang thành ra người Liên Xô, Trung Quốc để múa, hát”.
“Phục vụ các đoàn dân công gánh gạo là vui nhất, vì rất đông khán giả, còn phục vụ cánh lái xe thì toàn diễn đêm. Mình là trưởng đoàn nên toàn được ngồi cabin với lái xe. Có lần đi xe mà cứ thế “chúng nó” hát, xong đâm sầm vào thành taluy.
Thế mà người hát cứ hát, người ngủ vẫn cứ ngủ. Đường thì một bên là vực sâu, một bên là núi cao, rất nguy hiểm. Những tuyến đường chuyển gạo bị bom nhiều, mà đáng sợ nhất là bom bi. Thế mà sao vẫn vui thế. Dân công toàn thanh niên các nơi, Thanh Hóa, Thái Bình... tập trung vào tuyến đó đông nghìn nghịt. Nhớ lại vui lắm.
Tôi nhớ mãi những đêm diễn, ngồi trên xe chở gạo, hay cùng vác gạo xuống bến đò trên đường 6. Nhiều đêm tối đen, mà mình thì yếu. Đêm, mưa bùn, rừng sâu. Thế mà cứ vui mà chiến đấu thôi”.
Nghe lời Bác, đi “làm chèo”
“Trước Cách mạng, chèo gần như bị xóa sổ. Nạn đói năm 45, các đội chèo ở các làng xã tan hết. Có làng mất cả làng, chỉ thấy cỏ mọc. Người chết như rạ ý.
Hà Nội cũng khổ lắm, không thể tưởng tượng được. Hàng ngày cứ những chiếc xe bò chất xác người kéo đi hàng đống.
Tôi vẫn nhớ cảnh người chết chả ai chôn, nắng cháy xém. Chết đói thì làm gì còn thịt, chỉ còn xương với da, chó kéo xềnh xệch”, nghệ sĩ Trần Bảng hồi tưởng.
“Nhờ công Đảng có đường lối phục hồi chèo, với các cụ nghệ nhân còn lại, chứ không thì chèo đã mất rồi.
Tôi may mắn là người đầu đàn, làm vở chèo đầu tiên thắng lợi, được Bác Hồ khen. Bác Hồ thích là vì bản thân chèo đã rất hay, mà hồi đấy nào có ai làm chèo, được thằng thanh niên có học thức là tôi làm ra cái vở mà người ta thích. Đàn anh của tôi khi ấy là ông Hoàng Thanh, Thế Lữ. Ông Hoàng Thanh làm tuyên huấn, khuyên tôi: Chèo là cái vốn dân tộc, quý lắm. Cậu vào đi, nó sẽ cho cậu sự nghiệp”.
Thế là nghệ sĩ Trần Bảng tìm kiếm và tập hợp được một nhóm nghệ nhân cao tuổi làm nòng cốt. Có cụ bà sống bằng nghề chèo cổ đã thề không hát nữa vì khổ quá. Để ghi lại tiếng hát của bà thật lắm công phu.
Chiếc máy nổ to kềnh càng, phải khênh bằng đòn gánh trên con đường lở loét vì bị phá hoại đến nơi cụ nghệ nhân tản cư ở Bắc Giang. Chiếc máy được đặt rất xa rồi mắc dây tới chỗ hát, để tránh tiếng máy lẫn vào. Cảm động về sự trân trọng tiếng hát chèo, cụ bằng lòng giải lời nguyền, tham gia nhóm chèo của Trần Bảng.
“Xem các cụ diễn lại những gì các cụ còn nhớ, tôi mới thấy nó hay thật. Mình mê. Sao mà không mê được, có mê tôi mới làm chèo cả đời được chứ”, ông nói.
Năm 1957, ông và một số nghệ sĩ, nghệ nhân chèo thành lập Ban Nghiên cứu chèo để khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của các nghệ nhân. Từ đó, Trần Bảng đã gây dựng lại sân khấu chèo. 30 năm sau, khi ông đưa chèo đến tham dự một liên hoan quốc tế về ca kịch ở Đức năm 84, chèo được hoan nghênh nhiệt liệt.
