Nghề phụ quê tôi

GD&TĐ - Nghề đan lờ ở làng Yên Phú, thuộc xã Tứ Yên (huyện Sông Lô - Vĩnh Phúc) quê tôi chẳng ai biết có từ bao giờ, chỉ biết nó được truyền từ đời này sang đời khác, và còn mãi đến tận bây giờ. Sở dĩ nó tồn tại được lâu như vậy vì đây tuy là nghề phụ người dân chỉ làm lúc nông nhàn nhưng lại mang lại nguồn thu nhập ổn định, vốn đầu tư không cao, lại không đòi hỏi kĩ thuật, người già, trẻ con đều làm được.

Nghề phụ quê tôi

Nghe các cụ già kể lại thì từ khi có làng là đã có nghề đan lờ, bởi Tứ Yên vốn là vùng đồng chiêm trũng nên có rất nhiều cá tôm mà lờ là dụng cụ đánh bắt tôm, cua đơn giản, tiện dụng và rất hiệu quả. Chỉ cần khoảng dăm chục lờ thả dọc các bờ đầm, bờ ruộng là mỗi ngày có thể kiếm được vài cân tôm cua vừa cải thiện bữa ăn gia đình vừa tăng thêm thu nhập. Ban đầu, người dân đan lờ chỉ để dùng, sau thấy khách có nhu cầu họ đem bán.

Nghề đan lờ được người dân quê tôi làm quanh năm suốt tháng, nhưng tập trung nhất là vào những khoảng thời gian khi việc đồng áng đã vãn. Khi ấy cả làng giống như một công trường, đến nhà nào cũng thấy ngổn ngang những nan lờ. Đặc biệt họ thường làm tập trung để vừa làm vừa trò chuyện, như thế vừa năng suất lại vừa không chán tay. Tôi còn nhớ những buổi tối mùa hè bố tôi thường giăng một bóng đèn thật sáng trước sân, cả xóm ngồi tập trung vừa hóng mát vừa rôm rả đủ thứ chuyện tay vừa thoăn thoắt bẻ má, khoáy tua.

Thật khó để có thể tính chính xác một ngày một người làm ra được mấy chiếc lờ, vì để làm được một chiếc lờ cần rất nhiều công đoạn, từ đẵn tre, cắt đoạn, pha mảnh đến trẻ nan, đan mê, đan má, cài tua, lắp ráp…

Thường thì cả gia đình cùng tham gia làm mỗi người một công đoạn, nhà nào neo người cũng phải làm được đôi ba trăm lờ trong một tháng. Lờ làm xong đem gác bếp chờ được giá sẽ bán, càng để lâu càng được giá. Khách hàng tìm đến tận nơi, khách trong huyện trong tỉnh, thậm ý ở các tỉnh xa cũng tìm đến, vì họ không thể tìm mua được lờ ở đâu khác ngoài làng Yên Phú.

Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí có những lúc không có đủ hàng để bán, với giá cả như hiện nay 6.000 đồng một chiếc thì mỗi tháng gia đình nào làm được nhiều cũng kiếm được tiền triệu. Cũng nhờ có nghề mà người dân quê tôi đã trải qua được giai đoạn khó khăn, nuôi dạy con cái trưởng thành và có của ăn của để.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