Với 25 tác phẩm sơn dầu được sáng tác trong một năm đầy những biến động của thời cuộc và đại dịch Covid-19. Nguyễn Công Hoài đã đi đến quyết định đặt tên cho triển lãm “Nghe những tàn phai”. Ở đó phận người trơ trụi và nhỏ bé, vô diện đến nỗi chẳng thấy cả mắt mũi và tai miệng.
Những phận người vô diện
Diễn ra tại Không gian nghệ thuật May (Bình Thạnh - TPHCM), đến 10/3 mới kết thúc nhưng “Nghe những tàn phai” đang thu hút sự chú ý của giới mỹ thuật và công chúng yêu hội họa tìm đến xem 25 tác phẩm sơn dầu của Nguyên Công Hoài.
Sinh năm 1984, vừa tròn 38 tuổi nhưng Nguyễn Công Hoài với chiêm nghiệm sâu sắc, có lúc quằn quại suy tư trong sáng tạo đã nhận ra sự mỏng manh của phận người. Anh diễn tả cuộc sống, sự mong manh ấy qua những nhát bay, nét vẽ đầy trừu tượng nhưng không phải để thách thức người xem.
Nguyễn Công Hoài khá nhất quán trong quan niệm và phong cách sáng tác. 25 bức tranh đang trưng bày đã thể hiện thông điệp mang tính quy luật: Hữu sinh – hữu diệt, không có gì là vĩnh cửu bất biến.
Qua 5 lần triển lãm, họa sĩ luôn xoáy vào phận người và để lại một hố sâu đầy những trăn trở trong cõi sống nhân sinh. Qua đại dịch Covid-19 cùng những biến cố xã hội, người nghệ sĩ một lần nữa nhận ra sự mong manh của cuộc sống. Con người chỉ là một hạt cát lẻ loi giữa muôn trùng giông bão, nhưng lại có sứ mệnh nặng nề mà tạo hóa đã đặt lên vai như cây thập tự.
Tuy nhiên, nghệ sĩ cũng không vì thế mà trở nên bi quan sợ hãi. Ở lần thứ 5 này, những bức tranh của Nguyễn Công Hoài đã bớt đi gai góc và vần vũ khốc liệt. Thay vào đó là sự lặng lẽ, có một chút mơ mộng như khi người ta đã cảm đủ nỗi đau và thấy không gì có thể dập vùi nổi mình nữa.
Nguyễn Công Hoài luôn đặt nhân vật của mình vào một không gian hẹp. Những hình hài người vì thế càng trở nên trơ trọi cô độc, chông chênh bất lực. Và nếu xem kỹ, cảm nhận bằng gan ruột thì thấy những buông xuôi run rẩy nhưng cũng đầy lì lợm trong đủ tư thế co quắp, che chắn, né đỡ, vặn vẹo không có lấy một chút lực nào của sự chống trả.
Con người trở nên vô diện không mắt mũi miệng, hay đau đớn đến nỗi mất đi cả những giác quan giữa ẩn ức rệu rã trong biến cố sinh – tử, được – mất, thành – bại. Tuy vậy, họa sĩ đã biết trầm tĩnh xử lý tác phẩm bằng những nhát bay dịu mịn và đầy ấm áp, những đường viền thân thể chắc và đậm đem lại cảm giác như an ủi lặng lẽ.
Họa sĩ Tào Linh cho rằng: Vẫn là nỗi hoang mang về thân phận con người, những giằng xé nội tâm. Nhưng lần này có vẻ cái nội tâm và nỗi hoang mang đã khác đi. Như thể Nguyễn Công Hoài đang đứng trước một ngã ba lựa chọn. Cuộc sống của họa sĩ vất vả với nhiều gánh nặng. Nhưng đáng kể nhất vẫn là gánh nặng tinh thần mà nghệ sĩ phải mang vác.
Nghệ thuật thấu hiểu nỗi đau
Con người trong tranh Nguyễn Công Hoài là những con người vô diện, họ không mang gương mặt rõ rệt nào. Chân dung không có ánh mắt, nụ cười để cho công chúng thấy. Chân dung con người trong tranh của anh là những thân phận nhỏ nhoi, bất lực, trần trụi, đau đớn, đơn độc nhưng cũng ở đó ngời ngợi hiển lộ sự dịu dàng, vị tha, thiết tha với cuộc đời này…
Trong sự tàn phai rỗng mục của những điều ta nhìn thấy lại đang âm thầm sinh sôi, nảy nở nên những vẻ đẹp hư ảo nhưng vĩnh hằng. Bút pháp của Nguyễn Công Hoài trong lần trở lại này lắng đọng và ngẫu hứng. Phải chăng họa sĩ đã chọn cách chấp nhận, đón nhận những trăn trở trong mỹ cảm nghệ thuật?
Họa sĩ Lương Lưu Biên cho rằng, bút pháp nặng tính biểu hiện, mỗi bức của Hoài là một hình hài co lại hay buông xuôi, được tạo hình mờ nhòe như hiện ra từ một hiện thực xa xôi. Thế rồi những nhát đắp dày, cào xước hay bôi xóa như những tra vấn với mỗi thân phận.
Thi thoảng ánh sáng lóe lên, tràn khắp thân thể để làm minh bạch một điều gì đó hoặc dìm tối đi để che đậy, để an ủi cho những nỗi niềm riêng tư khác. Cuộc tra vấn hay cũng chính là tự vấn ấy có lẽ sẽ kết thúc khi họa sĩ đủ mệt và bức tranh dừng ở đó. Có khi nó trọn vẹn mà nhiều khi bức tranh chỉ là một câu chuyện dở dang, để rồi hôm sau nó sẽ được tiếp nối trên một tấm toan khác.
“Nghe những tàn phai” là một triển lãm nghệ thuật, nhưng cũng là cuộc trưng bày nội tâm. Khi nhìn vào những tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Công Hoài, công chúng thấy mọi lằn ranh ấy đều trở nên mờ nhòe, cái hiện diện lúc này chính là vẻ đẹp của sự phai tàn đang lay thức, rung động chúng ta.
Nghệ thuật có thể là phơi bày hay ẩn giấu, nhưng điều cốt yếu vẫn là để con người thấy lòng mình dịu lại trước những nỗi đau bất trắc. Đối diện với những bức tranh của Nguyễn Công Hoài, họa sĩ Lương Lưu Biên nói rằng: “Nếu ai đó hỏi tôi làm thế nào để chế tác tình thương yêu? Tôi sẽ nói rằng, chỉ có một cách duy nhất là nhìn sâu vào niềm đau, nỗi khổ của chính mình và tìm cách hiểu chúng. Nếu không, ta không thể hiểu được những khổ đau của người khác và không thương yêu ai được”.
Ở một góc nhìn khác, cô đơn và đau khổ là một quy luật để mỗi người trưởng thành hơn. Biến cố giúp mỗi người có thái độ ứng xử và nhìn nhận đời sống trầm tĩnh và sâu sắc hơn, để mang lại sự yêu thương, cảm thông với cuộc đời – con người.