Art toy Việt Nam: Khoảng trống nghệ thuật khó lấp đầy

GD&TĐ - Trong khi thị trường art toy thế giới ngày càng sôi động thì tại Việt Nam, nghệ thuật art toy đìu hiu và để lại một khoảng trống lớn.

Tác phẩm Street Dragon của The O Room lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”.
Tác phẩm Street Dragon của The O Room lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”.

Art toy hay là “Designer toy” không chỉ là một món đồ chơi trang trí thuần tuý. Trong mỗi phiên bản art toy, không chỉ ẩn chứa các câu chuyện mang ý nghĩa riêng biệt, mà còn là một bộ môn nghệ thuật chính thống.

Art toy chỉ là đồ chơi?

Trong khi nhiều nước coi art toy giống như hội họa, điêu khắc và hình thành thị trường xuất khẩu văn hóa với những tác phẩm có giá hàng triệu đô la, thì tại Việt Nam sự thật phũ phàng đã và đang tồn tại: Art toy chỉ là đồ chơi trẻ con.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trào lưu art toy nghệ thuật tại Việt Nam bắt đầu có những bước đi, dù chập chững nhưng hứa hẹn tạo ra một sân chơi lành mạnh – thú vị cho những người đam mê, đặc biệt giới trẻ.

Tại TPHCM, một số triển lãm art toy cũng như workshop được tổ chức nhằm giao lưu và bán ý tưởng liên quan đến đồ chơi nghệ thuật cũng được diễn ra. Hiện nay, thị trường Việt đã manh nha hình thành các studio độc lập như Cơm hộp, Iku, Ti du… thu hút giới chơi và sưu tầm nghệ thuật.

Theo giới chơi art toy, vào cuối năm 1999 Michael Lau - nhà thiết kế đồ họa Hồng Kông, đã cho ra mắt bộ sưu tập đồ chơi mang tên “The Gardener” do chính anh sáng tạo. Với thiết kế lấy cảm hứng từ các nhân vật hành động, là sự khởi đầu cho một loại hình đồ chơi nghệ thuật mới mang tên art toy.

Vào đầu những năm 2000, hình ảnh các sinh vật nhỏ đầy màu sắc và cực kì bắt mắt tại các hội chợ thiết kế minh họa, nhà sách và cửa hàng truyện tranh “ăn theo” văn hóa nhạc pop, hip-hop, graffiti, manga Nhật… dần nổi tiếng đến mức nhanh chóng thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa (thiết kế).

Art toy hiểu đúng nghĩa là đồ chơi thiết kế, là dòng sản phẩm đồ chơi nghệ thuật thường được phát hành dưới dạng phiên bản giới hạn. Ngày nay, các công ty lớn trong ngành sản xuất đồ chơi như Medicom và Kidrobot đều gia nhập lĩnh vực này. Họ cho ra mắt các sản phẩm là những nhân vật tưởng tượng.

Trong hơn 20 năm qua, art toy đã chứng minh được độ nóng tại các thị trường lớn như Trung Quốc. Năm 2020, Pop Mart - cửa hàng đồ chơi nghệ thuật lớn nhất Trung Quốc đã bán ra được hơn 5 triệu sản phẩm, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, dòng art toy được giới trẻ chú tâm nhiều nhất có lẽ là chú gấu Be@rbrick của Medicom. Chú gấu bụng phệ dễ thương với sự đa dạng hình ảnh, màu sắc. Sự đổi mới chất liệu sử dụng với quá trình sáng tạo ấn tượng đã tạo ra sức hút lớn không chỉ trong cộng đồng yêu nghệ thuật, mà cả trong giới sưu tập.

Cần đề cao giá trị thương hiệu

Tại nước ta, các sản phẩm art toy thường mang giá trị nghệ thuật và ý nghĩa tinh thần cao hơn kinh tế. Các nghệ sĩ thiết kế đồng thời là những người chơi, họ sáng tạo art toy hoàn toàn thủ công nên sản phẩm ra đời cũng là độc bản. Bước đầu, art toy ở Việt Nam chủ yếu được “qua tay” giới sưu tầm hoặc những người thích trang trí nội thất bằng đồ chơi có giá trị thẩm mỹ cao. 

Theo giới sưu tập nghệ thuật đồ chơi thiết kế tại Việt Nam, art toy rất đa đạng về chất liệu: Nhựa ABS, vinyl, gỗ, kim loại, resin, đất sét… Tuy nhiên, giá bán của art toy không dựa trên chi tiết hay chất liệu tác phẩm mà chịu ảnh hưởng về hàm lượng nghệ thuật cũng như tên tuổi người tạo ra.

Mặc dù, giới chơi art toy Việt mới chỉ chập chững những bước đầu tiên, nhưng cho đến nay một số bạn trẻ cũng như nhà sưu tầm đã coi thiết kế art toy là nghề tay trái để thỏa sức sáng tạo. Với một sân chơi non trẻ, việc kiếm tiền từ các thiết kế không dễ dàng nhưng là tín hiệu đáng mừng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo – nằm trong ngành công nghiệp văn hóa.

Khác với những loại hình đồ chơi khác, các sản phẩm art toy đều được làm thủ công do chính các nghệ sĩ trực tiếp thực hiện. Họ tự quyết định ý niệm, cách thể hiện và ra mắt công chúng.

Một trong những thiết kế ấn tượng tại Việt Nam mang tinh thần dân tộc, đồng thời phác họa vốn văn hóa là 3 nhân vật rồng (Street Dragon) của The O Room. Lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” - Street Dragon được tạo ra dựa trên những liên tưởng về tổ tiên người Việt trong cuộc sống đương đại, nay ngồi ghế nhựa uống trà đá nói chuyện cùng bạn bè.

The O Room nói rằng, việc sáng tạo bắt đầu từ ý tưởng đến việc nặn tay tạo hình nhân vật. Sau khi hoàn thiện bước đầu sẽ đổ khuôn, đúc resin, xử lý bề mặt, sơn hoàn thiện và tạo ra được thần thái để chuyển tải thông điệp nhân vật.

Với nhiều người, sáng tạo art toy có vẻ dễ hoặc không có gì quá khó khăn. Tuy nhiên, cộng đồng art toy nghệ thuật lại cho rằng không đơn giản. Như The O Room chia sẻ “công đoạn khó nhất là giữ bản thân đi được đến bước cuối cùng, vì thực sự ở bước nào cũng có áp lực và khó khăn riêng”.

Đồ chơi vốn là niềm vui dành cho trẻ em, art toy vượt qua đồ chơi thuần tuý để đạt tầm nghệ thuật. Bởi vậy, sự thú vị của bộ môn art toy được cấu thành bởi 2 yếu tố: Nghệ thuật và đồ chơi. Nghệ sĩ thiết kế buộc phải có câu chuyện cho các nhân vật mà mình tạo ra.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có bất cứ một cơ sở hay khóa học nào đào tạo về art toy. Người chơi và tham gia thiết kế phải tự học hỏi, tìm tòi kiến thức qua các hội nhóm. Bởi vậy, sự hạn chế của nghệ thuật art toy ở nước ta đã tạo ra một khoảng trống lớn, rất khó lấp đầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.