Sinh ra trong một gia đình nông dân Khmer nghèo, đông anh em ở xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng, nên ngay từ nhỏ Sơn Đi Nết cùng các anh em trai của mình đã được cha mẹ gửi vào chùa Prey Chóp để học kinh Phật và học chữ.
Thời gian Sơn Đi Nết ở trong chùa cũng là thời điểm nhà chùa đang tiến hành trùng tu sửa chữa một số hạng mục, trong đó có phần chạm khắc hoa văn họa tiết và tạc các bức tượng, phù điêu.
Nhân đó, vốn rất yêu thích nghệ thuật điêu khắc Khmer truyền thống, nên ngoài thời gian học kinh Phật, học chữ Khmer, chữ Việt, Sơn Đi Nết còn thường xuyên phụ việc các nghệ nhân điêu khắc tô vẽ hoa văn một cách rất chăm chút tỉ mẩn say mê.
Nhận thấy, cậu bé Sơn Đi Nết có năng khiếu và đam mê nghệ thuật điêu khắc một cách kỳ lạ, nghệ nhân Thạch Mười nổi tiếng ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã nhận làm đệ tử để truyền nghề.
Từ đó cuộc đời của cậu bé Sơn Đi Nết đã thực sự rẽ sang một bước ngoặt khác, với tương lai đầy hứa hẹn. Hàng ngày Sơn Đi Nết vừa học chữ, vừa học nghề điêu khắc một cách chăm chỉ, cần cù, công phu và đầy hứng thú.
Sau khi học xong bậc tiểu học, Sơn Đi Nết được hòa thượng trụ trì chùa Prey Chóp đưa tới chùa Ghositaram (Cù Lao) xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu học tiếp chương trình THCS.
Chính tại ngôi chùa này, Sơn Đi Nết đã được nhiều nghệ nhân nổi danh về nghệ thuật chạm, khắc tận tình chỉ dẫn truyền nghề. Nhờ đó, Sơn Đi Nết đã có cơ hội học tập trau dồi nâng cao tay nghề một cách nhanh chóng.
Khi chưa tới 20 tuổi, với năng khiếu trời phú, sự kỳ công trong học nghề cùng đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, anh đã trở thành một nghệ nhân điêu khắc chuyên nghiệp, được nhiều nhà chùa Khmer ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh mời tới thực hiện những tác phẩm điêu khắc tượng Phật dựa theo truyền thuyết trong kinh Phật hết sức sống động. Điều đặc biệt là những tác phẩm do anh thực hiện luôn đúng với kinh sử, được nhiều vị sư trụ trì khen ngợi và tâm phục. Trong số đó, có nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo, đặc sắc được đặt ở vị trí chính điện của nhiều ngôi chùa Khmer nổi tiếng như “Nàng tiên chúc phúc” ở chùa Ghositaram (Cù Lao). Tác phẩm là minh chứng cho sự công phu trong từng đường nét chạm khắc của chàng trai nghệ nhân Sơn Đi Nết tài hoa.
Tuy đã nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng Sơn Đi Nết vẫn tìm đến những nghệ nhân điêu khắc kỳ cựu bậc thầy để học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Bởi anh luôn ý thức rằng, đối với nghệ thuật nói chung, lĩnh vực điêu khắc nói riêng, chỉ dựa vào chút năng khiếu thôi thì chưa đủ; muốn theo đuổi và gắn bó với nghề bền vững, đòi hỏi phải thật sự đam mê và công phu trong học hỏi và sáng tạo.