Giữa nắng gió của mảnh đất Tây Nguyên (Kon Tum), tiếng hát chèo vang vọng như nỗi niềm của những người con xa xứ luôn nhớ mong quê nhà.
Điệu chèo trên mảnh đất Tây Nguyên
Năm 2000, bà Đào Thị Tam rời Thái Bình vào Kon Tum sinh sống và lập nghiệp ở thôn Ngọc Hải (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Tại đây, bà gặp đồng hương xa xứ nên cùng gắn bó, sẻ chia với nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Đến dịp lễ hội, người trong làng rủ nhau đi xem hát chèo ở các thôn lân cận. Những ngày nắng không sao, ngày mưa nhiều khi đến được nơi tổ chức hát chèo người lấm lem màu đất đỏ. Rồi có người gợi ý thử học hát chèo để phục vụ dân làng. “Chúng tôi quyết tâm tập luyện các làn điệu chèo rồi thành lập câu lạc bộ chèo Ngọc Hải với 13 thành viên. Thời gian đầu học không trống, phách, đàn nhị mà chỉ hát vo. Khi đó từng người tự nghe đài rồi hát theo. Ai hát được, hát hay rồi tập lại cho người khác. Qua thời gian, 36 làn điệu chèo cũng được các thành viên học thuộc lòng và nhuần nhuyễn”, bà Tam nhớ lại.
Trải qua tháng ngày hát vo, câu lạc bộ nhờ người đánh trống chèo ở xã Đắk Xú về hướng dẫn. Bên cạnh đó, nhờ người ở làng Iệc (xã Pờ Y) về dạy thổi sáo. Dần dần những điệu chèo da diết, tha thiết được các thành viên hát mượt mà hơn.
“Nhờ có câu lạc bộ, chúng tôi vừa gìn giữ được nếp quê, vừa thắt chặt tình đoàn kết và có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống”, bà Tam dứt lời rồi du dương làn điệu chèo quê hương.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, phụ trách đánh trống chèo chia sẻ: Dù đánh trống con thành thạo với cắc trống lúc khoan lúc nhặt nhưng chuyển sang trống chèo thấy luống cuống. Nhưng tập lâu đôi tay dần quen, không còn ngượng nghịu.
Không chỉ học hát chèo, đánh trống, các thành viên trong câu lạc bộ còn học thổi sáo, kéo đàn nhị để hoàn thiện hơn. “Giờ đây, chèo như món ăn tinh thần không thể thiếu với chúng tôi. Tuy công việc thường ngày còn nhiều vất vả, nỗi nhớ quê nhà tha thiết, nhưng khi được quây quần bên nhau ngân nga điệu chèo, mọi nỗi niềm như tan biến hết. Điệu chèo khiến chúng tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống”, ông Nghĩa nói.
Truyền dạy cho lớp trẻ
Trời chiều ngả dần sau dãy núi, chúng tôi chia tay các thành viên trong câu lạc bộ ra về. Phía sau, những tiếng chèo ngân nga như níu chân khách đường xa.“Ai về thăm xã Pờ Y, ghé thăm cửa khẩu quê tôi đẹp giàu. Đập tràn nước chảy rì rào, tưới tiêu, cà, lúa một màu xanh tươi. Đêm trường tiếng mẹ ru hời, nuôi con khôn lớn xây đời tương lai…”.
Dựa trên những làn điệu chèo truyền thống, thành viên câu lạc bộ bắt tay vào sáng tác, dàn dựng các hoạt cảnh chèo. Những hoạt cảnh được dựng lên chủ yếu dựa vào cuộc sống thường ngày, bình dị, mộc mạc, con người chân chất. Sau nhiều khó khăn, gian khổ, việc sáng tác cũng trở nên dễ dàng hơn.
Các tác phẩm về đời sống, quê hương như: Gởi quê hương mới Ngọc Hồi, Ca ngợi quê hương Pờ Y, Nam Bắc một nhà, xây dựng nông thôn mới... được hát vang mỗi ngày ở ngã ba biên giới. Nhiều tác phẩm của câu lạc bộ được lựa chọn tham dự cuộc thi cấp huyện, tỉnh và đạt nhiều thành tích cao.
Bên cạnh sáng tác và biểu diễn, năm 2014 những thành viên trong câu lạc bộ còn truyền dạy nghệ thuật chèo cho lớp trẻ. Sau hơn 6 năm, 5 cháu nhỏ và 5 thành viên từ 30 - 40 tuổi theo học hát chèo.
Dù mới 14 tuổi nhưng em Đỗ Thị Huế đã theo các ông, bà trong câu lạc bộ chèo đi tập hát, biểu diễn. “Học hát chèo em cảm thấy hay và thú vị. Qua những câu hát, người sáng tác có thể đưa tâm tư, tình cảm và cảnh sắc tươi đẹp của quê hương. Không những vậy, hát chèo cũng có thể tái hiện câu chuyện chân thực, chứa chan tình người”, em Huế bộc bạch.
Không chỉ Huế, em Bùi Văn Sĩ cũng say sưa với làn điệu chèo truyền thống của vùng quê lúa. Sau khi được các nghệ nhân truyền dạy, Sĩ giới thiệu những gì đã học trong chương trình nghệ thuật của trường. Tiết mục hát chèo của em được nhiều người yêu thích và ủng hộ, thậm chí đoạt giải Nhất cuộc thi của trường.
“Mặc dù làm quen với hát chèo chưa lâu, nhưng em yêu thích những làn điệu quê hương này. Em sẽ cố gắng học nhiều làn điệu chèo hơn nữa để giới thiệu với bạn bè, thầy cô”, Sĩ chia sẻ.