“Về sau tôi được giải thưởng Hồ Chí Minh. Lý do đăng ký của tôi là do giải thưởng ấy mang tên Bác, mà Bác là nguyên nhân thúc đẩy tôi làm chèo. Xem chèo hôm trước, trưa hôm sau bác gọi tôi ăn cơm. Bữa cơm có 4 người thôi, tôi, bà Nguyễn Thị Chiên và một bác sĩ vừa ở Pháp về.
Bác khuyên tôi: “Cháu trẻ thế mà đã biết yêu nghệ thuật truyền thống rồi. Cố gắng học hỏi các nghệ nhân để giữ lấy chèo”. Thế nên tôi mới đăng ký giải thưởng để báo cáo với Bác. Bây giờ vẫn thấy mình với Bác gắn bó như có cái duyên vậy”.
Nâng tầm câu hát
“Nhà tôi có gene nghệ thuật. Bố tôi là nhà văn Trần Kiêu, chuyên viết về nông thôn. Anh của bố tôi là Khái Hưng, chủ chốt của Tự lực văn đoàn, viết truyện Hồn bướm mơ tiên. Hồi trẻ thì tôi theo hướng viết, nhưng khi kháng chiến, khi tôi tầm 20 tuổi, thì chỉ có viết kịch thì mới có tác dụng tuyên truyền mạnh nhất.
Tôi đã viết tầm 10 vở chèo, được giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh cũng là nhờ viết. Tôi vừa nghiên cứu, vừa làm đạo diễn sân khấu, vừa dựng chèo. Đó cũng là nhờ cái vốn văn hóa vững, lại được rèn luyện, mà nhiều nhất là ở Điện Biên”, ông kể.
Nghệ sĩ Trần Bảng quan niệm, phục hồi chèo cổ nhưng phải nâng cao lên, biến từ dân gian thành chuyên nghiệp, tiếp thu cái cũ, nhưng phải mang cái mới của hiện đại, chứ không đơn giản là bắt chước lại nguyên si cái cũ.
Ông nói: “Ngày xưa Thị Mầu làm gì mà mặc đẹp thế, cũng không có nữ đóng vai Thị Màu. Diễn viên là nam giới hết. Quần áo cũng làm gì có tơ tằm, áo tứ thân... cùng lắm là chụp cái khăn vuông để che nét mặt nam giới, rồi cài bông hoa nhài... Thế mà các cụ ngày xưa tài thật, diễn thế mà trai làng cứ theo để xem cái ông đóng vai Thị Màu.
Tôi chọn vai Thị Màu do Bạch Tuyết đóng được một nghệ nhân nam giỏi nhất dạy, phục trang thì mấy họa sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương: Sỹ Ngọc, Quang Phong... tập trung nghiên cứu mới có như bây giờ. Chúng tôi cũng chọn những mẫu hay nhất để chuyển dạy cho diễn viên mới”.
Cũng với tư duy đổi mới, năm 1985, ông đã mang vai diễn Hề mồi lửa của chèo dân tham dự Liên hoan Sân khấu ca kịch quốc tế. Ông cười sảng khoái: “Cái anh Hề mồi ấy thế mà mang đến với sân khấu với 400 ngọn đèn, tiếng hát nó được nâng lên bao nhiêu lần, ngang ngửa với Opera của Pháp, Ý, đấy!”.
Cùng vở Quan Âm Thị Kính, ông dựng 3 lần, mỗi lần lại được thay đổi, nâng cao. Lần đầu tiên năm 1957 thì lấy chủ đề là đấu tranh giai cấp, lần thứ hai thì nâng cao nhân vật Thị Kính, nhấn vào hình ảnh một phụ nữ oan ức khổ sở, dầm dề nước mắt.
Nhưng tâm huyết nhất là lần thứ ba, khi ông đưa vở diễn ra thế giới. Vở chèo được đưa lại không gian sân đình, với cái đỉnh, đôi ngựa bạch, và sự xuất hiện của dàn nhạc như ở chiếu chèo cổ xưa, vừa lạ vừa hay, lại rất Việt Nam.
Hình ảnh Thị Kính lúc đó được xây dựng với cái nhìn mang đậm chất nhân văn, như lời ông hồi tưởng: “Thị Kính hóa Phật vì đã một lòng từ bi, không chút ân oán để nuôi đứa con của Thị Màu. Mặc dù bị xã hội thời ấy chê trách mà cô ấy vẫn nuôi đứa bé, vẫn yêu và trân trọng cuộc sống, kiên nhẫn và tích cực như thế...”.